Vào năm 2012, các nhà khoa học đã tìm thấy một số loài thực vật ở quận Mentarang Hulu. Tổng cộng có 17 mẫu vật từ 5 địa điểm khác nhau nằm trong diện được quan sát.
Một trong những loài thực vật đặc biệt thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu đó là một loài thuộc chi Nepenthes - loài thực vật ăn thịt có lá đã được biến đổi tạo thành một chiếc "bình", cùng với thân loe nhằm thu hút côn trùng đến và bị mắc kẹt lại ở đó.
Loài cây nắp ấm mới - được đặt tên là Nepenthes pudica - sống trên hòn đảo Borneo ở tỉnh North Kalimantan của Indonesia. Nó sở hữu một đặc điểm "ghê rợn" đó là tạo ra những cái bẫy để ăn thịt côn trùng.
Điểm đặc biệt của loài Nepenthes pudica là nó không bắt mồi ở ngoài trời mà ở dưới lòng đất từ những cái vòi của chúng. Nó cũng theo dõi con mồi từ dưới đất.
"Nepenthes pudica khác hẳn với tất cả các loài cây nắp ấm đã biết", nhà thực vật học Martin Dančák tại Đại học Palacký Olomouc ở Cộng hòa Czech, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
"Nó đặt những chiếc bẫy dài tới 11 cm dưới lòng đất, nơi chúng được hình thành trực tiếp trong đất hoặc trong các hang hốc, và bẫy động vật sống dưới lòng đất, thường là kiến, ve và bọ cánh cứng".
Mặt khác, Nepenthes pudica là loài duy nhất trong chi của nó có thể bắt được những con mồi to. Đặc biệt, chúng rất thích loài kiến.
"Điều thú vị là chúng tôi tìm thấy rất nhiều sinh vật sống bên trong chiếc "bình" của chúng, bao gồm cả ấu trùng muỗi, giun tròn, và một loài sâu", Václav, thành viên trong nhóm nghiên cứu cho biết.
Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng về cây Nepenthes pudica, nhóm chuyên gia đã biết được rằng, loài cây này hình thành và phát triển các chồi ngầm bao gồm nhiều lá nhỏ màu trắng không có chất diệp lục, cùng với các bình có màu đỏ.
"Chiến lược sống của Nepenthes pudica có thể được coi là một sự thích nghi tiến hóa có lợi. Vì thực vật ăn thịt phụ thuộc nhiều vào con mồi để cung cấp các chất dinh dưỡng hữu cơ cần thiết cho sự phát triển và sinh sản, áp lực chọn lọc tự nhiên có thể ảnh hưởng đến các đặc điểm liên quan đến bắt mồi.", báo cáo từ nghiên cứu cho biết.
"Do đó, việc đặt bẫy dưới lòng đất sẽ giúp chúng tránh sự cạnh tranh mạnh mẽ của các loài ăn thịt khác, cũng như những hạn chế về môi trường có thể xảy ra trong rừng". Dù săn mồi dưới lòng đất, Nepenthes pudica lại sống trên môi trường núi cao cách mực nước biển khoảng 1.100 - 1.300 m, trên một hòn đảo trong tỉnh Kalimantan.
Điều này khiến các nhà khoa học lo lắng về tương lai của nó do hòn đảo này đang bị ảnh hưởng bởi nạn phá rừng đang ngày càng lan rộng làm suy giảm nhanh chóng đa dạng sinh học nơi đây.
Mời các bạn xem video: Cây nào phù hợp với đô thị Hà Nội? Nguồn: VTV
Thùy Dung (T.H)