Phát hiện vùng cực Bắc của thế giới
Các nhà khoa học đã phát hiện ra nơi được cho là vùng cực Bắc của thế giới - một hòn đảo chưa có tên ở phía Bắc Greenland. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho biết, hòn đảo này có thể sớm bị nhấn chìm bởi nước biển.
Các nhà nghiên cứu đã đến vùng đất liền này trong một chuyến thám hiểm vào tháng 7. Ban đầu, các nhà khoa học cho rằng, họ đã đến Oodaaq - nơi được cho là điểm cực Bắc của hành tinh.
“Có một lỗi trên GPS khiến chúng tôi tin rằng, mình đang đứng trên đảo Oodaaq. Trên thực tế, chúng tôi đã phát hiện ra một hòn đảo mới xa hơn về phía Bắc. Đây là một khám phá giúp mở rộng một chút diện tích của vương quốc Đan Mạch”, ông Morten Rasch - khoa Khoa học địa lý và quản lý tài nguyên thiên nhiên của Trường Đại học Copenhagen cho biết.
Oodaaq cách Bắc Cực khoảng 700 km (435 dặm) về phía Nam. Trong khi đó, hòn đảo mới được phát hiện cách Oodaaq 780 mét (2.560 foot) về phía Bắc. Thông báo về phát hiện này, Trường Đại học Copenhagen cho biết: “Hòn đảo chưa được đặt tên là điểm cực Bắc của Greenland và một trong những điểm cực Bắc của đất liền trên Trái đất”.
Tuy nhiên, theo ông Rasch, hòn đảo này chỉ cao hơn mực nước biển từ 30 - 60 mét. Ngoài ra, hòn đảo có bề ngang khoảng 30 mét và một đỉnh chóp cao khoảng 3 mét. Nhà khoa học này nhận định, đây có thể là một “hòn đảo nhỏ tồn tại trong thời gian ngắn”.
“Không ai biết nó sẽ tồn tại trong bao lâu. Về nguyên tắc, nó có thể biến mất ngay khi một cơn bão mạnh mới ập đến”, ông Morten Rasch chia sẻ.
Nhóm nghiên cứu đề xuất đặt tên nơi này là Qeqertaq Avannarleq, nghĩa là “hòn đảo xa nhất về phía Bắc” trong tiếng Greenland. Dù hòn đảo lộ ra do các mảng băng trôi dịch chuyển, các nhà khoa học cho rằng, đây không phải là kết quả trực tiếp từ hiện tượng ấm lên toàn cầu.
Lãnh thổ tự trị Greenland của Đan Mạch đã gây chú ý trong những năm gần đây, đặc biệt là vào 2019, khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố muốn mua khu vực này.
Thời điểm đó, đề xuất của ông Trump được Chính phủ Đan Mạch mô tả là “vô lý” và gây ra một cuộc tranh cãi ngoại giao. Song, đề xuất được coi là dấu hiệu cho thấy sự quan tâm của Mỹ đối với khu vực.
Greenland cũng là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, khi nhiệt độ ấm hơn đã làm tan chảy các sông băng. Từ đó, khiến mực nước biển dâng cao ở mức báo động.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/phat-hien-vung-cuc-bac-cua-the-gioi-3076Dl47g.html