Phát hiện thủy hải sản khô kém chất lượng, báo ai?
Khi phát hiện cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thủy hải sản khô không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng có thể báo cho Ban Thanh Tra Bộ NN&PTNN hoặc Cục Quản lý chất lượng lâm sản và thủy sản.
Thủy hải sản khô như cá, mực, tôm... trở thành món ăn quen thuộc của nhiều người tiêu dùng Việt. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thực trạng thủy hải sản khô bị người sản xuất, kinh doanh sử dụng các chất phụ gia thực phẩm vượt quá quy định cho phép hoặc chất bảo quản độc hại như hàn the, trichlofon... để đuổi ruồi, muỗi cũng như kéo dài thời hạn của thực phẩm khô.
Ngoài ra một số cơ sở kinh doanh còn vi phạm về các điều kiện an toàn thực phẩm như quá trình khai thác, thu gom, sơ chế, chế biến (từ công nhân, trang thiết bị, dụng cụ chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm) mất vệ sinh...
Để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản đã khuyến cáo người tiêu dùng khi phát hiện cơ sở chế biến kinh doanh thủy hải sản khô có dấu hiệu không an toàn cần báo ngay cho cơ quan chức năng. Cụ thể có hai địa chỉ liên hệ:
- Thanh tra Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn
Địa chỉ số 2, Ngọc Hà, Hà Nội.
Đường dây nóng 08042526 hoặc 0917808113.
Hoặc gửi thông tin về email: thongtinvipham@mard.gov.vn
- Cục Quản lý chất lượng lâm sản và thủy sản (NAFIQAD)
Địa chỉ số 110, Nguyễn Công Hoan, Ba Đình Hà Nội.
Số điện thoại 02438310983/37714197
Email: nafiqad@mard.gov.vn
Lưu ý: Khi tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin chính xác, có giá trị phục vụ cho công tác thanh tra, xử lý vi phạm sẽ được chi thưởng theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Thông tư số 105/2014/TT-BTC ngày 07/8/2014 của Bộ Tài chính. Tổ chức, cá nhân khi có thông tin về dấu hiệu, hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ được giữ kín theo quy định của pháp luật.
Luật sư Nguyễn Quốc Phong, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết: các cơ sở sản xuất kinh doanh nếu vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 115/2018/NĐ-CP của Chính Phủ.
Theo đó cá nhân, cơ sở vi phạm sẽ bị phạt tiền đến 100 triệu đồng đối với hành vi vi pham quy định về sử dụng nguyên liệu. Với hành vi vi phạm quy định về chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm sẽ bị phạt tiền đến 100 triệu đồng. Phạt đến 20 triệu đồng đối với hành vi phạm quy định về điều kiện chung đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ngoài ra nghị định cũng đưa ra mức phạt bổ sung như đình chỉ hoạt động sản xuất nếu phát hiện cá nhân, tổ chức vi phạm về an toàn thủy hải sản khô. Hoặc tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy tiếp nhận đăng ký bắt công bố sản phẩm. Ngoài ra còn tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.
Các cá nhân, tổ chức khi vi phạm cũng phải có biện pháp khắc phục hậu quả như buộc tiêu hủy sản phẩm, buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám điều trị người bị ngộ độc thực phẩm.
Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Quốc Phong, ngoài việc các cá nhân, cơ sở đã tuân thủ điều kiện an toàn thực phẩm thì thực tế, có một số trường hợp sản phẩm khi khách hàng mua về thì phát hiện bị hư hỏng, kém chất lượng, song lúc này rất khó xác định được lỗi do người bán hay người mua do điều kiện bảo quản khác nhau.
Do đó, khi mua thực phẩm thủy hải sản khô, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân chỉ nên chọn mua ở những cơ sở uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản phẩm được in ấn ngày sản xuất và hạn sử dụng. Tuyệt đối không mua sản phẩm bị mốc, sản phẩm có màu sắc lạ hoặc dấu hiệu lạ như không có bất cứ ruồi, muỗi nào xung quanh khu vực sản phẩm...