Điều đặc biệt là " vật thể lạ" này được tạo hình một cách có chủ ý, cho thấy sự tinh khôn của tổ tiên loài người hiện đại đã phát triển sớm hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây. Các nhà khảo cổ đã khai quật hiện vật này gần khu vực Thác Kalambo, Zambia.
Hiện vật gỗ này được bảo tồn trong đất sét và được làm từ thân cây liễu, có niên đại khoảng 500.000 năm, vượt xa niên đại của loài người tinh khôn (Homo sapiens) mà chúng ta biết đến.
Điều này cho thấy tổ tiên của loài người có khả năng nhận thức và tạo ra cấu trúc phức tạp hơn nhiều so với dự kiến trước đó.
Cấu trúc gỗ được phát hiện có thể đã được dựng lên để làm lối đi hoặc bề mặt phẳng để lưu trữ đồ, dụng cụ, thực phẩm hoặc để dựng lều. Điều này cho thấy tổ tiên của loài người đã sử dụng gỗ một cách có chủ ý và phức tạp, đòi hỏi kỹ năng và khả năng lập kế hoạch.
Theo các nhà nghiên cứu, việc sử dụng gỗ theo cách này (có cấu trúc) cho thấy khả năng nhận thức của những loài người cổ phát triển hơn những gì chúng ta đã nhận định khi chỉ dựa vào các công cụ bằng đá còn sót lại. Đồng thời, người chế tạo ra nó đã lưu trú tại địa điểm trong thời gian dài. Trong khi đó, luôn có một khuôn mẫu về những người thời kỳ Đồ Đá là những người du mục.
Ngoài ra, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều công cụ bằng gỗ khác cùng niên đại tại địa điểm này, nhưng chưa có bộ xương loài người được phát hiện.
Cấu trúc gỗ này được cho là đã được tạo ra bởi Homo heidelbergensis, một loài tiền thân của loài người hiện đại có trí thông minh phát triển hơn so với những gì chúng ta từng nghĩ.
Phát hiện này đã thay đổi cách ta nghĩ về tổ tiên của loài người, cho thấy họ đã biến đổi môi trường xung quanh bằng cách sử dụng trí thông minh và kỹ năng của họ để tạo ra cấu trúc và công cụ phức tạp, thể hiện sự sáng tạo và tinh khôn từ rất sớm trong lịch sử loài người.
Mời quý độc giả xem thêm video: Những vụ cuồng loạn hàng loạt bí ẩn nhất trong lịch sử loài người.
Thiên Trang (TH)