Phát huy dân chủ, xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân
Xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân là mục tiêu tối thượng và cao đẹp mà chúng ta đã và đang từng bước hiện thực hóa trong cuộc sống xã hội; đó là xây dựng Nhà nước do nhân dân bầu ra, do nhân dân xây dựng, tất cả quyền lực đều thuộc về nhân dân.
Xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân là mục tiêu tối thượng và cao đẹp mà chúng ta đã và đang từng bước hiện thực hóa trong cuộc sống xã hội; đó là xây dựng Nhà nước do nhân dân bầu ra, do nhân dân xây dựng, tất cả quyền lực đều thuộc về nhân dân.
Quan điểm nhất quán đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Ðoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân" (Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 6, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, H.2011, tr.232).
Xác định dân chủ là bản chất của chế độ, vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển đất nước, vì thế chúng ta khẳng định phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, hoàn thiện hệ thống pháp luật,… là quá trình hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Vì ở nước ta: "chính quyền là của nhân dân, do nhân dân làm chủ… Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy. Thế là dân chủ" (Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 8, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, H.2011, tr.263). Nội dung cốt lõi của dân chủ bao gồm các nội dung căn bản: Nền dân chủ của nhân dân lao động, vì nhân dân lao động, thể hiện ở việc bảo vệ quyền sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc của nhân dân; thừa nhận nguyên tắc bình đẳng và tự do được bảo đảm về mặt pháp lý để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân; có nội dung toàn diện, thể hiện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, ý thức - tư tưởng, trong đó nổi bật là sự tham gia một cách bình đẳng, ngày càng rộng rãi của nhân dân vào việc quản lý nhà nước và xã hội thông qua hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện. Do đó, trong phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Nhà nước, Ðảng ta khẳng định: "Trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước, phải thực hiện dân chủ, tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền và phải tạo ra sự chuyển biến tích cực, đạt kết quả cao hơn" (Ðảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB Chính trị Quốc gia, H.2016, tr.175). Ðể xây dựng nhà nước thật sự của dân, do dân và vì dân, Ðảng và Nhà nước có quan điểm rất cụ thể, và nền dân chủ mà chúng ta xây dựng và hoàn thiện là cơ chế quản lý điều hành đất nước, đó là: Ðảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân lao động làm chủ.
Trong xu thế mở cửa, hội nhập quốc tế, khoa học - công nghệ đã có sự phát triển vượt bậc, Ðảng ta khẳng định Nhà nước là đại diện quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời là người tổ chức, thực hiện đường lối chính trị của Ðảng. Như vậy, mọi đường lối, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước đều phản ánh lợi ích của đại bộ phận nhân dân. Trong đó, nhân dân là người trực tiếp tham gia, xây dựng và thực thi chính sách của Ðảng và Nhà nước. Phát huy dân chủ, xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân ở Việt Nam thực chất là xây dựng nhà nước lấy dân làm gốc, dựa vào dân, tin dân, bảo vệ dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân. Nhân dân luôn ở vị trí người làm chủ và thật sự là chủ, được làm bất cứ việc gì mà pháp luật không cấm. Trong xã hội đó, quyền lợi, nghĩa vụ của công dân luôn kết hợp chặt chẽ. Nghĩa là nhân dân có quyền làm chủ, đồng thời phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ đạo đức công dân. Và không thể có hiện tượng nhà nước của dân, do dân, vì dân mà người làm chủ nhà nước lại không thực hiện bổn phận của mình đối với nhà nước. Nhà nước bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân, quyền lực nhà nước được tổ chức thống nhất, nhưng có sự phân công phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của cả bộ máy nhà nước. Thông qua nguyên tắc này, quyền lực nhà nước thật sự thuộc về nhân dân, bảo đảm sự thống nhất tổ chức và hành động, phát huy tối đa sức mạnh của bộ máy nhà nước. Nhờ đó, Hiến pháp, pháp luật được thực thi, quyền lực của nhân dân được bảo đảm; như vậy tập trung dân chủ hoàn toàn đối lập với quan điểm quan liêu, cục bộ, bè phái, bệnh hình thức của nhà nước cũ.
Trong 35 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, bộ máy nhà nước ở Việt Nam đã có bước phát triển cả về tổ chức và hoạt động, theo hướng bảo đảm nhà nước của dân, do dân, vì dân, đủ năng lực để thực hiện quyền lực nhà nước trong điều kiện mới. Hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, của Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân được xây dựng bảo đảm giữ vững bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Quốc hội ban hành nhiều bộ luật, luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nhiều pháp lệnh và nghị quyết. Ðiều này chứng tỏ sự phát triển về năng lực lập pháp của Quốc hội, kịp thời cụ thể hóa đường lối của Ðảng trong hoạt động thực tiễn; bảo đảm dân quyền, nhân quyền và có tính nhân văn sâu sắc. Ðồng thời, tiến hành bổ sung, sửa đổi Hiến pháp và hệ thống pháp luật phù hợp yêu cầu thực tiễn của đất nước; bước đầu đã cải tiến được quy trình xây dựng luật, ban hành nhiều văn bản pháp luật đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế. Chúng ta đã và đang đi đúng hướng khi thực hiện xây dựng nhà nước gọn, nhẹ, có hiệu lực, phù hợp sự phát triển mới của cuộc sống, trong đó nổi lên vấn đề quan trọng là xây dựng các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp không có đặc quyền, đặc lợi, bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, bảo đảm vận hành và hoạt động có hiệu quả, bảo đảm mọi quyền lợi thật sự đều hướng về và thuộc về nhân dân. Theo đó, nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước được quy định đầy đủ hơn trong Hiến pháp năm 2013; chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy nhà nước được xác định rõ hơn.
Sự nghiệp đổi mới đòi hỏi chúng ta cần củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức của Nhà nước thật sự là công bộc của dân, có đức, có tài, vì đây là cái gốc, là nền tảng để hoàn thiện bộ máy nhà nước. Và thực tiễn 35 năm đổi mới cho thấy Chính phủ và các bộ, ngành đã tập trung hơn vào quản lý, điều hành vĩ mô, năng động giải quyết những vấn đề lớn, quan trọng; cải cách hành chính được chú trọng, nhất là thủ tục hành chính; tổ chức Chính phủ được sắp xếp hợp lý hơn, tổ chức chính quyền địa phương đang được thí điểm các mô hình theo hướng hiệu quả hơn. Vì thế chúng ta đã một bước nâng cao chất lượng tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước; phân định cụ thể hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được tăng cường.
Ðặc biệt vừa qua khi đất nước phải đối phó với đại dịch Covid-19, Ðảng, Nhà nước và Chính phủ đã kịp thời có chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Cùng với đó là các chính sách hỗ trợ khắc phục thiên tai, lũ lụt ở miền trung; với quan điểm tất cả mọi chủ trương, chính sách, phúc lợi đều hướng về người dân. Mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau đã có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm an sinh, góp phần giữ vững ổn định xã hội, đồng thời thể hiện cam kết một "Chính phủ hành động" thật sự đã tạo được niềm tin mãnh liệt trong nhân dân và nâng tầm vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Thực tế cho thấy, bên các thành tựu đạt được chúng ta còn có những hạn chế nhất định trong xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân. Do đó, cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ nhằm phát huy tối đa, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, để thật sự bảo đảm quyền làm chủ và đem lại lợi ích cho toàn thể nhân dân. Một là, tiếp tục tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc của Nhà nước, bảo đảm nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân. Trước hết cần phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo của Ðảng với Nhà nước. Ðảng lãnh đạo Nhà nước bằng chủ trương, đường lối, bằng công tác cán bộ, bố trí, sắp xếp đúng cán bộ, làm tốt việc kiểm tra, giám sát thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ. Hai là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế vận hành của Nhà nước, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực đều thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan để thực hiện có hiệu quả quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi mới của thực tiễn. Duy trì, thực hiện có hiệu quả trên thực tế các hoạt động kiểm tra, giám sát bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp. Ba là, tiếp tục nâng cao hơn nữa hoạt động của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội; đẩy mạnh hoạt động cải cách hành chính. Chú trọng xây dựng Chính phủ "liêm chính và kiến tạo". Xây dựng các cơ quan bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu quả, bảo đảm quyền làm chủ của người dân. Bốn là, tập trung hoàn thiện bộ máy nhà nước và quy chế hoạt động, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, vững mạnh, có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Có cơ chế, chế tài xử lý nghiêm minh đối với cán bộ, công chức tham ô, tham nhũng, xa dân, thiếu tôn trọng dân, và nhũng nhiễu dân. Ðể bảo đảm tốt công việc này, cần thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở, khuyến khích, bảo vệ những người tích cực đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng.
Như vậy, để sự nghiệp đổi mới đạt nhiều thành tựu mới, một trong những vấn đề tiên quyết cần tiếp tục là phát huy dân chủ, xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân. Nhà nước phải thường xuyên phát huy quyền làm chủ của nhân dân đi đôi với việc tăng cường kỷ cương, phép nước, giải quyết hài hòa các mối quan hệ lợi ích, tiếp tục tạo ra hành lang pháp lý đa dạng hơn để người dân phát huy tối đa quyền làm chủ của mình trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp.