Phạt hút thuốc lá nơi công cộng: Cần kiên quyết thực hiện

Chiều 25/2, tôi đến bến xe Thuận Thảo đưa cô bạn dẫn cháu vô TP Hồ Chí Minh khám bệnh. Trong khi chờ xe rời bến, người đàn ông ngồi ghế bên cạnh hút thuốc, nhả khói vô tư như chỗ không người. Vì thế, cháu bé ho húc hắc một tràng dài. Bạn tôi nhắc nhẹ: Cháu xin chú ra dùm chỗ khác hút thuốc, chứ như vầy nghẹt thở quá. Người đàn ông nhìn cô lom lom, tỏ thái độ không bằng lòng. Tôi bèn nói thêm: Cô ấy nói đúng đó. Anh cứ phun khói mù mịt thì ai chịu nổi. Cụ bà ngồi ở hàng ghế khác góp lời: Muốn hút thuốc thì ra chỗ vắng mà hút, ai lại đến nơi đông người. Bị “tấn công” bởi đa số, người đàn ông im lặng bỏ đi sau khi ném lại cho chúng tôi một tia mắt “hình viên đạn”…

Lâu nay, nhiều báo cáo, nghiên cứu y khoa đã chỉ ra những tác hại của khói thuốc lá. Theo nghiên cứu của Bệnh viện Đa khoa quốc tế (Vinmec), khói thuốc lá gây ra khoảng 25 căn bệnh cho con người, trong đó có nhiều bệnh lý nguy hiểm. Thuốc lá gây ra 90% trường hợp ung thư phổi, 75% các trường hợp phổi tắc nghẽn mãn tính và 25% trường hợp bệnh tim thiếu máu cục bộ. Không chỉ người hút thuốc bị nguy hiểm mà người hút thuốc lá thụ động cũng chịu ảnh hưởng nặng nề không kém. Hút thuốc thụ động là hít phải (còn gọi là phơi nhiễm) khói thuốc do người khác hút thuốc, gây nhiều bệnh nguy hiểm ở cả người lớn và trẻ em. Ở người lớn, hút thuốc lá thụ động gây ung thư phổi, ung thư vú, các bệnh về tim mạch, bệnh động mạch vành, xơ vữa động mạch, dễ sinh non. Ở trẻ em, phơi nhiễm khói thuốc làm tăng nguy cơ viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, hen suyễn, kém phát triển chức năng phổi…

Tác hại của khói thuốc lá đã rõ, nhưng thực tế, việc hút thuốc lá vẫn còn là thói quen xấu của không ít người, ảnh hưởng xấu đến cộng đồng. Hút thuốc lá nơi công cộng (nhà ga, bến xe, chợ…) và cả công sở, trường học, bệnh viện (là nơi cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên) vẫn còn xảy ra tràn lan.

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã được Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2012 và có hiệu lực thi hành từ 1/5/2013; đến ngày 14/1/2013, Chính phủ ban hành Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Tại điểm a, khoản 1, Điều 23 của nghị định này quy định rõ mức xử phạt người hút thuốc lá tại nơi cấm sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000-300.000 đồng. Pháp luật đã quy định, nhưng trong thực tế đời sống, việc xử phạt hầu như chưa được cơ quan chức năng quan tâm; nếu không nói là bỏ lơ hoặc không chú ý đến.

Để hạn chế, tiến tới giảm thiểu mạnh mẽ việc hút thuốc lá nơi công cộng của một bộ phận người dân thiếu ý thức, rất mong các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động. Quan trọng hơn là đặt đầy đủ các bảng cấm hút thuốc tại nơi công cộng để nhắc nhở, khuyến cáo mọi người. Đồng thời bố trí đủ điều kiện, lực lượng để kịp thời phát hiện, nhắc nhở và nhất là xử phạt nghiêm những cá nhân vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Nếu cần thiết, có thể xem xét công khai danh tính của những người vi phạm tại các cuộc họp dân ở cơ sở, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nếu người vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức, sau khi xử phạt, cần gửi danh sách về cơ quan, đơn vị nơi công tác… Có như vậy mới mong ngăn được vấn nạn hút thuốc nơi công cộng, góp phần đưa Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đi vào cuộc sống, bảo vệ môi trường sống trong lành, an toàn cho nhân dân.

NGÔ MINH TOÀN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/148/235506/phat-hut-thuoc-la-noi-cong-cong--can-kien-quyet-thuc-hien.html