Phát hiện số lượng lớn giếng cổ kiểu Chăm Pa ở Hà Tĩnh

Trong chương trình khảo sát di sản văn hóa các huyện ven biển Hà Tĩnh, những nhà khảo cổ học Bảo tàng tỉnh đã phát hiện một số lượng lớn giếng cổ mang dấu ấn văn hóa Chăm Pa tại xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà.

Các nhà khảo cổ tiến hành đạc họa giếng Dưới ở thôn Quan Nam

Các nhà khảo cổ đã phát hiện 12 giếng cổ, ở các thôn: Đông Thịnh (3 giếng), Quan Nam (1), Thượng Phú (3), Trung Sơn (2), Yến Giang (2) và Đại Lự (1).

Tất cả đều là giếng kín lấy nước từ mạch ngầm; thành giếng hình vuông có cạnh từ 1,2m đến 1,7m; cao từ 0,6m đến 0,85m, được xây bằng đá núi nhỏ hoặc gạch đất nung; độ sâu từ 4m đến 6m; xung quanh kè bằng đá phiến và đá cuội kích thước lớn. Dưới đáy giếng được lót một lớp gỗ chịu nước, đục nhiều lỗ nhỏ.

Giếng Tây, thôn Thượng Phú còn giữ được nét cổ kính dưới thời phong kiến

Các giếng nước còn tương đối nguyên vẹn. Mặt thành giếng có chữ Hán và chữ Quốc ngữ ghi các lần trùng tu, tôn tạo. Lần mới nhất vào thập niên thứ 30 của thế kỷ 20.

Giếng được lấy tên Nôm để đặt như: giếng Trúc, giếng Cồ, giếng Mới, giếng Đồng Cạ, giếng Dưới, giếng Tây, giếng Ngọt, giếng Chợ, giếng Thống...

Giếng Cồ, thôn Đông Thịnh vừa được tôn tạo lại

Việc phát hiện các giếng cổ cho thấy vùng đất Hồng Lộc có sự tiếp biến văn hóa với cư dân Chăm Pa khá rõ.

Trần Phi Công

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/van-hoa-ha-tinh/phat-hien-so-luong-lon-gieng-co-kieu-cham-pa-o-ha-tinh/224602.htm