Phát hiện những dấu hiệu này cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay phòng biến chứng viêm màng não

Dù có tỷ lệ mắc lớn song đây là loại viêm não đã có vắc xin ngừa. Trẻ mắc bệnh thường do không tiêm vắc xin hoặc tiêm vắc xin không đầy đủ. Cách đơn giản là cho trẻ tiêm đủ vắc xin ngừa viêm não - viêm màng não.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Viêm não - màng não trẻ em là căn bệnh nguy hiểm. Nếu không kịp thời phát hiện những dấu hiệu để điều trị, viêm não - màng não trẻ em có thể để lại nhiều di chứng, nặng có thể gây ra tử vong. Do đó, phụ huynh cần nhận biết những dấu hiệu viêm màng não trẻ để đảm bảo sức khỏe và tính mạng của trẻ.

Bệnh viêm não và viêm màng não xuất hiện rải rác quanh năm, xu hướng tăng vào mùa nắng nóng. Trong đó, đáng ngại nhất có hai bệnh viêm não do nhiễm trùng gồm viêm não Nhật Bản, 25 - 30% số ca viêm não và viêm não do Herpes, chiếm 15 - 20% số ca viêm não.

Đến nay, chưa có thuốc đặc trị viêm não, việc điều trị chủ yếu giải quyết các triệu chứng.

Theo WHO, căn bệnh này có tỉ lệ tử vong có thể lên đến 50%, bệnh nhân sau khi được điều trị còn phải đối mặt với những di chứng nặng nề với 8-15% bệnh nhân tử vong dù đã được điều trị, 10-20% bệnh nhân đặc biệt là trẻ em phải đối mặt với các di chứng như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt,…

TS.BS Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội Truyền nhiễm, Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) chia sẻ trên báo Đại đoàn kết cho hay, điều đáng ngại hơn nữa là bệnh viêm màng não do não mô cầu khó phân biệt với bệnh khác, bệnh diễn biến rất nhanh khiến bác sĩ không có thời gian hội chẩn hay xin ý kiến chuyên gia.

Theo bác sĩ, có trường hợp bệnh nhân nhập viện sau 5-9 giờ thì bắt đầu phát ban, đến chiều thì phát ban hoại tử khắp toàn thân, bệnh cảnh rất nặng, bệnh nhân phải đối mặt nguy cơ tử vong cao.

Theo các thống kê, trong 24 giờ đầu, tỉ lệ tử vong của người bệnh mắc viêm màng não do não mô cầu là 20%, sau 48 giờ, tỉ lệ này cao đến 30-40%.

Thống kê tại một số nơi ổ chuột, nơi có mật độ dân số cao, điều kiện chăm sóc y tế không đảm bảo trên thế giới ghi nhận tỉ lệ tử vong có thể ở mức 40% - có nghĩa cứ khoảng 3 bệnh nhân bị viêm não mô cầu thì 1 người tử vong.

Riêng bệnh viêm màng não dù có thuốc điều trị, nhưng thực tế một số trẻ nhập viện trong tình trạng nặng, bị tổn thương thần kinh vĩnh viễn, nên vẫn phải chịu nhiều di chứng ở não bộ.

Trẻ hồi phục kém hoặc chỉ hồi phục một phần, trí tuệ sa sút hơn trẻ bình thường và cũng có nguy cơ tử vong. Trẻ mắc viêm não - viêm màng não thường do không tiêm vắc xin hoặc tiêm vắc xin không đầy đủ.

Mặc dù các chuyên gia nhi khoa đã khuyến cáo song vẫn có phụ huynh không tiêm phòng vắc xin cho trẻ. Triệu chứng điển hình của viêm não là sốt cao, co giật và hôn mê, xuất hiện ở ngày thứ ba mắc bệnh. Tuy nhiên khi có các biểu hiện này, bệnh đã trở nặng, có thể gây tử vong.

Để phát hiện sớm các trường hợp trẻ bị viêm não, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần đặc biệt lưu ý đến các triệu chứng như: Sốt rất cao kèm đau đầu, uống hạ sốt không hạ, buồn nôn và nôn ngay cả khi không đúng bữa ăn, cơ thể kích thích, vật vã… Ngay khi có dấu hiệu bất thường, cha mẹ nên đưa con tới bệnh viện khám sớm để điều trị viêm não kịp thời.

Để phòng bệnh, nguyên tắc chung là luôn nâng cao sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ. Vào mùa hè, các gia đình cần chú ý vấn đề vệ sinh môi trường, diệt muỗi, phun thuốc muỗi, nằm màn hoặc dùng thuốc chống muỗi để phòng các bệnh do muỗi đốt.

Ngoài ra, gia đình cần thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân ví dụ đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên để hạn chế các bệnh. Bên cạnh đó, cha mẹ nên đưa con đi tiêm vắc xin đầy đủ, không chỉ phòng bệnh mà còn giúp tránh các di chứng sau khi mắc bệnh.

Dù có tỷ lệ mắc lớn song đây là loại viêm não đã có vắc xin ngừa. Cách đơn giản là mỗi bệnh nhi tiêm đủ vắc xin ngừa viêm não - viêm màng não như viêm não Nhật Bản, viêm não HIB, viêm não do phế cầu, viêm não mô cầu, tiêm nhắc theo lịch để đảm bảo duy trì lượng kháng thể bảo vệ.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/phat-hien-nhung-dau-hieu-nay-can-dua-tre-den-benh-vien-ngay-phong-bien-chung-viem-mang-nao-N5za9uuGg.html