Phát hiện vật thể nghi là đạn pháo tồn sót sau chiến tranh tại chân trụ cầu Hòa Bình
Theo thông tin từ Công an tỉnh, vào hồi 16h45' ngày 15/1, trong quá trình lặn vớt kích điện do các đối tượng vi phạm sử dụng để đánh bắt cá ném xuống sông Đà tại khu vực chân trụ T8, cầu Hòa Bình (phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình), lực lượng chức năng đã phát hiện khoảng 10 vật thể hình trụ dài 40 - 60cm nghi là vật liệu nổ (đạn pháo) tồn sót sau chiến tranh.
Theo thông tin từ Công an tỉnh, vào hồi 16h45’ ngày 15/1, trong quá trình lặn vớt kích điện do các đối tượng vi phạm sử dụng để đánh bắt cá ném xuống sông Đà tại khu vực chân trụ T8, cầu Hòa Bình (phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình), lực lượng chức năng đã phát hiện khoảng 10 vật thể hình trụ dài 40 - 60cm nghi là vật liệu nổ (đạn pháo) tồn sót sau chiến tranh.
Ngay sau khi phát hiện, lực lượng chức năng địa phương đã thông báo các cơ quan chức năng liên quan để thực hiện các biện pháp bảo vệ, khoanh vùng, cảnh báo nguy hiểm.
Ngày 16/1, Sở Giao thông Vận tải đã có công văn gửi UBND tỉnh đề xuất các biện pháp đảm bảo an toàn. Theo đó, đề nghị UBND tỉnh cử ngay lực lượng kiểm tra, xác định mức độ nguy hiểm của các vật thể nghi là vật liệu nổ tồn sót sau chiến tranh (đạn pháo) tại vị trí chân trụ T8, cầu Hòa Bình và kịp thời thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn; kiểm tra toàn bộ phạm vi bảo vệ các cầu Hòa Bình, Hữu Nghị, Thống Nhất qua sông Đà, thành phố Hòa Bình.
Trước đó, năm 2023 và năm 2024, các đơn vị chức năng địa phương đã tiếp nhận, xử lý hàng chục quả đạn pháo tồn sót sau chiến tranh do người dân phát hiện dưới lòng sông Đà khi mực nước ở hạ lưu xuống thấp. Trong đó, trên 20 vật liệu nổ là đạn pháo, đạn cối 80mm và các loại lựu đạn.
Trước sự việc trên, các cơ quan chức năng thành phố Hòa Bình đã khuyến cáo, yêu cầu người dân không tự ý tìm kiếm các loại vật liệu nổ còn tồn sót dưới lòng sông để bán phế liệu. Khi phát hiện phải kịp thời báo cáo các cơ quan chức năng để có phương án xử lý an toàn.