Phát huy 'chất riêng' của doanh nghiệp trong thực hiện ESG

Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV), hành lang chính sách đang hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp Việt 'cất cánh' và thể hiện 'chất riêng' trong hành trình dài hơi thực hiện bộ tiêu chí phát triển bền vững (ESG). Theo đó, 4 nghị quyết trụ cột đang tạo hành lang pháp lý và động lực mạnh mẽ cho quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tại Việt Nam.

Sự khác biệt tạo nên dấu ấn

Thực tế, chỉ tính riêng với ngành dược, ESG không chỉ là chuẩn mực mà còn là yếu tố cốt lõi tạo ra giá trị bền vững cho xã hội. Với nguồn vốn đầu tư lớn, CTCP Dược phẩm Imexpharm lựa chọn con đường khó nhưng bền vững từ ESG ngay từ sớm. Thay vì chạy theo xu hướng, Imexpharm đặt mục tiêu cao hơn là ưu tiên sử dụng nguyên liệu sạch, đạt chuẩn quốc tế CEP và ứng dụng công nghệ enzymatic trong sản xuất kháng sinh. Những cam kết này đòi hỏi đầu tư lớn, nhưng mang lại giá trị cốt lõi về môi trường và sức khỏe cộng đồng. Công ty cũng chú trọng phát triển năng lượng tái tạo và quản lý chất thải hiệu quả. Các nhà máy xanh của Imexpharm đều được trang bị hệ thống xử lý nước đạt chuẩn ISO 14001:2015, tích hợp công nghệ CIP (Cleaning In Place), SIP (Sterilization In Place) và hệ thống HVAC kiểm soát toàn diện nhiệt độ, độ ẩm, lưu thông không khí.

Hay như trong lĩnh vực thực phẩm, Tổng giám đốc Việt Nam Food (VNF) Phan Thanh Lộc khẳng định, “chất riêng” của công ty nằm ở việc biến gánh nặng môi trường thành tài sản thông qua ứng dụng công nghệ sinh học thân thiện. Công ty tập trung mọi nguồn lực vào nghiên cứu và chiết xuất các dưỡng chất có sẵn trong phụ phẩm tôm. Việc này không chỉ giảm gánh nặng xử lý môi trường mà còn mang lại cho VNF các chứng nhận quốc tế uy tín về bền vững trong ngành thủy sản, điển hình là chứng chỉ Marin Trust. Đặc biệt, VNF còn phát triển các dưỡng chất này thành nhiều ứng dụng khác nhau, chủ yếu phục vụ ngành nông nghiệp, góp phần giảm thiểu việc lạm dụng hóa chất, cải thiện chất lượng cuộc sống con người.

Doanh nghiệp Việt đang định hình “chất riêng” trên hành trình ESG với những đặc trưng của từng ngành

Doanh nghiệp Việt đang định hình “chất riêng” trên hành trình ESG với những đặc trưng của từng ngành

Xây dựng đề án, mô hình thí điểm

Ông Bảo Nguyễn, chuyên gia về ESG và đồng sáng lập GT:Hub cho rằng, doanh nghiệp Việt đang có những “chất riêng” đáng chú ý như thận trọng, linh hoạt và giàu tiềm năng. Trong bối cảnh doanh nghiệp phải cùng lúc duy trì lợi nhuận, chuyển đổi số và xanh hóa, ESG không còn là yếu tố “phụ gia” mà đã trở thành một thành phần thiết yếu trong chiến lược kinh doanh.

Tuy nhiên trên thực tế, không ít doanh nghiệp Việt đang cố “đốt cháy giai đoạn” mà chưa xây dựng đủ nền tảng nội tại. Cùng với đó, sự thận trọng của doanh nghiệp cũng tạo nên tâm lý e dè. Thực trạng này dẫn đến 2 xu hướng trái chiều đang tồn tại song song như “Greenwashing” - thổi phồng kết quả ESG nhằm đánh bóng hình ảnh và “Greenhushing” - né tránh công bố thông tin vì lo ngại trách nhiệm hoặc phản ứng tiêu cực.

Điều này sẽ là một cản trở lớn, bởi theo bà Mai Thị Nguyệt Ánh, Quản lý Impact & ESG của KPMG Việt Nam, các chính sách toàn cầu như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và Chỉ thị báo cáo phát triển bền vững doanh nghiệp (CSRD) từ EU đang tạo ra những áp lực lớn. Điều này buộc doanh nghiệp Việt phải nhanh chóng nâng cấp tiêu chuẩn ESG nếu không muốn bị loại khỏi chuỗi giá trị toàn cầu. Hơn nữa, người tiêu dùng hiện nay không chỉ mua sản phẩm, họ mua cả giá trị và câu chuyện phía sau sản phẩm. Ai “kể chuyện ESG” một cách minh bạch, có số liệu và hành động cụ thể sẽ chạm được tới lòng tin - yếu tố then chốt để giữ thị phần.

Để các doanh nghiệp phát huy lợi thế trên hành trình áp dụng ESG, PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho rằng, cần phải có sự nỗ lực, quyết tâm của các bên, đặc biệt vai trò của Nhà nước. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và cập nhật khung pháp luật, chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ sự phát triển của kinh tế tuần hoàn. Phát triển các yếu tố cần thiết cho hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn (các quỹ đầu tư/tài trợ, mô hình hợp tác kết nối các bên, sự hỗ trợ quốc tế, công nghệ, nhân lực). Cần mô hình thí điểm, vai trò “dẫn dắt” của doanh nghiệp đầu ngành, cùng phối hợp với Nhà nước, nhà khoa học, tổ chức quốc tế. Lồng ghép các giải pháp kinh tế tuần hoàn vào các chương trình mục tiêu quốc gia và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, cần có đề án cụ thể, mô hình thí điểm áp dụng theo hướng mở, có lộ trình từng bước và thực chất, hiệu quả, khả thi, không cầu toàn… Đây sẽ là nền tảng quan trọng để hỗ trợ công tác giám sát, xếp hạng và nâng cao tính minh bạch hoạt động tiếp cận ESG của doanh nghiệp.

Hương Giang

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/phat-huy-chat-rieng-cua-doanh-nghiep-trong-thuc-hien-esg-167649.html