Phát hiện sớm, điều trị kịp thời

Những năm qua, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tích cực tuyên truyền, chủ động xét nghiệm sớm để nâng cao hiệu quả điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, đảm bảo trẻ sinh ra khỏe mạnh, không bị lây truyền HIV từ mẹ.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Cao Lộc tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện khám và xét nghiệm HIV trong quá trình mang thai

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Cao Lộc tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện khám và xét nghiệm HIV trong quá trình mang thai

Người mẹ nhiễm HIV có thể lây truyền vi rút HIV sang con trong thời kỳ mang thai, khi sinh và khi cho con bú. Tuy nhiên, nếu bà mẹ được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả thì tỷ lệ lây truyền này sẽ chỉ còn dưới 6% và cũng có thể là 0%.

Nâng cao nhận thức

Ngày 9/6/2023, có mặt tại Trạm Y tế xã Đình Lập, huyện Đình Lập, chúng tôi chứng kiến hàng chục người lớn, trẻ nhỏ ngồi xếp hàng ở các dãy ghế. Được biết, ngày 9 hằng tháng là ngày Trạm Y tế xã tổ chức tiêm vắc xin phòng uốn ván cho các bà mẹ mang thai và tiêm phòng cho trẻ nhỏ. Nữ hộ sinh Hoàng Thị Giang, cán bộ Trạm Y tế xã Đình Lập cho biết: Trong quá trình tiêm và khám thai định kỳ, chúng tôi thường lồng ghép tuyên truyền về những bệnh thường gặp trong quá trình mang thai, trong đó có tuyên truyền nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con và tư vấn cho chị em đang mang thai nên đến các cơ sở y tế để làm xét nghiệm HIV. Bình quân mỗi năm, chúng tôi tư vấn xét nghiệm HIV cho khoảng 40 phụ nữ mang thai trên địa bàn.

Cũng giống như xã Đình Lập, hằng năm, 200/200 trạm y tế các xã, phường, thị trấn triển khai tuyên truyền, tư vấn xét nghiệm HIV cho các bà mẹ mang thai và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Ông Đào Đình Cường, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong những giải pháp quan trọng góp phần đạt mục tiêu chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030 và loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con, giảm tỷ lệ trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Nếu sớm phát hiện bệnh và uống thuốc theo phác đồ điều trị, bệnh nhân có thể đảm bảo hiệu quả tối ưu trong việc giảm tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con. Thấy được tầm quan trọng này, chúng tôi đã tham mưu Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai chủ động đi khám để được tư vấn và xét nghiệm HIV để sớm phát hiện và có biện pháp điều trị kịp thời.

Để chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đạt hiệu quả cao, những năm qua, công tác truyền thông đã và đang được các cấp, ngành quan tâm thực hiện có hiệu quả. Bình quân mỗi năm, toàn tỉnh tổ chức được gần 2.000 cuộc truyền thông về HIV/AIDS cho hơn 40.000 lượt người. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cấp phát gần 500 quyển Tạp chí “AIDS và cộng đồng” cho 11 huyện, thành phố và các phường, xã trọng điểm. Nhờ đó, nhận thức của người dân nhất là bà mẹ mang thai ngày càng được nâng cao, thể hiện qua số lượng phụ nữ mang thai được tư vấn xét nghiệm HIV ngày càng cao. Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh có hơn 24.000 phụ nữ mang thai được tư vấn xét nghiệm HIV. Chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh có 4.456 phụ nữ mang thai được tư vấn xét nghiệm HIV (tăng 351 người so với cùng kỳ năm 2022).

Giảm lây truyền

Nhờ phát hiện sớm, những năm gần đây, các trường hợp phụ nữ mang thai có kết quả dương tính với HIV được tư vấn, hướng dẫn điều trị kịp thời bằng thuốc ARV, giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con, bảo đảm sức khỏe cho mẹ và bé. Đơn cử như tại Trung tâm Y tế huyện Cao Lộc (đơn vị thực hiện khám và điều trị HIV bằng thuốc ARV có số lượng bệnh nhân điều trị lớn nhất trong tỉnh), đơn vị xác định công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là nhiệm vụ quan trọng nên tập trung tuyên truyền lợi ích của việc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con như: phụ nữ mang thai cần xét nghiệm HIV; hướng dẫn chăm sóc thai sản, chọn nơi sinh, tuân thủ điều trị ARV và cách nuôi con tránh bị lây nhiễm… Hiện tại, trung tâm đang quản lý, điều trị HIV bằng thuốc ARV cho 515 bệnh nhân, trong đó có 5 phụ nữ mang thai.

Bác sĩ Đinh Hoàng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cao Lộc, Trưởng Phòng Khám ngoại trú và điều trị ARV, Trung tâm Y tế Cao Lộc cho biết: Do thực hiện tốt công tác quản lý và điều trị, các trường hợp nhiễm HIV sau khi được điều trị ARV có tải lượng vi rút HIV thấp, ổn định. Các bà mẹ mang thai đều được tư vấn về việc chăm sóc trước, trong và sau sinh để đảm bảo các trẻ đều sinh ra khỏe mạnh, không bị nhiễm HIV. Đơn cử như trong năm 2022, trung tâm có 8 bệnh nhân điều trị ARV sinh ra các con khỏe mạnh, không trẻ nào bị nhiễm HIV sau khi sinh; trong 6 tháng đầu năm 2023 có 5 trường hợp bệnh nhân nhiễm HIV đang mang thai được quản lý, theo dõi chặt chẽ.

Hiện cả tỉnh có 6 cơ sở y tế có phòng khám ngoại trú điều trị ARV trên địa bàn thành phố Lạng Sơn và các huyện: Cao Lộc, Lộc Bình, Văn Lãng, Tràng Định và Hữu Lũng. Những năm qua, không chỉ tại Trung tâm Y tế huyện Cao Lộc, nhờ những nỗ lực không ngừng của ngành y tế toàn tỉnh trong công tác tuyên truyền, xét nghiệm, điều trị và ý thức tuân thủ quy định điều trị của bệnh nhân… nên công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đạt hiệu quả nhất định. Cụ thể năm 2022, toàn tỉnh có 9 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV (được điều trị dự phòng) thì cả 9 trẻ âm tính với HIV; từ đầu năm 2023 đến nay có 2/2 trẻ được sinh ra từ mẹ nhiễm HIV (được điều trị dự phòng) đều âm tính với HIV.

Chị H.T.N, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định chia sẻ: Tôi phát hiện mình nhiễm HIV và tham gia điều trị HIV bằng thuốc ARV từ tháng 7/2017 đến nay. Sau khi điều trị ổn định, tôi đã mang thai và sinh con vào tháng 3/2023. Trong quá trình mang thai và sau khi sinh con, tôi được các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Tràng Định tư vấn, hướng dẫn tận tình, đầy đủ các phương pháp trong chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ sau sinh như không cho con bú mà nên cho con uống sữa ngoài, khám sức khỏe định kỳ cho con trong những tháng đầu đời… nhờ đó, con tôi không bị nhiễm HIV. Đây là niềm hạnh phúc rất lớn của gia đình tôi.

Như vậy, tỷ lệ 100% phụ nữ mang thai có HIV sinh con không nhiễm HIV trong những năm gần đây đã mang đến niềm vui, hạnh phúc lớn cho nhiều gia đình. Để làm tốt công tác này, các cấp, ngành liên quan, trọng tâm là ngành y tế tỉnh đang nỗ lực triển khai thực hiện tốt công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Riêng trong tháng 6 năm nay (Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2023) với chủ đề “Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030”, các cơ sở y tế trong tỉnh đã và đang tập trung tuyên truyền các nội dung như: lợi ích của xét nghiệm sớm HIV cho phụ nữ mang thai; lợi ích của điều trị ARV sớm cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV; lợi ích của việc thực hiện chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV và điều trị ARV sớm cho trẻ được chẩn đoán nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ sang con; các biện pháp dự phòng lây nhiễm khác; quảng bá các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong thời gian tiếp theo thì ngoài sự nỗ lực của ngành y tế, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ mang thai nhiễm HIV đến các cơ sở y tế điều trị sớm và tuyên truyền đối tượng thanh niên thực hiện lối sống lành mạnh, an toàn, tránh xa các tệ nạn xã hội, hướng đến mục tiêu chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030 và loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con.

NGỌC HIẾU - TRIỆU THÀNH

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/590698-phat-hien-som-dieu-tri-kip-thoi.html