Phát hiện quần thể cây Vân sam Fansipan quý hiếm tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát

Vừa qua, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát đã phát hiện một quần thể cây Vân sam Fansipan quý hiếm tại tiểu khu 120, thuộc địa bàn xã Trung Lèng Hồ, huyện Bát Xát cũ (hiện nay là xã Mường Hum).

Ông Ngô Kiên Trung, Trưởng Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát cho biết: Quần thể cây Vân sam Fansipan mới được phát hiện nằm sâu trong rừng già, ở độ cao khoảng 2.800 mét so với mực nước biển, phân bố trên diện tích khoảng 100ha, với mật độ cây rất dày.

 Quần thể cây Vân sam Fansipan phân bố trên diện tích khoảng 100ha.

Quần thể cây Vân sam Fansipan phân bố trên diện tích khoảng 100ha.

Đáng chú ý, trong quần thể này có nhiều cây Vân sam Fansipan cổ thụ hàng trăm năm tuổi, có cây đạt đường kính lên tới 1 mét, chiều cao từ 20 đến 40 mét. Ngoài ra còn có những cây Vân sam nhỏ hơn đang phát triển.

 Nhiều cây cổ thụ có chiều cao từ 20 -40 mét.

Nhiều cây cổ thụ có chiều cao từ 20 -40 mét.

Vân sam Fansipan là loài cây gỗ quý hiếm, phân bố đặc hữu ở vùng núi cao Hoàng Liên Sơn, trước đây chỉ được phát hiện ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Từ năm 1996, cây Vân sam Fansipan được đưa vào Sách đỏ Việt Nam. Năm 2014, loài cây này được công nhận là Cây di sản Việt Nam và được coi như “quốc bảo”.

 Cành lá và quả cây Vân sam Fansipan mọc tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát.

Cành lá và quả cây Vân sam Fansipan mọc tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát.

Việc phát hiện quần thể cây Vân sam Fansipan lớn như trên tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát được đánh giá có ý nghĩa quan trọng đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học, lưu giữ nguồn gen thực vật quý hiếm cũng như phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, giáo dục và phát triển bền vững tài nguyên rừng.

 Việc phát hiện quần thể cây Vân san Fansipan tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học và nghiên cứu khoa học.

Việc phát hiện quần thể cây Vân san Fansipan tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học và nghiên cứu khoa học.

Hiện nay, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát đang triển khai các biện pháp khoanh vùng bảo vệ, giám sát và phối hợp với các cơ quan chuyên môn để nghiên cứu sâu hơn về hiện trạng và tiềm năng bảo tồn loài cây này.

Trần Tuấn Ngọc

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/phat-hien-quan-the-cay-van-sam-fansipan-quy-hiem-tai-khu-bao-ton-thien-nhien-bat-xat-post649018.html