Phát hiện 'những kẻ săn mồi' đầu tiên trên Trái Đất tại Australia

Hai nhà khoa học của Đại học Quốc gia Australia tìm thấy dấu vết phân tử của loài vi sinh vật Protosterol Biota khi phân tích những tảng đá 1,6 tỷ năm tuổi thu được từ lãnh thổ phía Bắc nước này.

Giáo sư Jochen Brocks kiểm tra các trầm tích 1,64 tỷ năm tuổi để tìm các phân tử của quần thể sinh vật Protosterol ở Barney Creek, Bắc Australia. (Nguồn: Reuters/Ảnh chụp màn hình)

Giáo sư Jochen Brocks kiểm tra các trầm tích 1,64 tỷ năm tuổi để tìm các phân tử của quần thể sinh vật Protosterol ở Barney Creek, Bắc Australia. (Nguồn: Reuters/Ảnh chụp màn hình)

Các nhà khoa học Australia mới đây đã công bố nghiên cứu về sự tồn tại của một loài vi sinh vật từng sống ở các vùng nước của Trái Đất hàng tỷ năm trước đây, đồng thời cho rằng đây có thể là "những kẻ săn mồi đầu tiên trên Trái Đất."

Nghiên cứu, do một nhóm nhà khoa học của trường Đại học Quốc gia Australia (ANU) thực hiện, cho thấy loài vi sinh vật này có tên khoa học là Protosterol Biota, có đặc tính săn lùng và ăn vi khuẩn khác.

Hai nhà khoa học Benjamin Nettersheim và Jochen Brocks của ANU đã tìm thấy dấu vết phân tử của Protosterol Biota trong quá trình phân tích những tảng đá 1,6 tỷ năm tuổi thu được từ lãnh thổ phía Bắc của Australia.

Theo các nhà nghiên cứu, Protosterol Biota thuộc họ sinh vật nhân thực (eukaryote), xuất hiện nhiều trong các hệ sinh thái biển trên khắp thế giới và có thể đóng vai trò chính trong việc hình thành các hệ sinh thái.

Các dạng sinh vật nhân thực hiện đại bao gồm nấm, thực vật, động vật và sinh vật đơn bào.

Tất cả các sinh vật hình thành từ nhân đều được cho là có nguồn gốc từ Tổ tiên chung của Sinh vật nhân thực cuối cùng (LECA), từng tồn tại cách đây hơn 1,2 tỷ năm./.

Thanh Tú (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/phat-hien-nhung-ke-san-moi-dau-tien-tren-trai-dat-tai-australia/867085.vnp