Phát huy giá trị của các di tích ở huyện Gio Linh

Qua 1 năm triển khai thực hiện kế hoạch lập hồ sơ khoa học, hồ sơ pháp lí, đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp đối với các di tích lịch sử trên địa bàn huyện Gio Linh đã có sự vào cuộc đầy quyết tâm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; huy động được nhiều nguồn lực để đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích lịch sử; giữ gìn và phát huy giá trị của các di tích trong việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, tinh thần cách mạng và lòng tự hào dân tộc cho cán bộ, nhân dân.

 Phát huy giá trị của các di tích trong việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, tinh thần cách mạng cho cán bộ, nhân dân. Ảnh: MĐ

Phát huy giá trị của các di tích trong việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, tinh thần cách mạng cho cán bộ, nhân dân. Ảnh: MĐ

Thực hiện Kế hoạch số 4525/KHUBND ngày 31/12/2013 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND ngày 31/7/2013 của HĐND tỉnh về đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp hệ thống di tích lịch sử văn hóa tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2013- 2020, huyện Gio Linh đã chủ động xây dựng kế hoạch lập hồ sơ khoa học, hồ sơ pháp lí, đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp đối với các di tích lịch sử trên địa bàn huyện giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025. Mục đích nhằm xác định trách nhiệm của các ngành, các cấp, các cơ quan liên quan, huy động các nguồn lực đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích lịch sử trên địa bàn huyện, làm cơ sở để tăng cường công tác quản lí nhà nước đối với các di tích; phát huy giá trị của các di tích nhằm giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, lòng tự hào dân tộc; đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu, học tập, sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân... Nguồn kinh phí sự nghiệp do Trung tâm Quản lí di tích và bảo tàng tỉnh bố trí để lập hồ sơ khoa học và đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp đối với các di tích và nguồn ngân sách huyện do UBND huyện bố trí để lập hồ sơ pháp lí và đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp đối với các di tích.

Nhìn chung, đa số các xã, thị trấn có di tích trên địa bàn huyện đã có sự quan tâm đến việc quản lí, xây dựng tôn tạo các di tích. Trong quá trình quản lí quy hoạch sử dụng đất từ huyện đến cơ sở đã quan tâm xác định vị trí cụ thể và dành quỹ đất phù hợp cho việc bảo tồn, xây dựng, tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích về lâu dài. Một số di tích mặc dù chưa có hồ sơ pháp lí, hồ sơ khoa học nhưng đã được các xã, thị trấn bảo tồn đầu tư xây dựng, tôn tạo, khoanh vùng bảo vệ, phát huy giá trị của di tích, làm nơi tưởng niệm, ghi dấu và tuyên truyền giáo dục truyền thống ở địa phương. Một số di tích đã được các xã, thị trấn dành quỹ đất khá rộng thuận lợi cho việc đầu tư, tôn tạo, bảo tồn, xây dựng và phát huy giá trị của di tích. Tiêu biểu như các xã: Gio An, Trung Sơn, Gio Hòa, Gio Mai, Gio Thành, thị trấn Gio Linh…

Chủ tịch UBND xã Gio An Hồ Xuân Hải cho biết: “Việc lập hồ sơ khoa học, hồ sơ pháp lí, đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp đối với các di tích lịch sử trên địa bàn xã Gio An đã được tiến hành đảm bảo đúng quy trình, quy định, đúng chức năng, thẩm quyền, đảm bảo tính chính xác, khách quan, pháp lí, khoa học. Xã Gio An có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như hệ thống khai thác và xử lí nước (14 giếng cổ), chùa Long Phước, Cồn Ràng, địa điểm chợ An Nha… Đây là những di tích lớn không chỉ xã Gio An mà còn đối với của tỉnh, là niềm tự hào của người dân địa phương về truyền thống văn hóa, lịch sử. Từ đó, cán bộ và nhân dân Gio An đã nỗ lực để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa. Với những việc làm thiết thực và ý nghĩa trong việc bảo vệ, chống xuống cấp và phát huy giá trị những loại hình di tích lịch sử cách mạng, di tích khảo cổ quan trọng đã được giữ gìn và phát huy giá trị cao trong việc giáo dục truyền thống, văn hóa, ý thức cách mạng cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là thế hệ trẻ, đồng thời góp phần quan trọng phát triển du lịch cộng đồng ở Gio An”.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Gio Linh có 63 di tích đã được xếp hạng, phân bố ở 19/21 xã, thị trấn, trong đó có 4 di tích được công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt; 5 di tích được công nhận là di tích cấp quốc gia; 54 di tích được công nhận là di tích cấp tỉnh. Trong 63 di tích được phân loại cụ thể như: Có 54 di tích thuộc loại hình di tích lịch sử cách mạng; 7 di tích thuộc loại hình văn hóa nghệ thuật; 2 di tích thuộc loại hình khảo cổ. Trên cơ sở thực trạng của hệ thống di tích trên địa bàn, các cơ quan, đơn vị liên quan, phối hợp với UBND các xã, thị trấn tiến hành rà soát, xác định lại vị trí đối với các di tích, lập danh sách các di tích chưa được xây dựng hồ sơ pháp lí, hồ sơ khoa học theo địa bàn từng xã, thị trấn. Tiếp tục đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp đối với các di tích. Xây dựng lộ trình thực hiện các nội dung công việc một cách hợp lí, huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, lồng ghép với các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội hằng năm của huyện và các xã, thị trấn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Dương Đức Hạnh cho biết, qua 1 năm tiến hành khảo sát, xác định vị trí và quỹ đất các di tích trên địa bàn huyện đã xác định, lập hồ sơ khoa học, hồ sơ pháp lí cho 15 di tích, 48 di tích còn lại đang triển khai thực hiện. Di tích đủ điều kiện để tiến hành đo vẽ, cắm mốc lập hồ sơ pháp lí (đợt 1) gồm có 26 di tích đã xác định được vị trí và đã có quỹ đất do UBND xã, thị trấn quản lí; di tích chưa đủ điều kiện để tiến hành đo vẽ, cắm mốc lập hồ sơ pháp lí gồm có 21 di tích, trong đó di tích đã xác định được vị trí nhưng chưa có quỹ đất do đất của hộ gia đình, cá nhân, tổ chức đang sử dụng là 18 di tích, di tích chưa xác định được vị trí 3 di tích. Trong thời gian tới, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn thực hiện tốt hơn việc lập hồ sơ khoa học, hồ sơ pháp lí, đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp đối với các di tích lịch sử trên địa bàn huyện. Trong đó, tập trung thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, di tích nào đủ điều kiện làm trước, di tích nào chưa đủ điều kiện làm sau. Ưu tiên các di tích thuộc loại hình lịch sử cách mạng, di tích khảo cổ quan trọng. Tiến hành làm việc với các tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất có liên quan đến di tích để thống nhất phương án dành quỹ đất cho các di tích đã xác định được vị trí nhưng chưa có quỹ đất. Tiến hành đo vẽ, lập hồ sơ pháp lí, cắm mốc cho các di tích đã đủ điều kiện và tiếp tục đo đạc, lập hồ sơ pháp lí, cắm mốc các di tích còn lại khi đủ điều kiện theo quy định của huyện; lập thủ tục, hồ sơ đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp đối với các di tích khi có đủ điều kiện.

Minh Đức

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=144886