Phát hiện 'ổ' nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép

Tiến hành kiểm tra, Công an phát hiện tại nhà Hoài nuôi nhốt các động vật hoang dã như 6 con chồn hương, 2 con rắn hổ chúa, 6 con gà rừng, 37 con dúi..

Ngày 20/2, Công an huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng, cho biết vừa bắt quả tang Đặng Thị Việt Hoài (43 tuổi, ngụ xã Liêng S’Rônh, huyện Đam Rông) đang mua bán, tàng trữ trái phép động vật hoang dã trái phép.

Công an thu giữ tang vật tại nhà Hoài

Công an thu giữ tang vật tại nhà Hoài

Cụ thể, Công an phát hiện tại nhà Hoài đang nhốt 26 con chồn hương, hai con rắn hổ chúa, sáu con gà rừng, 37 con dúi, một con gà lôi.

Lực lượng chức năng còn phát hiện 6 kg thịt sóc, 15 kg heo rừng, 4 kg gà rừng và ba con chồn đã chết trong tủ đông của Hoài.

Khai với Công an, Hoài cho biết đã thu mua số động vật hoang dã nói trên từ nhiều người đi săn, bẫy để bán lại.

Người có hành buôn bán động vật hoang dã thì sẽ bị xử phạt như thế nào theo quy định hiện nay?

Căn cứ Điều 234 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi điểm a khoản 57 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã như sau:

Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 242 và Điều 244 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc động vật hoang dã khác trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

b) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc của động vật hoang dã khác trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.

c) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật thu lợi bất chính hoặc trị giá dưới mức quy định tại điểm a, điểm b khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Theo đó, nếu động vật hoang dã bị buôn bán không thuộc đối tượng quý hiếm thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Khung hình phạt sẽ tùy thuộc vào số lợi bất chính thu được theo quy định pháp luật nêu trên.

An Nguyên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phat-hien-o-nuoi-nhot-dong-vat-hoang-da-trai-phep-243136.html