Phát huy dân chủ, nêu cao trách nhiệm, đáp ứng mong đợi của cử tri cả nước

9 giờ sáng 20-5, tại Nhà Quốc hội đã diễn ra Khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Tham dự phiên khai mạc có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân và lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đại sứ, đại diện, trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Hà Nội. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc kỳ họp.

Khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Trước giờ khai mạc kỳ họp, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đại biểu Quốc hội đã đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra trong không khí hào hùng của những ngày tháng 5 lịch sử, kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; Hội nghị lần thứ 9 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thành công tốt đẹp. Kỳ họp này có ý nghĩa quan trọng cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tại phiên họp trù bị, các đại biểu Quốc hội đã thống nhất rất cao, biểu quyết thông qua nội dung, thời gian, chương trình và phương thức tiến hành kỳ họp. Theo đó, Quốc hội làm việc trong 26,5 ngày, từ ngày 20-5 đến ngày 28-6-2024; chia làm 2 đợt: đợt 1 từ ngày 20-5 đến ngày 8-6; đợt 2 từ ngày 17-6 đến ngày 28-6.

Quốc hội sẽ xem xét, quyết định những nội dung quan trọng như, tiếp tục cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Kết luận số 19 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15, công tác lập pháp là nội dung trọng tâm, chiếm gần 2/3 thời gian của Kỳ họp với số lượng 24 dự án luật, dự thảo nghị quyết, đây là khối lượng nội dung về lập pháp lớn nhất được xem xét tại một kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến nay; Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật; 3 dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật và thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật khác.

Các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp này liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, thu hút sự quan tâm nhiều của cử tri và nhân dân cả nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 để cho ý kiến về 8 dự án luật trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và các vấn đề quan trọng khác, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, các đại biểu Quốc hội phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, tập trung vào những vấn đề lớn, qua đó đánh giá chất lượng và những vấn đề cần rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều hành, nhất là công tác dự báo, dự toán ngân sách nhà nước.

Đối với tình hình những tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho những tháng còn lại của năm 2024, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội bám sát các yêu cầu, mục tiêu, giải pháp tại các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội; lưu ý những tác động và khó khăn mới phát sinh do diễn biến phức tạp của tình hình trong nước và thế giới, khu vực để đánh giá đúng những kết quả quan trọng đã đạt được, những bất cập, hạn chế, yếu kém, đề xuất những giải pháp thiết thực, hiệu quả để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách năm 2024, tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Quốc hội sẽ xem xét, quyết định, cho ý kiến về Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035; chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len; Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và một số nội dung quan trọng khác.

Quốc hội sẽ nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 7; xem xét báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43 ngày 11-1-2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”; xem xét, thông qua các nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025. Báo cáo của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước.

Một nội dung khác rất quan trọng tại kì họp này, Quốc hội sẽ xem xét bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, phê chuẩn thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh.

Với khối lượng công việc rất lớn tại kỳ họp thứ 7, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu, để Kỳ họp đạt kết quả tốt nhất, các đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng để đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước cũng như sự mong đợi của cử tri và Nhân dân cả nước.

5 nhóm vấn đề lớn được cử tri và nhân dân kiến nghị tới Quốc hội

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, gồm 5 nhóm vấn đề lớn.

Giá các mặt hàng thiết yếu vẫn cao trong khi tiền lương chưa tăng

Báo cáo nêu rõ trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó lường, tác động đến tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cử tri và nhân dân đánh giá cao Đảng và Nhà nước, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kịp thời chỉ đạo toàn diện các vấn đề quan trọng của đất nước, đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước tiếp tục được củng cố và tăng cường.

Về phục hồi và phát triển kinh tế, cử tri và nhân dân vui mừng, phấn khởi, đánh giá cao tổng sản phẩm trong nước quý 1 năm 2024 tăng trên 5,6% so với cùng kỳ năm 2023, là năm cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Các cân đối lớn được bảo đảm, cơ bản giữ được giá trị đồng tiền Việt Nam.

Các công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, điện, nhất là các dự án đường cao tốc được đẩy nhanh tiến độ; tích cực tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phục hồi 12 dự án đầu tư thua lỗ, nay đã có một số dự án sản xuất-kinh doanh có lãi; thu ngân sách đạt và vượt kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công chuyển biến tích cực.

Trong khi sản xuất công nghiệp, dịch vụ gặp khó khăn, một số chuỗi cung ứng hàng hóa đứt gãy thì tăng trưởng khu vực nông nghiệp gần 3% so với cùng kỳ là kết quả đáng ghi nhận, thật sự là trụ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn…

Đảng và Nhà nước, trực tiếp là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm giải quyết kịp thời, hài hòa những vấn đề mới phát sinh, liên quan đến quyền lợi của nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên, cử tri băn khoăn, lo lắng giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giá điện, vé máy bay tiếp tục tăng; tiêu thụ nông, lâm, thủy sản còn khó khăn, kinh tế du lịch phục hồi chưa vững chắc, việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn chậm; giá các mặt hàng thiết yếu vẫn cao trong khi tiền lương chưa tăng, phần nào ảnh hưởng đến đời sống của những người làm công, ăn lương và lao động thiếu việc làm, thu nhập không ổn định.

Vì vậy, cần quan tâm giải quyết kịp thời bất cập, vướng mắc phát sinh để chính sách tiền lương mới thực sự động viên cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Lo ngại về tình trạng thiếu vật tư, thuốc phục vụ khám chữa bệnh

Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, cử tri và nhân dân ghi nhận ngành Giáo dục và Đào tạo đã chú ý, lắng nghe các ý kiến đa chiều để đổi mới, điều chỉnh cơ chế, chính sách, bổ sung thêm biên chế, quan tâm, làm tốt hơn công tác chính trị, tư tưởng trong ngành.

Bước đầu đã đề xuất được giải pháp tháo gỡ các khó khăn để ổn định và phát triển bậc giáo dục mầm non. Song cử tri và nhân dân vẫn còn lo lắng, băn khoăn nhu cầu của học sinh học ở các trường công cao nhưng khả năng đáp ứng còn hạn chế; dạy nghề chưa đáp ứng được yêu cầu tạo việc làm cho người đến tuổi lao động, nhất là thanh niên ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Cử tri và nhân dân đánh giá cao ngành Y tế đã có nhiều cố gắng, tích cực tham mưu để hoàn thiện thể chế; từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về y tế, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của nhân dân; tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của tuyến y tế cơ sở; một số vướng mắc, tồn tại nhiều năm đã từng bước được giải quyết, đội ngũ thầy thuốc và cán bộ, nhân viên y tế yên tâm hơn trong công tác.

Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân vẫn còn lo ngại về tình trạng thiếu một số vật tư, thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh. Chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến y tế cơ sở còn thấp, vẫn còn tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trung ương. Danh mục thuốc bảo hiểm y tế còn bất cập, chưa thực sự là nguồn đảm bảo chính cho người dân khi đi khám, chữa bệnh.

Về lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao kết quả công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, góp phần phục vụ các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Không có vùng cấm trong xử lý tham nhũng, tiêu cực

Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, cử tri và nhân dân đánh giá cao công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Công tác này tiếp tục đạt được kết quả quan trọng, toàn diện, “nói đi đôi với làm,” thật sự không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; các cơ quan chức năng không chỉ xử lý kịp thời, nghiêm minh, có lý, có tình đối với người vi phạm, mà còn thu hồi được nhiều tài sản cho Nhà nước.

Hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh bước đầu đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Cử tri và nhân dân đồng tình, ủng hộ Đảng và Nhà nước đã kịp thời giải quyết để một số đồng chí cán bộ cấp cao vi phạm những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương thôi đảm nhiệm trọng trách được giao; đồng thời rất tin tưởng Đảng, Nhà nước “không ngừng, không nghỉ” trong cuộc đấu tranh cam go, phức tạp này.

Tháo gỡ khó khăn để hạn chế các doanh nghiệp rời khỏi thị trường

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị với Đảng, Nhà nước chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; sớm giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, sinh kế, an sinh xã hội… vì đây là bộ phận cư dân khó khăn nhất hiện nay.

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân còn băn khoăn, lo lắng về việc số doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động chưa có chiều hướng giảm, công nhân lao động bị ngừng việc, nghỉ việc, rút bảo hiểm xã hội một lần tăng.

Cùng với đó, cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn để hạn chế các doanh nghiệp rời khỏi thị trường, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, vì thách thức về việc làm, thu nhập cho người dân đang là vấn đề nổi lên khá gay gắt; có giải pháp đồng bộ, căn cơ cung cấp đủ nước sinh hoạt cho nhân dân và đảm bảo cho sản xuất ở một số vùng khó khăn.

Tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận cao hơn nữa trong các tầng lớp nhân dân

Báo cáo do Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày nêu rõ trong bối cảnh, tình hình hiện nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị với Đảng, Nhà nước cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền thống nhất nhận thức, tạo đồng thuận cao hơn nữa trong cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trong các tầng lớp nhân dân về các chủ trương phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…; kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm minh đối với tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, xuyên tạc sự thật, làm “nhiễu” thông tin, nhất là các thông tin “xấu, độc,” “bôi nhọ” làm giảm sút uy tín của tổ chức và cá nhân lãnh đạo, ảnh hưởng đến sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Đồng thời, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị tiến hành tổng rà soát, tập hợp toàn bộ kiến nghị của cư dân ở các khu chung cư trong toàn quốc để nghiên cứu giải quyết thỏa đáng tranh chấp giữa cư dân với chủ đầu tư, ban quản lý đang xảy ra khá phổ biến hiện nay, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cư dân, công khai minh bạch để cư dân giám sát; kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan chức năng rà soát các văn bản hướng dẫn, các điều kiện “cần và đủ” để triển khai thực hiện chính sách tiền lương mới từ 1-7-2024.

Cùng với huy động nguồn lực xã hội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị với Đảng, Nhà nước xem xét bố trí thêm nguồn lực từ ngân sách nhà nước hỗ trợ những địa phương còn khó khăn để phấn đấu đạt mục tiêu đến hết năm 2025 hoàn thành nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24-11-2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội.

Các bộ, ngành, địa phương nâng cao hơn nữa chất lượng giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.

PV

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/thoi-su-chinh-tri/phat-huy-dan-chu-neu-cao-trach-nhiem-dap-ung-mong-doi-cua-cu-tri-ca-nuoc-20948