Phát hiện thói quen mới kỳ lạ của sinh vật thông minh nhất đại dương

Đây cũng là lần đầu tiên các nhà khoa học chứng kiến hành động này ở các sinh vật sống dưới biển.

Trong một đoạn phim dài 24 giờ được ghi lại ngoài khơi bờ biển Australia vào năm 2015 và 2016 bằng camera dưới nước, các nhà nghiên cứu đã lập danh mục 102 trường hợp những con bạch tuộc u ám (Octopus tetricus) ném mọi thứ từ bụi bẩn và mảnh vụn vào những con bạch tuộc khác.

"Những con bạch tuộc hoang dã phóng ra nhiều loại vật chất khác nhau dưới hình thức những 'cú ném' bằng ống phòng phản lực, và những cú ném này đôi khi bắn trúng những con bạch tuộc khác", Peter Godfrey-Smith và các đồng nghiệp tại Đại học Sydney, chia sẻ trong một nghiên cứu được công bố mới đây trên tạp chí tạp chí Plos One.

Đây cũng là lần đầu tiên các nhà khoa học chứng kiến cảnh các sinh vật dưới biển ném mọi thứ vào nhau. Trong một đoạn clip, người ta có thể thấy một con bạch tuộc cái đang hất tung một số vỏ sò sau khi đã băm nát những thứ bên trong.

Con bạch tuộc ném vỏ sò ra ngoài.

“Có một số bằng chứng cho thấy một số cú ném trúng mục tiêu đối phương và hành động này đóng một vai trò xã hội”, báo cáo cho biết thêm.

Trớ trêu thay, những con bạch tuộc không ném đồ dựa vào bất kỳ cánh tay nào trong số tám cánh tay (xúc tu) mặc định của chúng. Thay vào đó, chúng thu thập vật liệu cần ném và sau đó đẩy nó qua làn nước bằng cách sử dụng xi phông. Đây là một bộ phận cho phép đẩy nước ra với tốc độ cao, cũng là cách mà chúng thải mực và chất thải, hoặc đẩy nước để bơi đi. Vì vậy, về cơ bản hành động này hơi giống việc bắn súng dưới nước hơn là ném đồ đơn thuần.

Một cú ném của một con bạch tuộc cái trúng một con đực đang cố gắng giao phối với nó.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng khoảng 2/3 số cú ném là từ những con cái. Và việc này thường gắn liền với sự tương tác với những con bạch tuộc khác đang muốn đến gần hoặc cố gắng giao phối với nó.

Bạch tuộc đôi khi có thể thay đổi màu sắc của chúng, với màu da sẫm hơn thường liên quan đến sự hung dữ. Các nhà nghiên cứu nhận thấy những con bạch tuộc đang có màu da sẫm thường ném với nhiều lực hơn và cú ném có nhiều khả năng bắn trúng một con bạch tuộc khác. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 17% số cú ném được quan sát thực sự trúng những con bạch tuộc khác.

Các nhà nghiên cứu cho biết cần phải nghiên cứu thêm để thử và phân biệt ý định đằng sau hành vi thủy sinh kỳ lạ này, nhưng có vẻ như bạch tuộc có thể nhắm mục tiêu vào các cá thể khác bằng đạn tự hành, điều chỉ thấy ở một số ít loài khác ngoài con người.

Tuy nhiên, phát hiện mới cũng không gây quá nhiều bất ngờ. Bởi bằng nhiều thí nghiệm khác nhau, các nhà khoa học đã kết luận bạch tuộc chính là sinh vật thông minh nhất dưới đáy đại dương.

Tham khảo Cnet, Plos One

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/phat-hien-thoi-quen-moi-ky-la-cua-sinh-vat-thong-minh-nhat-dai-duong-20221115173210238.htm