Phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững

Sáng 3/7, tại Ninh Bình, Hội nghị quốc tế về phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam do Bộ Ngoại giao phối hợp cùng Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức đã chính thức khai mạc.

Hình mẫu quan hệ Việt Nam – UNESCO

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Phát triển bền vững và sáng tạo đã trở thành mục tiêu của nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó. Đảng Cộng sản Việt Nam, chính phủ Việt Nam đã nhấn mạnh phải coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Đó vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, là nguồn lực và động lực quan trọng để phát triển.

Trong suốt 47 năm, kể từ năm 1976, khi Việt Nam chính thức gia nhập UNESCO, người Việt Nam đã phát huy tâm thế và mang nhận thức đó vào trong tất cả các hoạt động hợp tác với các đối tác nhất là với UNESCO. Quan hệ Việt Nam – UNESCO là hình mẫu tốt về hợp tác hiệu quả, ở đó Việt Nam – UNESCO là những người bạn cùng chí hướng, chung tầm nhìn và đều rất kiên trì, bền bỉ trong thực hiện các cam kết.

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Việt Nam là một trong những quốc gia tổ chức nhiều hoạt động, tham gia nhiều sự kiện quan trọng quốc tế và được UNESCO bầu cử giữ các chức vụ lãnh đạo. Điều đó đã khẳng định Việt Nam là thành viên chủ động và có trách nhiệm đối với UNESCO, đóng góp tích cực cho thành công của các khuôn khổ và hoạt động của UNESCO, đặc biệt là trong kiến tạo, đối thoại, hợp tác vì hòa bình và phát triển.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc phát biểu tại phiên khai mạc.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc phát biểu tại phiên khai mạc.

Cùng chung quan điểm này, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về ưu tiên châu Phi và quan hệ đối ngoại Firmin Edouard Matoko nhấn mạnh: "Việt Nam là hình mẫu hợp tác tích cực và hiệu quả với UNESCO. Trong suốt 47 năm qua, Việt Nam và UNESCO đã xây dựng mối quan hệ bền chặt dựa trên niềm tin chung về tầm quan trọng thiết yếu của giáo dục, khoa học và văn hóa như những động lực chính cho sự phát triển bền vững".

Trên cơ sở những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, ông khẳng định Việt Nam ngày nay đã đảm nhận vai trò tích cực hơn trong công việc của các tổ chức quốc tế, trong đó nổi bật là UNESCO. Ông đồng thời gửi lời chúc may mắn và thành công tới Việt Nam trong nỗ lực ứng cử vào vị trí thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027.

Thách thức giữa hài hòa bảo tồn và phát triển

Nhấn mạnh “đây là nơi duy nhất ở Việt Nam sở hữu danh hiệu 'kép' của UNESCO: Di sản hỗn hợp Văn hóa và Thiên nhiên thế giới”, ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình khẳng định, cùng với những di sản đã được UNESCO vinh danh, người dân Ninh Bình qua nhiều thế hệ đã sáng tạo, lưu truyền, lan tỏa nhiều giá trị văn hóa đặc sắc với cốt cách riêng có.

Cùng với tiến trình đổi mới của đất nước, kinh tế tỉnh Ninh Bình những năm qua đã vươn lên, nhất là ngành du lịch phát triển mạnh mẽ và đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tỉnh đã thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị toàn cầu của Di sản thế giới, kết hợp hài hòa giữa việc gìn giữ môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống với phát triển kinh tế du lịch, đảm bảo lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình chia sẻ kinh nghiệm phát huy giá trị danh hiệu UNESCO tại địa phương.

Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình chia sẻ kinh nghiệm phát huy giá trị danh hiệu UNESCO tại địa phương.

Nhìn ở góc độ vĩ mô, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc trích dẫn nhận định của Tổng Giám đốc UNESCO cho rằng, câu chuyện thành công của Tràng An – Ninh Bình đã truyền cảm hứng cho các quốc gia thành viên khác.

“Quần thể danh thắng Tràng An không phải là câu chuyện thành công duy nhất mà còn rất nhiều bài học kinh nghiệm khác trong việc phát huy giá trị của 57 danh hiệu đến nay đã được UNESCO công nhận nhằm phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam. Một số địa phương đã được UNESCO đánh giá rất tốt”, ông khẳng định.

Theo Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu UNESCO của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Các danh hiệu UNESCO là cấu thành quan trọng hình thành thương hiệu mỗi địa phương và đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội thông qua thu hút khách du lịch, chuyển đổi cơ cấu phát triển kinh tế, mô hình tăng trưởng xanh. Văn hóa đã thực sự là nền tảng, giáo dục là động lực, khoa học công nghệ là mũi nhọn của phát triển bền vững.

Tuy nhiên, bên cạnh những câu chuyện thành công, ở một số địa phương sở hữu danh hiệu vẫn đang trăn trở trước những thách thức giữa bảo tồn và phát triển. Trong đó, thách thức lớn nhất vẫn là hài hòa giữa phát triển lợi ích kinh tế và bảo tồn các di sản văn hóa, thiên nhiên, địa chất, sinh quyển.

Định vị Việt Nam trên bản đồ phát triển bền vững

Trong khuôn khổ 3 phiên thảo luận chuyên đề, hội nghị đặt mục tiêu định vị lại Việt Nam trong khu vực và trên thế giới là một đất nước đầy tiềm năng về cơ hội phát triển bền vững, hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống, đáp ứng được nhu cầu xã hội mà vẫn đảm bảo việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa-thiên nhiên và các giá trị truyền thống vì sự phát triển bền vững.

Các đại biểu dự hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị.

Đồng thời, hội nghị là dịp trao đổi, học tập kinh nghiệm về công tác nghiên cứu, bảo tồn, quản lý trong nước và quốc tế, từ đó thảo luận nhằm nêu lên định hướng cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị nhiều mặt của các danh hiệu UNESCO tại Việt Nam trong thời gian tới.

Tại phiên thảo luận về thực tiễn phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam, lãnh đạo một số tỉnh như Ninh Bình, Quảng Bình, Hà Giang đã chia sẻ kinh nghiệm và các bài học rút ra trong việc bảo tồn, phát huy các danh hiệu UNESCO song hành với khai thác tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ tại địa phương.

Trong phiên thảo luận thứ 2 dưới sự điều hành của ông Michael Croft, Quyền Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, hội nghị sẽ lắng nghe kinh nghiệm quốc tế về phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững. Phiên thảo luận thứ ba với sự tham gia của diễn giả và chuyên gia nổi tiếng quốc tế sẽ đưa ra những giải pháp huy động nguồn lực trong bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững.

An Nhiên

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/phat-huy-gia-tri-cac-danh-hieu-unesco-phuc-vu-phat-trien-ben-vung-i698972/