Phát hiện thêm các loài thực vật biến đổi gien tự nhiên
Theo tạp chí Plant Molecular Biology, một nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học Nga và Pháp đã phân tích bộ gien và bản sao của 631 loài thực vật. Hóa ra, số loài thực vật có sự biến đổi gien tự nhiên hơn nhiều so với ước tính trước đây.
Ngoài cây thuốc lá, Linaria (liễu ngư) và khoai lang, danh sách này hiện còn bao gồm đậu phộng, nam việt quất, cây hoa bia và chè.
Một cây được gọi là biến đổi gien nếu các chuỗi không thể có được thông qua các cây lai tự nhiên lại được bổ sung vào bộ gien của cây đó. Các nhà khoa học hiện đang tích cực sử dụng cơ chế này để tạo ra các loài cây trồng biến đổi gien (GMO), chẳng hạn như ngô hoặc lúa mì. Những loài cây như vậy có thể kháng các loại sâu bệnh khác nhau (côn trùng, nấm, vi rút) và cũng có thể lớn và phát triển nhanh hơn so với các tổ tiên tự nhiên của chúng.
Trong tự nhiên, chức năng đưa gien lạ vào thực vật được thực hiện bởi vi khuẩn sống trong đất agrobacteria. Để làm điều này, chúng sử dụng cái gọi là chuyển ngang. Trong quá trình này, các đoạn ADN nhỏ của vi khuẩn (T-ADN từ một Ti-plasmid) xâm nhập vào tế bào thực vật, dẫn đến sự hình thành các khối u nốt sần trên rễ hoặc thân cây. Cây cối bị thay đổi như vậy, còn vi khuẩn hoàn toàn được hưởng các chất được sản sinh ra trong quá trình này.
Tuy nhiên, có những loài thực vật cố định mãi mãi trong bộ gien của chúng các đoạn ADN được truyền cho chúng từ vi khuẩn agrobacteria. Từ lâu, người ta đã biết rằng chúng bao gồm một số đại diện của chi Nicotiana (thuốc lá), Ipomea (họ bìm bìm, bao gồm khoai lang) và Linaria (liễu ngư).
Được hỗ trợ bởi một khoản trợ cấp từ Quỹ khoa học Nga, chuyên gia từ Đại học bang St.Petersburg, Nga, cùng với đồng nghiệp ở Viện sinh học phân tử thực vật ở Strasbourg, Pháp, đã thực hiện một phân tích gien và thấy rằng danh sách này thực sự lớn hơn nhiều: họ đã tìm thấy các mảnh T-ADN của vi khuẩn agrobacteria trong vật liệu di truyền của các loài Eutrema, Arachis, Nissolia, Quillaja, Euphorbia, Parasponia, Trema, Humulus, Psidium, Eugenia, Juglans, Azadirachta, Silene, Dianthus, Vaccinium, Camellia и Cuscuta, cũng như của Dioscorea alata (khoai mỡ giống như khoai tây tím) và Musa acuminata (chuối hột).
Tatyana Matveeva, giáo sư tại Đại học bang St.Petersburg, tác giả chính của công trình nghiên cứu giải thích rằng, có những loài thực vật biến đổi gien tự nhiên mà chúng ta biết ví dụ các loài cây như óc chó, đậu phộng, hoa bia, nam việt quất và chè, mà chúng ta uống mỗi ngày.
Một số người sợ cây trồng GMO vì họ coi cây trồng biến đổi gien là một quá trình không tự nhiên. Tuy nhiên vi khuẩn agrobacteria cũng sử dụng các cơ chế như con người hiện đang dùng. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy hiện tượng này rộng hơn nhiều, điều đó có nghĩa là nhân loại đã liên tục gặp phải cây trồng biến đổi gien trong suốt lịch sử của mình.
Theo các nhà khoa học, cây biến đổi gien tự nhiên là đối tượng tốt để nghiên cứu ảnh hưởng của sự phổ biến của cây trồng biến đổi gien. Chúng có thể giúp hiểu những gì sẽ xảy ra với các loài thực vật biến đổi gien mà con người thực hiện, không chỉ sau 5, 10 năm hoặc 15 năm biến đổi, mà còn sau 100 hoặc 1.000 năm.
Ngoài ra, công trình nghiên cứu sẽ giúp tìm hiểu các chức năng của các vị trí T-ADN đã được bảo tồn trong bộ gien của một số đại diện của hệ thực vật. Có lẽ chúng chịu trách nhiệm cho một số đặc điểm quan trọng nào đó cần phải được xem xét khi nhân giống.