Phát hiện thành phố cổ 3.500 năm tuổi tại Peru

Các nhà khảo cổ Peru ngày 3/7 công bố phát hiện một thành phố cổ, có niên đại 3.500 năm tuổi, khả năng là trung tâm thương mại liên kết các nền văn hóa ven biển Thái Bình Dương với các nền văn hóa ở khu vực Andes và vùng Amazon, phát triển mạnh cùng thời điểm với các nền văn minh sơ khai ở khu vực Trung Đông và châu Á.

Những mảnh vỡ được cho là của ngôi đền tại thành phố cổ Penĩco. (Nguồn: Geo News)

Những mảnh vỡ được cho là của ngôi đền tại thành phố cổ Penĩco. (Nguồn: Geo News)

Các cảnh quay bằng thiết bị bay không người lái do các nhà nghiên cứu công bố cho thấy khu vực trung tâm của thành phố này nổi bật với cấu trúc hình tròn của một dãy nhà trên sườn đồi, những dấu tích của các tòa nhà xây dựng bằng đá và bùn ở độ cao khoảng 600m so với mực nước biển.

Khu vực trên có tên là Penĩco, nằm ở phía Bắc tỉnh Barranca và được thành lập từ năm 1.800 đến 1.500 trước Công nguyên, nằm gần địa điểm có nền văn minh Caral, nền văn minh lâu đời nhất ở châu Mỹ, phát triển cách đây 5.000 năm.

Theo nhà khảo cổ Ruth Shady, người dẫn đầu cuộc nghiên cứu về Penĩco, thành phố vừa được công bố có vai trò then chốt bởi các chuyên gia tin rằng nó xuất hiện sau khi nền văn minh Caral bị tàn phá do biến đổi khí hậu.

"Thành phố nằm ở vị trí chiến lược của hoạt động thương mại, trao đổi với các xã hội ven biển, vùng cao và rừng rậm”, bà Shady cho biết.

Tại một cuộc họp báo, nhà khảo cổ Marco Machacuay, nhà nghiên cứu thuộc Bộ Văn hóa Peru khẳng định, tầm quan trọng của Penĩco nằm ở chỗ khu vực này là sự tiếp nối của xã hội Caral.

Sau 8 năm nghiên cứu, các nhà khảo cổ học đã xác định được tới 18 công trình ở Penĩco, trong đó có các đền thờ và các khu phức hợp dân cư.

Ngoài ra, những chuyên gia cũng phát hiện các bức tường của một quảng trường trung tâm với các bức phù điêu và hình ảnh chiếc pututi – loại tù và làm từ vỏ ốc biển, âm thanh có thể vang xa hàng dặm.

Trong các tòa nhà khác, các nhà khảo cổ học tìm thấy nhiều tác phẩm điêu khắc bằng đất sét về con người và động vật, các vật dụng dùng trong các nghi lễ và những chiếc vòng cổ làm từ hạt cườm và vỏ sò.

Peru là cái nôi của các nền văn hóa cổ đại và là nơi có các di tích khảo cổ như tàn tích của thành phố cổ Machu Picchu của người Inca ở thành phố Cusco và “những đường vẽ Nazca” (Nasca Lines) bí ẩn nằm ở vùng sa mạc dọc theo bờ biển miền Trung nước này.

(Theo Jerusalem Post)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phat-hien-thanh-pho-co-3500-nam-tuoi-tai-peru-319969.html