Phát hiện sớm, hạn chế di chứng do đột quỵ

Nếu như trước đây, các trường hợp đột quỵ thường xảy ra ở người trung niên và cao tuổi thì hiện nay số người trẻ bị đột quỵ đang có chiều hướng gia tăng.

Số người trẻ bị đột quỵ tăng

Ngày 10/4, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn T (32 tuổi), trú tại xã Vũ Xá (Lục Nam) nhập viện trong tình trạng hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu dữ dội. Kết quả chụp cắt lớp vi tính mạch máu não cho thấy hình ảnh xuất huyết do vỡ túi phình động mạch thông trước. Nhận định đây là ca bệnh khó, ê kíp can thiệp mạch máu não của bệnh viện hội chẩn với các chuyên gia của Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 và quyết định can thiệp cấp cứu nút mạch cầm máu khối phình bị vỡ.

 Nhân viên Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh chăm sóc, phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ.

Nhân viên Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh chăm sóc, phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ.

Sau phẫu thuật, túi phình được bít tắc hoàn toàn, tuần hoàn động mạch não đã hồi phục trở lại, không còn chảy máu. Bác sĩ Nguyễn Xuân Trường, Phó trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: “Phình mạch máu não là bệnh vô cùng nguy hiểm, để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng. Do đó, khi có các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, tê yếu tay chân hoặc cảm thấy cơ thể có biểu hiện bất thường, người bệnh cần đến bệnh viện để tầm soát bệnh lý mạch máu não, phát hiện sớm các nguy cơ, tránh đột quỵ”.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cả năm 2023, đơn vị khám, điều trị cho hơn 1,6 nghìn trường hợp bị đột quỵ thì chỉ 5 tháng đầu năm nay đã tiếp nhận hơn 2,3 nghìn ca.

Theo Bộ Y tế, mỗi năm cả nước có khoảng 200 nghìn trường hợp đột quỵ và độ tuổi ngày càng trẻ hóa, để lại di chứng rất nặng nề như: Liệt, rối loạn về nhận thức, giao tiếp, sinh hoạt… Tại Bắc Giang, số người bị đột quỵ cũng tăng so với những năm trước, trong đó có nhiều trường hợp còn rất trẻ. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nếu như cả năm 2023, đơn vị khám, điều trị cho hơn 1,6 nghìn trường hợp bị đột quỵ thì chỉ 5 tháng đầu năm nay đã tiếp nhận hơn 2,3 nghìn ca. Năm 2023, tỷ lệ đột quỵ ở người dưới 40 tuổi chỉ chiếm 3% thì những tháng đầu năm nay tăng lên 5,4%.

Tại Trung tâm Y tế thị xã Việt Yên, trong 5 tháng đầu năm, đơn vị tiếp nhận điều trị cho 39 trường hợp bị chảy máu não, nhồi máu não và tai biến, trong đó có 6 bệnh nhân dưới 40 tuổi. Tháng 4 vừa qua, anh Nông Hải Đ (SN 1997), quê ở Lạng Sơn, đang làm công nhân trong Khu công nghiệp Quang Châu phải nhập viện do bị xuất huyết não. Trước đó vài tháng, anh Đ đến Trung tâm Y tế thị xã Việt Yên khám và được xác định bị tăng huyết áp.

Do không điều trị nên trong đợt tái phát lần hai anh bị nặng hơn, phục hồi chậm. Hay mới đây, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 tiếp nhận, điều trị một bé gái 8 tuổi ở Bắc Giang bị đột quỵ. Trước khi đến bệnh viện hơn một tháng, bệnh nhi có biểu hiện đau đầu, chóng mặt thoáng qua. Tuy nhiên, do gia đình không biết về bệnh đột quỵ nên không đưa trẻ đi khám. Vài ngày sau, bé xuất hiện triệu chứng liệt nửa người và hôn mê. Khi được đưa đến bệnh viện thì tình trạng đã nặng, khó phục hồi lại sức khỏe bình thường như trước.

Không chủ quan với "tín hiệu" từ cơ thể

Theo các bác sĩ, tỷ lệ đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa và gia tăng chủ yếu do lối sống không lành mạnh. Nhiều người trẻ ít vận động; thức khuya kéo dài; thường xuyên sử dụng chất kích thích như: Rượu, bia, thuốc lá, thậm chí là ma túy; thừa cân... dễ dẫn đến đột quỵ. Thực tế, nếu được phát hiện sớm và kịp thời đưa đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị trong giai đoạn giờ vàng (từ 4-6 giờ đầu) thì khả năng bệnh nhân phục hồi cao hơn, ít di chứng.

Trường hợp anh Nguyễn Văn B (35 tuổi), trú tại xã Nam Dương (Lục Ngạn) là một ví dụ. Ngay khi có biểu hiện đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, nói khó, anh được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa Bắc Thăng Long cấp cứu. Sau 7 ngày điều trị, người bệnh đã hồi phục, có thể nói chuyện và đi lại bình thường. Tương tự, nhờ được đưa đến Trung tâm Y tế thị xã Việt Yên kịp thời, anh Đoàn Văn Đ (37 tuổi), trú tại xã Việt Tiến (Việt Yên) cũng bị ít di chứng do đột quỵ, đang thực hiện phục hồi chức năng.

Tìm hiểu tại một số bệnh viện cho thấy, do dấu hiệu đột quỵ ban đầu ở những người trẻ khá mờ nhạt nên việc phát hiện không dễ dàng và thường bị chậm “giờ vàng” điều trị. Do đó, quá trình phục hồi chức năng cũng kéo dài, khả năng phục hồi chậm. Để phòng bệnh đột quỵ, các bác sĩ khuyến cáo, người dân, đặc biệt là người trẻ nên thường xuyên tập luyện, vận động thể chất, kiểm soát cân nặng, từ bỏ thói quen hút thuốc và ăn uống không lành mạnh. Tầm soát các yếu tố nguy cơ của đột quỵ như: Tim mạch, huyết áp, mỡ máu, tiểu đường…

Bác sĩ Vũ Thanh Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Người trẻ không nên chủ quan nghĩ rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở người lớn tuổi mà bỏ qua các dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Cùng với thăm khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng/lần, những người có bệnh nền hoặc tiền sử bị đột quỵ nên tăng cường ăn các loại rau xanh và trái cây tươi, không sử dụng các loại đồ uống có cồn”.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/phat-hien-som-han-che-di-chung-do-dot-quy-083113.bbg