Phát hiện nhiều vụ vi phạm liên quan đến các ngành nghề nhạy cảm
Trong báo cáo kết quả hoạt động của Đoàn Kiểm tra Liên ngành Văn hóa - Xã hội TPHCM (Đoàn 1) năm 2024, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM chú trọng đến tăng cường quản lý Nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ để phát sinh tệ nạn xã hội (TNXH), có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tiềm ẩn TNXH, góp phần lành mạnh hóa đời sống văn hóa tinh thần người dân, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Thời gian qua, công tác tham mưu, triển khai, tuyên truyền phổ biến pháp luật về tăng cường công tác quản lý hoạt động văn hóa cơ sở tại địa phương; quan tâm công tác tổ chức lễ hội; tập trung công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường; chú trọng quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự; phòng chống tệ nạn xã hội, phòng ngừa và đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội luôn được chú trọng...
Qua đó, Đoàn kiểm tra đã xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức hoạt động, kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, quảng cáo vi phạm pháp luật; quản lý chặt chẽ địa bàn, tập trung kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hoạt động kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh TNXH, hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn TP; góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa và thể thao.
Báo cáo cho thấy, trong năm 2024, lực lượng Kiểm tra liên ngành Văn hóa - Xã hội các cấp đã thực hiện kiểm tra 6.803 vụ, phát hiện 1.885 vụ vi phạm, gồm các nhà hàng karaoke (458 vụ), nhà hàng - bar, beerclub, cà phê DJ (135 vụ); massage, xoa bóp (207 vụ); khách sạn (248 vụ); hớt tóc thanh nữ, cà phê kích dục (133 vụ); trò chơi điện tử không nối mạng (10 vụ)... với khoảng 1.142 hành vi vi phạm hành chính các lĩnh vực văn hóa, thể thao, quảng cáo, lao động, thương mại, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy (PCCC); chuyển cơ quan có thẩm quyền ban hành 1.902 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là gần 19 tỷ đồng. Kết quả đã chấp hành 1.214 quyết định, đạt tỉ lệ 64% với tổng số tiền thu xử phạt nộp ngân sách hơn 10 tỷ đồng.
Điển hình là vụ kiểm tra Công ty TNHH thương mại dịch vụ Nhà hàng GK 22 KTV - lầu 2, số 22 đường Ngô Quyền (Phường 6, Quận 5), phát hiện cơ sở đang kinh doanh nhà hàng karaoke không phép, dùng các phương thức phục vụ có tính chất khiêu dâm, để tiếp viên nữ mặc trang phục khiêu dâm phục vụ khách tại nhà hàng; qua đó Đoàn Kiểm tra đã lập niên bản vi phạm hành chính đối với Công ty này về hành vi: "Kinh doanh dịch vụ karaoke không có giấy phép theo quy định", "dùng các phương thức phục vụ có tính chất khiêu dâm tại nhà hàng ăn uống, giải khát". Cơ sở cũng đã đóng phạt 95 triệu đồng về các hành vi vi phạm trên. Ngoài ra, Đoàn 1 còn tiến hành kiểm tra Công ty TNHH kinh doanh khách sạn Ngọc Lan (Phường 15, Quận 11) và phát hiện cơ sở đang hoạt động kinh doanh dịch vụ xông hơi, xoa bóp, massage có sử dụng nhân viên nữ dưới 18 tuổi phục vụ khiêu dâm, kích dục khách nam. Với nhiều lỗi vi phạm, cơ sở này đã bị xử phạt 195 triệu đồng.
Đáng chú ý, trong đó còn nhiều cơ sở có hành vi vi phạm các quy định về PCCC như: không chấp hành quyết định đình chỉ hoạt động theo quy định pháp luật về PCCC; không lập hồ sơ quản lý, theo dõi PCCC; bố trí sắp xếp vật tư, hàng hóa các vật dụng khác cản trở lối thoát nạn; không lắp đặt thiết bị chiếu sáng sự cố trên lối thoát nạn...
Ngoài ra, trong thời gian qua, lực lượng Kiểm tra liên ngành Văn hóa - Xã hội các cấp cũng đã thực hiện công tác kiểm tra kết hợp lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh TNXH trên địa bàn TP. Trong đó, chú trọng kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh TNXH ma túy, cờ bạc, mại dâm, kích dục, khiêu dâm; kinh doanh không đủ điều kiện kinh doanh; kinh doanh hàng lậu, hàng gian, hàng giả, gian lận thương mại; vi phạm quy định phòng, chống tác hại rượu, bia, thuốc lá, các hoạt động kinh doanh gây ồn, không đảm bảo an toàn PCCC; kinh doanh quá giờ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn không để xảy ra các vụ việc phức tạp, gây bức xúc dư luận.
Theo ông Trần Thế Thuận - Giám đốc Sở VHTT TPHCM, trong năm 2024, mặc dù vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn, vướng mắc, nhưng Đoàn 1 đã nỗ lực rất nhiều trong công tác kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội, kiểm tra chuyên ngành nhằm phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi liên quan tệ nạn xã hội: ma túy, cờ bạc, mại dâm, kích dục, khiêu dâm; gây ồn ào mất an ninh trật tự và không đảm bảo về PCCC. Trên cơ sở rút ra nhiều bài học kinh nghiệm cũng như đưa ra một số kiến nghị để giải quyết những vướng mắc còn tồn tại, trong thời gian tới, Đoàn 1 sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp tốt, chặt chẽ công tác kiểm tra liên ngành Văn hóa - Xã hội các cấp, nhằm đảm bảo hiệu quả công tác kiểm tra liên ngành; lồng ghép công tác kiểm tra với tuyên truyền phổ biến pháp luật; xử lý nghiêm đối với các cơ sở hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa - xã hội có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tiềm ẩn TNXH ma túy, mại dâm, kích dục, khiêu dâm, bảo đảm ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.