Phát huy giá trị các di tích, địa danh Bác Hồ đến thăm và làm việc

Sinh thời, Bác Hồ đã dành tình cảm đặc biệt và nhiều sự quan tâm đối với tỉnh Bắc Ninh. Người đã 18 lần đến thăm và làm việc với cán bộ và nhân dân địa phương.

Ông Nguyễn Danh Mã, Trưởng Ban Quản lý di tích đình Đình Bảng giới thiệu về những lần Bác Hồ đến thăm và làm việc tại đình Đình Bảng.

Ông Nguyễn Danh Mã, Trưởng Ban Quản lý di tích đình Đình Bảng giới thiệu về những lần Bác Hồ đến thăm và làm việc tại đình Đình Bảng.

Mỗi lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với Bắc Ninh đều để lại dấu ấn sâu sắc tại các địa danh, di tích, gắn chặt với các sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Dù Bác đã đi xa nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh vẫn dành nhiều tình cảm đặc biệt với Người.

Mảnh đất lưu dấu chân Người

Trong số những địa danh Bác Hồ đến thăm và làm việc tại Bắc Ninh, làng Đình Bảng (huyện Từ Sơn) là nơi vinh dự được đón Người nhiều nhất. Nhân dân nơi đây luôn tự hào được Bác tin tưởng là quê hương cách mạng có vị trí và vai trò quan trọng trong lịch sử dân tộc.

Lần đầu tiên Bác đến thăm làng Đình Bảng và dự lễ kỷ niệm ngày giỗ vua Lý Thánh Tông tháng 10/1945. Sau khi vào Đền Đô dâng hương tưởng niệm các vua nhà Lý, Bác đã nói chuyện với các cụ phụ lão, đông đảo người dân về tục lệ cúng giỗ các vua Lý hằng năm và giá trị, ý nghĩa to lớn của Cách mạng tháng Tám; đồng thời kêu gọi nhân dân cần đoàn kết chặt chẽ hơn nữa để giữ gìn nền độc lập mới giành được, đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm.

Lần thứ 2 Bác đến Đình Bảng để xem xét địa điểm dự bị cho Quốc hội họp phiên đầu tiên để bầu ra Chính phủ chính thức của nước Việt Nam. Ông Nguyễn Danh Mã, Trưởng Ban Quản lý di tích đình Đình Bảng cho biết, tháng 2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đình Bảng xem xét địa điểm dự kiến Quốc hội họp. Cán bộ và nhân dân hồ hởi đón tiếp và mời Người vào thăm ngôi đình làng. Tại đây, Hồ Chủ tịch đã nói rõ mục đích của Quốc hội họp và kêu gọi đồng bào ủng hộ.

Trong những lần đến thăm và làm việc, bên cạnh nhiệm vụ cách mạng, chính trị, phát triển sản xuất, an sinh xã hội, Bác còn dành tình cảm đặc biệt cho các cháu thiếu niên, nhi đồng. Đặc biệt, ngày mùng 1 Tết năm Đinh Mùi (tức ngày 9/2/1967), Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và chúc Tết cán bộ, nhân dân tỉnh Hà Bắc tại xã Tam Sơn, huyện Tiên Sơn (nay là phường Tam Sơn, thành phố Từ Sơn).

Tại đây, Bác đã động viên toàn dân tăng gia sản xuất, trồng, chăm sóc nhiều cây xanh… Bác đã có buổi nói chuyện thân mật với các cháu thiếu nhi quê hương của “Nghìn việc tốt”, khuyến khích các cháu học giỏi, chăm ngoan.

Các liền anh, liền chị Quan họ biểu diễn tại thủy đình Đền Đô phục vụ du khách.

Các liền anh, liền chị Quan họ biểu diễn tại thủy đình Đền Đô phục vụ du khách.

Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn khi đó là Phó Bí thư Chi bộ, Tổng phụ trách Đội, Bí thư Chi đoàn, giáo viên dạy môn Văn - Lịch sử của Trường cấp II Liên Sơn (nay là Trường Trung học Cơ sở Tam Sơn) vẫn nhớ như in, Khi đó, tại sân trường, Bác đã khen và ân cần dặn các cháu thiếu nhi: Các cháu đã làm nghìn việc tốt, thế là tốt. Các cháu cần giúp đỡ nhau và thi đua làm nghìn việc tốt chống đế quốc Mỹ cứu nước và xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Bác mong các cháu năm mới đều tiến bộ hơn năm qua.

Trước khi ra về, dưới gốc đa, Bác đề nghị toàn thể mọi người và bắt nhịp cùng hát bài “Kết đoàn”. Chính những cử chỉ của một vị lãnh tụ ân cần, gần gũi, đáng kính đã in sâu trong tâm trí của thầy và trò Trường cấp II Tam Sơn. Năm tháng trôi qua, “Cây đa Bác Hồ” trồng trong ngày Bác về thăm luôn được cán bộ và nhân dân xã Tam Sơn, nhất là các thế hệ thanh thiếu niên, nhi đồng - quê hương của phong trào “Nghìn việc tốt” trông nom, chăm sóc và là địa chỉ đỏ giáo dục cách mạng cho thế hệ trẻ. Đây cũng là lần cuối cùng, cán bộ và đồng bào tỉnh Hà Bắc được đón Bác Hồ về thăm.

Phát huy giá trị các di tích, địa danh

Nhận thức được giá trị của các di tích, địa danh Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và làm việc tại tỉnh Bắc Ninh, nhiều năm qua, một số địa phương, cấp ủy, chính quyền và nhân dân đã có nhiều chủ trương, biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị di tích, địa danh Bác Hồ về thăm như: xây dựng bia kỷ niệm, nhà lưu niệm, nhà truyền thống…; đồng thời kỳ công sưu tầm tài liệu, hiện vật, sách, báo về Chủ tịch Hồ Chí Minh với địa phương.

Đặc biệt, tháng 1/2025, Bắc Ninh đã triển khai khởi công Đền thờ Bác Hồ và Công viên Văn Miếu tại đường Lý Thái Tổ, phường Đại Phúc (thành phố Bắc Ninh). Sự kiện có sự tham dự của Tổng Bí thư Tô Lâm. Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng, không chỉ là nơi thể hiện tình cảm thiêng liêng và lòng biết ơn vô hạn của người dân cả nước và Bắc Ninh với Bác mà còn là địa chỉ để giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ. Từ đó, góp phần khơi dậy niềm tự hào, tạo động lực để các thế hệ người dân Bắc Ninh không ngừng học tập, lao động, đóng góp cho sự phát triển của quê hương ngày một giàu đẹp, văn minh.

Đền thờ không chỉ là nơi bày tỏ lòng kính yêu vô hạn của nhân dân tới Bác, mà còn là công viên lịch sử, văn hóa lưu giữ hình ảnh 18 lần Bác Hồ về thăm Bắc Ninh. Địa phương sẽ tập trung mọi nguồn lực để phấn đấu hoàn thành dự án trong năm 2025.

Đối với những địa điểm Bác Hồ về thăm, nhân dân và chính quyền địa phương luôn quan tâm, bảo tồn và phát huy giá trị. Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Trưởng phòng Văn hóa thông tin thành phố Từ Sơn, trong 18 lần về thăm tỉnh Bắc Ninh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 8 lần về thăm Từ Sơn. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Từ Sơn luôn khắc ghi ân tình và những lời căn dặn của Người trong việc chăm lo đời sống nhân dân, nâng cao dân trí, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, đẩy mạnh sản xuất, làm tốt công tác thủy lợi, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đổi mới tác phong, lề lối làm việc, chống tư tưởng bảo thủ, quan liêu, tham ô, lãng phí…

Đình Bảng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh về xem xét địa điểm dự kiến Quốc hội họp vào tháng 2/1946.

Đình Bảng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh về xem xét địa điểm dự kiến Quốc hội họp vào tháng 2/1946.

Bà Sái Thị Ngân, Phó trưởng Ban Quản lý di tích Đình Ngọc Tỉnh (xã Song Liễu, thị xã Thuận Thành) cho biết, trong chuyến thăm công trình thủy lợi Gia Thuận (thuộc công trình đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải) vào tháng 10/1958, Bác đã nói chuyện với nhân dân, ân cần hỏi thăm các phụ lão và động viên nhân dân Ngọc Tỉnh tích cực đào mương chống hạn, không trông chờ ỷ lại vào thiên nhiên. Để ghi lại dấu mốc quan trọng này, địa phương xây dựng Nhà Lưu niệm Bác Hồ. Nhân dân thôn Ngọc Tỉnh đã tình nguyện hiến 3.000m2 đất để xây dựng công trình. Đây là niềm tự hào của nhân dân địa phương, thể hiện lòng biết ơn của người dân nơi đây với Bác; đ là nơi tuyên truyền, giáo dục trực quan sinh động, góp phần đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Các di tích, địa danh gắn liền với sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và làm việc tại tỉnh Bắc Ninh đã trở thành “địa chỉ đỏ” trong hoạt động giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng, lý tưởng cách mạng và đạo đức cách mạng đối với mỗi cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các thế hệ trẻ trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Những lời căn dặn của Người thể hiện tính nhân văn sâu sắc; là bài học, động lực để Đảng bộ và nhân dân phấn đấu, xây dựng Bắc Ninh trở thành tỉnh giàu mạnh, văn minh.

Bài và ảnh: Thanh Thương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/phat-huy-gia-tri-cac-di-tich-dia-danh-bac-ho-den-tham-va-lam-viec-20250516175352204.htm