Phát huy giá trị của Chiến thắng 30-4, đưa đất nước phát triển lên tầm cao mới
Sau một thời gian ngắn thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, 5 cánh quân của ta đã đánh chiếm toàn bộ mục tiêu chiến lược trong thành phố Sài Gòn.
Lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, lá cờ của Quân Giải phóng đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập-sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn, báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Thắng lợi đó là một mốc son chói lọi, một trang sử huy hoàng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, mở ra một kỷ nguyên mới-kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Để đi tới thắng lợi ấy, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã đoàn kết một lòng, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, từng bước đánh thắng các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai, tiến tới đánh đổ hoàn toàn ách thống trị của đế quốc, thực dân đã áp bức dân tộc ta trong suốt hơn 100 năm. Thắng lợi huy hoàng của dân tộc là do có Đảng, có Bác Hồ dẫn đường, chỉ lối, bất luận trong hoàn cảnh nào cũng luôn kiên định với mục tiêu giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân. Chiến thắng cũng bắt nguồn từ sự đoàn kết, nhất trí cao của toàn dân tộc nên đã tạo sức mạnh tổng hợp mà không một kẻ thù nào ngăn cản được. Chúng ta có quân đội anh hùng, bách chiến, bách thắng và bộ tham mưu ưu việt, luôn biết tạo thời cơ, chớp thời cơ, tổ chức đánh những đòn quyết định làm xoay chuyển cục diện, thế trận để giành chiến thắng. Trong thắng lợi đó còn có sự đoàn kết, giúp đỡ của các nước bạn bè và nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Trong chặng trường chinh hơn 30 năm đến thắng lợi huy hoàng, đã có hàng triệu người con ưu tú của đất Việt ngã xuống, hoặc để lại một phần xương máu trên chiến trường. Vì thế, giá trị của chiến thắng, giá trị của độc lập, tự do là rất lớn lao, cần phải được ghi nhớ, khắc sâu trong tâm khảm các thế hệ người dân Việt Nam, từ đó mà hình thành nên tư thế của người dân đất Việt.
Ngày nay, chúng ta đang thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với những thời cơ, thách thức đan xen. Giá trị, hào khí của Chiến thắng 30-4 một lần nữa cần được phát huy vào sự nghiệp xây dựng đất nước trong thời kỳ mới. Nhiệm vụ quan trọng là: Phải tiếp tục khẳng định và giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng đối với xã hội. Trải qua hơn 90 năm thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thực tiễn khẳng định là nhân tố quyết định tạo nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Để giữ vững vai trò lãnh đạo, Đảng cần tiếp tục giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, đẩy mạnh phê bình, tự phê bình, làm cho Đảng ngày càng trong sạch, trí tuệ, ngang tầm nhiệm vụ lãnh đạo trong thời kỳ mới. Chúng ta cũng cần đề cao việc phát huy nội lực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), tạo cơ sở vật chất, đưa đất nước ta sớm trở thành nước phát triển. Muốn thế phải tích cực nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn, tạo ra giải pháp có tính đột phá về phát triển nền kinh tế, giữ vững vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, tạo cơ chế thuận lợi để các thành phần kinh tế khác cùng phát triển. Thành quả của phát triển KT-XH phải gắn liền với bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân.
Trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chúng ta cần tích cực đi tắt, đón đầu về công nghệ, sớm đưa các ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất và quản lý, điều hành xã hội. Đồng thời phải đầu tư vào công tác giáo dục-đào tạo, nhằm tạo ra lực lượng lao động có trình độ cao, hình thành nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế tri thức. Thực tiễn đã chứng minh, không thể có một đất nước phát triển nhưng lại dựa trên nền tảng công nghệ cũ kỹ và lối tư duy lạc hậu. Với ý chí, quyết tâm và sự sáng tạo của một dân tộc đã từng đánh đổ những đế quốc sừng sỏ thì việc dù khó đến đâu, chúng ta vẫn có thể làm được, làm tốt.
Phát triển kinh tế, đổi mới khoa học-công nghệ phải gắn kết với nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh. Nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân có vững chắc thì mới có cơ sở để giữ vững hòa bình, ổn định, tạo điều kiện để KT-XH phát triển. Vì vậy, từ Trung ương đến địa phương phải quan tâm, chăm lo đến sự nghiệp quốc phòng của Đảng, thông qua việc quy hoạch khoa học, đầu tư hợp lý, xây dựng khu vực phòng thủ thật sự vững chắc. Đồng thời cần tập trung nguồn lực, tiếp tục xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên một số binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, mỗi cán bộ, chiến sĩ trong quân đội phải ra sức học tập, công tác, huấn luyện, quyết tâm xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, giỏi về tham mưu tác chiến, thực sự là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, đủ năng lực đánh thắng ngay từ trận đầu, ngày đầu và ứng phó thắng lợi các vấn đề an ninh phi truyền thống.
Thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của chúng ta có sự đóng góp quan trọng của sức mạnh đoàn kết quốc tế. Nên trong thời đại ngày nay, sự nghiệp phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc càng cần phải mở rộng các quan hệ quốc tế trên cơ sở thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ… là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, xây dựng hình ảnh một dân tộc Việt Nam kiên cường, anh dũng trước kẻ thù nhưng rất thân thiện, mến khách với bạn bè trên thế giới.
Đã 45 năm trôi qua, sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam đã giành thêm nhiều thành tựu to lớn, nhưng Chiến thắng 30-4 vẫn là một mốc son sáng chói, là niềm tự hào, kiêu hãnh của mỗi người dân Việt Nam. Chiến thắng đó sẽ mãi là động lực thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua mọi trở ngại, vững bước trên con đường đổi mới, tiếp tục đưa dân tộc Việt Nam đến những thắng lợi huy hoàng.