Phát hiện tham nhũng qua công tác kiểm tra nội bộ và giám sát còn thấp
Việc phát hiện tham nhũng qua công tác kiểm tra nội bộ và công tác giám sát cũng còn thấp, chưa tương xứng với kỳ vọng đặt ra. Có tới 37 địa phương đạt điểm 0, không phát hiện được tham nhũng trong việc kiểm tra nội bộ.
Thanh tra Chính phủ vừa công bố Báo cáo đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) cấp tỉnh 2018 (PACA INDEX 2018), trong đó đáng quan tâm là chỉ số về phát hiện các hành vi tham nhũng thấp hơn kết quả năm 2017.
Điểm số bình quân cả nước ở phát hiện các hành vi tham nhũng mới chỉ đạt 39,384% so với yêu cầu (tương ứng 9.846/25 điểm). Kết quả này thấp hơn kết quả thực hiện ở cùng nội dung so với PACA 2017 (40,58% tương ứng với 10,14/25 điểm).
Đây là năm thứ hai liên tiếp điểm số giảm so với năm trước đó (điểm số ở nội dung này của PACA 2016 là 11,02/25 điểm, tương ứng với 44,1%). Xu hướng giảm dần này đi ngược với nỗ lực của công cuộc phòng, chống tham nhũng hiện nay.
Việc phát hiện tham nhũng qua công tác kiểm tra nội bộ và công tác giám sát cũng còn thấp, chưa tương xứng với kỳ vọng đặt ra. Có tới 37 địa phương đạt điểm 0, không phát hiện được tham nhũng trong việc kiểm tra nội bộ; có 11 tỉnh, thành phố đạt số điểm tối đa, đúng bằng số địa phương đạt điểm tối đa của nội dung này tại PACA 2017, đặc biệt Bắc Ninh, Lai Châu và thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đạt điểm tối đa tại nội dung này năm 2018.
Đáng chú ý, có 57/63 tỉnh, thành phố không đạt điểm nào ở mục phát hiện tham nhũng qua công tác giám sát, nhiều hơn tới 4 địa phương so với PACA 2017, số tỉnh không phát hiện được hành vi tham nhũng thông qua hoạt động giám sát tăng thêm.
Bên cạnh đó, có 27/63 địa phương không đạt điểm nào ở nội dung phát hiện tham nhũng qua công tác giải quyết tố cáo tham nhũng, có 15/63 địa phương lại đạt điểm tối đa ở nội dung này. Điều này cho thấy vẫn có sự chênh lệch rất lớn ở các địa phương trên cả nước về giải quyết tố cáo tham nhũng.
Nhìn chung, kết quả phát hiện tham nhũng vẫn chủ yếu thông qua công tác thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử. Điều này được thể hiện qua kết quả trung bình chung của cả nước về phát hiện hành vi tham nhũng qua công tác thanh tra và qua công tác điều tra, truy tố, xét xử đạt 2.148/5 điểm và 3,584/4 điểm (tương ứng với 42,96% và 89,6% so với yêu cầu).
Đây cũng là 2 nội dung đóng góp chủ yếu cho kết quả phát hiện các hành vi tham nhũng. Tại nội dung phát hiện hành vi tham nhũng qua công tác thanh tra, có 6/63 tỉnh, thành phố đạt điểm tối đa trong khi có tới 16/63 tỉnh thành không phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra. Trong khi đó, tại chỉ tiêu phát hiện tham nhũng qua công tác điều tra, truy tố, xét xử, chỉ có 04/63 tỉnh thành là không phát hiện ra tham nhũng, kết quả này giảm 03 tỉnh so với PACA 2017.
Những kết quả trên cho thấy lãnh đạo UBND các địa phương nói trên cần rà roát lại tổng thể các hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả công tác phát hiện các hành vi tham nhũng tại địa phương mình để có kết quả tích cực hơn, phản ánh thực chất hơn những nỗ lực của địa phương mình trong cuộc chiến chống tham nhũng.