Phát huy bản sắc 'ngoại giao cây tre Việt Nam'
Sáng 19/12, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng bí Thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận, biểu dương những kết quả nổi bật ngành ngoại giao đạt được trong hơn nửa nhiệm kỳ qua.
Nhiều lần nhắc lại và đề nghị cần tiếp tục phát huy bản sắc “ngoại giao cây tre Việt Nam”- tuy mềm mại nhưng khéo léo kiên cường, gốc vững và đoàn kết thành lũy, vượt qua mọi khó khăn, thách thức và điều kiện khắc nghiệt, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, dù nước ta đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong công tác ngoại giao nhưng tuyệt đối không được thỏa mãn, chủ quan và bằng lòng với những gì làm được, phải tăng cường niềm tin, niềm tự hào dân tộc để làm tốt công tác đối ngoại.
“Đặc biệt, trong thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường, đặt ra nhiều thách thức, chúng ta cần phải cố thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của công tác đối ngoại từ nay cho đến hết nhiệm kỳ. Thực hiện nhất quán về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; bảo đảm cao nhất lợi ích của quốc gia dân tộc; trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hiệp quốc và luật pháp quốc tế. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện sâu rộng. Việt Nam luôn luôn sát cánh sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế...”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thông tin, từ sau kỳ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 đến gần cuối năm 2023, có khoảng 200 hoạt động đối ngoại, ngoại giao cấp cao; 45 chuyến thăm của lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước tới các nước láng giềng, đối tác chiến lược, hầu hết các nước ASEAN, nhiều đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống. Chiều ngược lại, Việt Nam tiếp đón gần 50 đoàn cấp cao của các nước, Liên hợp quốc và tổ chức quốc tế.
Việt Nam chủ động, tích cực thúc đẩy hoạt động đối ngoại, ngoại giao phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 nước, nhất là nâng quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các đối tác, triển khai nhiều hoạt động kỷ niệm năm chẵn thiết lập quan hệ ngoại giao một cách trang trọng, thiết thực với Lào (60 năm), Campuchia (55 năm), Ấn Độ, Pháp, Nhật Bản (50 năm)… thúc đẩy quan hệ song phương phát triển lên tầm cao mới.
Việt Nam được tín nhiệm bầu với số phiếu cao và phát huy vai trò trong các tổ chức quốc tế uy tín như Phó chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO (2021-2025), thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (2023-2025)...
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thông tin thêm, trong hơn nửa nhiệm kỳ qua, mặc dù thế giới trải qua những biến động lớn, rất phức tạp, nhưng nước ta đã xử lý đúng đắn các vấn đề đối ngoại, quan hệ với các đối tác trên cơ sở kiên định độc lập, tự chủ, hòa hiếu, đồng thời linh hoạt trong sách lược, ứng xử. Việt Nam đã chủ động, tích cực thúc đẩy đối thoại và đạt được những kết quả rất quan trọng về phân định, giải quyết một số vấn đề biên giới lãnh thổ trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, bảo vệ vững chắc dộc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Hội nghị cũng dành nhiều thời gian thảo luận sâu rộng phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng ngành ngoại giao, nhất là những vấn đề then chốt như công tác cán bộ; xây dựng Đảng; cơ chế chính sách về đối ngoại; đổi mới lề lối làm việc với quyết tâm xây dựng ngành ngoại giao vững mạnh, chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại…
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/phat-huy-ban-sac-ngoai-giao-cay-tre-viet-nam--a30551.html