Phát huy 'công cụ' tự phê bình và phê bình trong công tác xây dựng Đảng

Theo kết quả đánh giá về công tác xây dựng Đảng nói chung, hàng năm tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đều chiếm trên 90%, trong đó có nhiều tổ chức đảng và đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cụ thể, đối với Đảng bộ huyện Đồng Văn, theo kết quả đánh giá xếp loại tổ chức cơ sở đảng và đảng viên năm 2021 với 62 tổ chức đảng trực thuộc, có 62/62 chi, đảng bộ đều được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, số đảng viên được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 94,56%, trong đó 15,23% đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 2022, có 63 tổ chức cơ sở đảng được đánh giá, 60/63 chi, đảng bộ được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, chiếm 85,7%; đảng viên được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 96,75%, trong đó đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt 16,28%. Kết quả nêu trên thể hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của các cấp ủy đảng trong thực hiện nhiệm vụ của năm, nhất là thực hiện các nghị quyết, kết luận, quy định của Đảng về tự phê bình và phê bình, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn công tác kiểm điểm đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hằng năm.

Tuy nhiên, xét một cách toàn diện và sâu sắc thì thực tế này ở một số tổ chức cơ sở đảng chưa được đánh giá và nhìn nhận khách quan, đó chính là nguyên nhân dẫn tới thực trạng thời gian qua có một số tổ chức đảng, đảng viên trong nhiều năm liền được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thậm chí được đề nghị tặng thưởng các danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước nhưng sau đó chính những tổ chức đảng và đảng viên đó lại là những tổ chức, những đảng viên vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật dẫn đến bị truy tố, xét xử. Thực trạng này làm dấy lên câu hỏi: Phải chăng công tác tự phê bình và phê bình hằng năm tại một số tổ chức đảng chưa thật sự nghiêm túc và chưa thực hiện đúng theo các văn bản chỉ đạo của Đảng?

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tự phê bình và phê bình là thứ "vũ khí thần diệu" để Đảng thường xuyên trong sạch, vững mạnh. Trung ương Đảng đã có nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó đều nhấn mạnh tầm quan trọng trong công tác “tự phê bình và phê bình” đối với công tác xây dựng Đảng như: Quy định số 101-QÐ/TW, ngày 7.6.2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; gần đây nhất là Quy định 37 của Ban chấp hành Trung ương khóa XIII về những điều đảng viên không được làm… Trên quan điểm: Người đứng đầu phải là tấm gương tự phê bình và phê bình để cấp dưới làm theo; trong tự phê bình và phê bình phải thực sự cầu thị, tự giác, trung thực, chân thành, công tâm, không hữu khuynh, né tránh, chạy theo chủ nghĩa thành tích; khi có khuyết điểm phải nhận khuyết điểm và phải có kế hoạch sửa chữa; có tình đồng chí, thương yêu lẫn nhau; thẳng thắn đấu tranh bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người tốt; kiên quyết đấu tranh chống những biểu hiện lợi dụng phê bình với động cơ xấu. Ngoài ra, hướng dẫn kiểm điểm, đánh giá, xếp loại tổ chức cơ sở đảng và đảng viên đã cụ thể hóa bằng khung tiêu chuẩn các mức chất lượng, đó chính là cơ sở để các tổ chức đảng làm căn cứ xem xét, đánh giá hằng năm.

Quá trình tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, Đảng ta đã thẳng thắn nhìn nhận: “Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức Đảng còn thấp. Công tác rèn luyện, quản lý đảng viên ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức, còn thiếu chặt chẽ; có nơi buông lỏng sinh hoạt đảng, chất lượng sinh hoạt chưa cao, sinh hoạt chi bộ ở nhiều nơi còn hình thức; tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình còn yếu. Một số tổ chức cơ sở đảng, một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa gương mẫu… Việc đánh giá, xếp loại tổ chức đảng và đảng viên ở một số nơi còn chưa thực chất. Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Ngoài ra, trên thực tế cho thấy tại một số chi, đảng bộ cơ sở vẫn còn tình trạng: Công tác phê bình còn nể nang, né tránh, ngại va chạm, chưa được nhận diện nghiêm túc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; một số đảng viên thiếu tinh thần gương mẫu, không dám nhận khuyết điểm, thậm chí đùn đẩy trách nhiệm trong công việc được giao, có thành tích thì vơ vào mình, thấy khuyết điểm thì đổ lỗi cho khách quan, đổ lỗi cho cấp dưới; một số nơi tổ chức kiểm điểm qua loa, chiếu lệ, đánh giá kết quả mức độ hoàn thành nhiệm vụ phiến diện, một chiều theo ý chủ quan cá nhân của người đứng đầu; một số đảng viên “gió chiều nào, xoay chiều đó”, không có chính kiến, “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”, theo kiểu “dĩ hòa vi quý” cho yên vị, không đụng chạm đến ai….

Trao đổi với đồng chí Phan Thị Lan, Ủy viên BTV Huyện ủy, Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Đồng Văn về một số trường hợp tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong một thời gian dài nhưng không được phát hiện kịp thời, chỉ đến khi có thanh tra, kiểm tra của cấp trên thì mới phát hiện dẫn đến tổ chức đảng, đảng viên phải xem xét xử lý kỷ luật, hoặc chuyển cơ quan điều tra, truy tố. Đồng chí cho biết: “Trung ương đã ban hành các văn bản quy định, cấp ủy các cấp cũng đã ban hành nhiều văn bản để hướng dẫn thực hiện việc tự phê bình và phê bình. Thực tế ở huyện Đồng Văn, việc tổ chức thực hiện công tác tự phê bình và phê bình đã được tổ chức bằng nhiều hình thức như: Thông qua các buổi sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy; phân công lãnh đạo cấp trên dự, tham gia sinh hoạt đến chi bộ; công tác đối thoại, tiếp công dân; công tác nắm bắt tình hình ở cơ sở, tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên; công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra của cấp ủy, của ủy ban kiểm tra và các cơ quan chức năng khác… Qua đó, hàng quý đã nắm bắt, đánh giá nghiêm túc trách nhiệm của tổ chức đảng, đảng viên trong việc tự phê bình và phê bình cùng với đánh giá mức độ hoàn thành công việc được giao, từ đó làm cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên hằng năm. Trong thời gian qua, qua công tác kiểm tra, giám sát, nắm tình hình của UBKT Huyện ủy Đồng Văn cho thấy, hầu hết các chi, đảng bộ đều thực hiện nghiêm túc. Công tác tự phê bình và phê bình được thực hiện trên nguyên tắc dân chủ, thẳng thắn, cởi mở, xây dựng trên tinh thần cầu thị, qua đó đã kịp thời phát hiện những hạn chế, khuyết điểm để ngăn chặn, không để xảy ra vi phạm dẫn đến phải kỷ luật cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, còn có một số chi, đảng bộ chưa thực quan tâm đến vai trò, tầm quan trọng của việc tự phê bình và phê bình, cụ thể là trách nhiệm, tinh thần gương mẫu của người đứng đầu; tổ chức thực hiện việc tự phê bình và phê bình còn đại khái, hình thức; trong hoạt động còn coi trọng công tác chuyên môn hơn công tác xây dựng Đảng, dẫn đến có tổ chức đảng, đảng viên vi phạm các quy định của Đảng phải xem xét xử lý kỷ luật hoặc chuyển cơ quan điều tra, truy tố, xét xử”.

Có rất nhiều nguyên nhân của những yếu kém trong tự phê bình và phê bình, tuy nhiên chủ yếu vẫn là một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cấp nhận thức về việc tự kiểm điểm còn tính hình thức, tự phê bình và phê bình chưa tự giác, chưa gương mẫu và thiếu quyết tâm thực hiện. Một số cấp ủy, trước hết là đồng chí bí thư chưa coi trọng và thiếu kiên quyết trong chỉ đạo thực hiện tự phê bình và phê bình; chưa nhìn nhận đúng mức khuyết điểm và trách nhiệm của mình trước những hạn chế, khuyết điểm của tập thể. Mặt khác, việc chỉ đạo tổ chức thực hiện các nội dung, quy trình tự phê bình và phê bình ở một số tổ chức đảng chưa thực sự nghiêm túc, ảnh hưởng đến chất lượng tự phê bình và phê bình. Có tình trạng tổ chức đảng, người có nhiều ưu điểm chưa được động viên khen thưởng thỏa đáng, trái lại, tổ chức đảng, người nhiều khuyết điểm nhưng vẫn được đánh giá là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được đề nghị các cấp khen thưởng… Đây chính là điểm yếu dễ bị các phần tử xấu, phần tử bất mãn, các thế lực thù địch lợi dụng, công kích, gây mất đoàn kết nội bộ, làm cho tổ chức đảng bị lung lay và mất phương hướng lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức mình.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người mắc khuyết điểm hôm nay, ngày mai chưa chắc đã mắc khuyết điểm. Người hôm nay chưa mắc khuyết điểm chưa chắc ngày mai sẽ không mắc khuyết điểm. Với ý nghĩa đó, việc tự phê bình và phê bình cần được tiến hành kiên quyết, triệt để trên cơ sở tình đồng chí thương yêu lẫn nhau chính là một “cuộc đấu tranh” trong bản thân mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng. “Cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt để đoàn kết và thống nhất nội bộ”.

Theo đó, tự phê bình và phê bình phải có tình thương yêu của của đồng chí, đồng đội, tình thương yêu giữa con người với con người bởi đó chính là sức mạnh củng cố cho tổ chức đảng, nhất là những cán bộ, đảng viên đã từng va vấp có cơ hội sửa sai, lại vươn lên trong một tập thể đoàn kết, hoàn thành những nhiệm vụ mà Đảng và tổ chức giao phó. Bởi vậy, khi phê bình đồng chí, mình không nên có thái độ công kích, định kiến, mỉa mai mà phải “khéo léo” sử dụng “công cụ” tự phê bình và phê bình để đồng chí, đồng đội nhìn nhận ra những điểm yếu mà tránh, những điểm mạnh mà phát huy, trên quan điểm “phê bình việc, không phê bình người”. Để làm được điều đó thì người đứng đầu cấp ủy, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phải là những người thực sự gương mẫu “nói đi đôi với làm”, công tâm, khách quan, không để các vấn đề cá nhân chen vào các cuộc tự phê bình và phê bình. Có tinh thần, thái độ nghiêm túc, tránh đánh giá theo kiểu “chẳng ưa thì dưa có giòi”, “yêu thì tốt, ghét thì xấu”; “trong hội nghị nói một đàng, ngoài hội nghị nói một nẻo”. Đặc biệt, không được lợi dụng tự phê bình và phê bình để mỉa mai, khích bác, “đâm thọc”, gây khó chịu, khó tiếp thu, gây ra tự ái hoặc hiểu nhầm cho người bị phê bình; nhất là tránh tình trạng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Ai hợp với mình thì người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách dèm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống. Bệnh này rất tai hại cho Đảng. Nó làm hại đến sự thống nhất”. Đồng thời cũng kiên quyết, thẳng thắn, dứt điểm, rõ ràng với những trường hợp cán bộ, đảng viên có dấu hiệu vi phạm, không trung thực, chây ỳ, gây mất đoàn kết nội bộ…

Cùng với đó, cần phải đổi mới nội dung, hình thức tự phê bình và phê bình sát với đời sống hằng ngày cũng như trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của cán bộ, đảng viên; phê bình đúng lúc, đúng chỗ, bằng phương pháp linh hoạt, mềm dẻo, khéo léo. Không nên chỉ lấy tư cách, cương vị là người đứng đầu để áp đặt, mệnh lệnh, ép buộc mà đặt hãy đặt tình đồng chí, đồng đội và tình cảm con người với con người để tự phê bình và phê bình, nhằm mục tiêu tạo sức mạnh trong tổ chức Đảng. Bên cạnh đó căn cứ vào các quy định của cấp ủy các cấp, cần có cơ chế phù hợp để khuyến khích, động viên, bảo vệ những cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: “Sự yêu thương đồng chí của những người cộng sản không có nghĩa là bao che, tha thứ lỗi lầm, khuyết điểm của đồng chí mình; trái lại, người cộng sản thường xuyên giúp đỡ đồng chí mình giữ vững phẩm chất cách mạng và nâng cao không ngừng trình độ hiểu biết và năng lực công tác. Với vũ khí tự phê bình và phê bình, người cộng sản bình tĩnh soi xét kỹ mình, đồng thời thật sự chân thành chỉ ra cho đồng chí mình những khuyết điểm, thiếu sót với tình yêu thương đồng chí thật sự, để giúp đồng chí mình sửa chữa và tiến bộ, không đao to, búa lớn, dìm dập đồng chí, nhưng cũng không dung túng, bao che khuyết điểm của đồng chí mình. Nếu còn nể nang, né trách, hoặc vì lý do nào đó mà không nghiêm khắc với khuyết điểm của đồng chí mình, đẩy đồng chí mình và sự sa ngã và tội lỗi, như thế không phải là thương yêu đồng chí một cách đúng đắn. Nếu những người cộng sản không sáng suốt, trung thực, không thẳng thắn vạch ra và giúp đỡ đồng chí mình sửa chữa những khuyết điểm, sai lầm thì làm sao có thể giúp đồng chí mình giữ được phẩm chất của người cộng sản".

Lý Trung Kiên, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đồng Văn

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/dang-trong-cuoc-song-hom-nay/202306/phat-huy-cong-cu-tu-phe-binh-va-phe-binh-trong-cong-tac-xay-dung-dang-7a440fe/