Phát huy giá trị Di sản Văn hóa Quốc gia Lễ hội Kỳ Yên Đình Dĩ An
Với đạo lý 'uống nước nhớ nguồn,' Lễ hội Kỳ Yên Đình Dĩ An (Bình Dương) là nghi lễ tôn vinh các bậc tiền nhân đã có công khai phá lập làng, tạo dựng cơ nghiệp cho thế hệ sau, cầu quốc thái dân an.
Ngày 2/8, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương tổ chức lễ công bố Di sản Văn hóa Phi Vật thể Quốc gia Lễ hội Kỳ Yên Đình Dĩ An tại thành phố Dĩ An.
Trước đó, tháng 2/2023, Lễ hội Kỳ Yên Đình Dĩ An đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Việc tổ chức lễ công bố thể hiện sự tri ân của thế hệ hôm nay đối với các nghệ nhân và bậc tiền nhân, qua đó tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sâu rộng về di sản văn hóa, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, khích lệ cộng đồng tự nguyện tham gia bảo vệ di sản.
Theo sử liệu còn ghi lại thì Đình Dĩ An được nhân dân nơi đây tạo lập vào khoảng nửa đầu thế kỷ 19, năm 1852. Đình được vua Tự Đức sắc phong.
Ban đầu Đình chỉ được xây dựng tạm bằng tranh tre, mái lá đơn sơ để phục vụ cho nhu cầu tâm linh của những người dân xa xứ, đến vùng đất Dĩ An mở ấp, lập làng.
Đến năm 1910, khi dân số nơi đây đông hơn, cuộc sống khá giả, nhân dân trong vùng đã cùng nhau góp công, góp của xây dựng lại ngôi Đình bề thế bằng gỗ quý, mái lợp ngói âm dương.
Trải qua thời gian hơn 100 năm tồn tại, tuy đã được trùng tu, sửa chữa nhiều lần, nhưng về cơ bản, Đình Dĩ An vẫn giữ được lối kiến trúc truyền thống và được đánh giá là một trong những ngôi đình có quy mô, kết cấu lớn bậc nhất khu vực Đông Nam Bộ.
Đặc biệt, hệ thống thờ tự được bài trí uy nghi, lộng lẫy; các bàn hương án, hệ thống các bao lam, khánh thờ, hoành phi, câu đối được sơn son thiếp vàng, chạm trổ cầu kỳ, tinh xảo.
Với những giá trị về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật kiến trúc, năm 2011, Đình Dĩ An được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh. Đến đầu năm 2019, đình được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp Quốc gia.
Trong nghiên cứu văn hóa dân gian truyền thống, ngôi đình được xem là chứng tích của sự hình thành, phát triển vùng đất và con người địa phương.
Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn,” Lễ hội Kỳ Yên là nghi lễ tôn vinh các bậc tiền nhân đã có công khai phá lập làng, tạo dựng cơ nghiệp cho các lớp kế thừa sau này có đời sống ấm no, hạnh phúc, quốc thái dân an.
Lễ hội Kỳ Yên Đình Dĩ An diễn ra từ ngày 15-17/11 Âm lịch hằng năm. Đến với lễ hội dịp này, du khách sẽ thấy được hệ thống thần linh thờ trong đình; dấu ấn của triều đại phong kiến thể hiện qua sắc phong, trang phục và đội hình tế lễ; thấy được văn tự cổ qua chúc văn, nghi xướng; thấy được đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây; thấy được ước vọng của người dân địa phương đối với các vị phúc thần và thấy được nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Không chỉ có giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc mà ý thức gìn giữ vốn cổ trong nghi thức tế lễ đã được người dân nơi đây gìn giữ nguyên vẹn hàng trăm năm qua. Về cơ bản, nghi thức cúng tế trong Lễ hội Kỳ Yên Đình Dĩ An nói riêng và hệ thống đình thần ở Bình Dương nói chung vẫn giống nhau về nghi thức lễ.
Nhưng riêng tại Lễ hội Kỳ Yên Đình Dĩ An còn giữ đầy đủ các giá trị truyền thống, đó là một sự chỉn chu về việc thực hành bài bản trong quy trình thực hiện các nghi thức lễ được trao truyền và gìn giữ qua nhiều thế hệ và tồn tại cho đến ngày hôm nay.
Lễ cúng tế trong Đại lễ Kỳ yên Đình Dĩ An diễn ra với 22 nghi thức liên tục, nối tiếp nhau, được bắt đầu từ nửa đêm 14 rạng ngày 15 và kết thúc vào chiều ngày 18 tháng 11 âm lịch, bao gồm các lễ như Lễ cúng Ngũ hành, lễ tế Ngọc Hoàng, cúng Tiền hiền-Hậu hiền, Lễ Nghinh sắc Ông, Lễ đọc kinh Cầu an, Lễ Chiêu vong-Chiêu u, Cúng Anh hùng-Liệt sỹ, Diễn Địa Nàng-bóng rỗi, Lễ an vị Ngũ hành Nương Nương, Lễ Thỉnh sanh, Lễ Túc yết, Lễ Xây chầu-Đại bội, lễ Đàn cả, và cuối cùng là Lễ Tống phong.
Các lễ cúng tại Lễ hội Kỳ Yên Đình Dĩ An mang ý nghĩa cầu an, cầu cho mưa thuận gió hòa và sâu xa hơn để củng cố đạo làm người, là sự trao truyền nét đẹp văn hóa giữa cổ và kim, từ những con người được sinh ra và lớn lên trên vùng đất của ông cha mình gầy dựng, đến những người mới đến định cư, tất cả họ đều đã coi nơi đây là điểm tựa tinh thần, là nơi để họ hướng về cội nguồn, tìm ký ức quê hương và hướng đến những giá trị tốt đẹp thể hiện lòng biết ơn của người sau đối với người trước, thể hiện nét đẹp văn hóa uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
Bên cạnh các lễ cúng với các nghi thức nghiêm trang, bài bản thì luôn có phần hội với nhiều hoạt động vui tươi, náo nhiệt như biểu diễn lân sư rồng, các tiết mục trống hội hay hát bóng rỗi..
Lễ hội Kỳ Yên Đình Dĩ An còn phản ánh sự giao lưu, hội tụ văn hóa, là minh chứng xác đáng nhất cho sự giao lưu, tiếp biến văn hóa của vùng đất này.
Các phong tục, tập quán của người miền Bắc, các nghi lễ của người miền Trung, tính cách, đặc trưng văn hóa của người miền Nam, nét văn hóa của người Hoa, người Chăm… đều thể hiện một sự giao lưu, hội tụ trên mảnh đất có nhiều thành phần tộc người định cư sinh sống.
Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa “Lễ hội Kỳ Yên Đình Dĩ An,” Bảo tàng tỉnh Bình Dương sẽ thực hiện tư liệu hóa “Lễ hội Kỳ Yên Đình Dĩ An” một cách tổng thể, hệ thống, đồng bộ; ghi lại tất các các hoạt động nghi lễ, lễ hội; lưu trữ phục vụ cho quá trình bảo vệ và phát huy tại đình Dĩ An nói chung và là tư liệu tham khảo cho các ngôi đình khác trên địa bàn tỉnh Bình Dương nói riêng.
Bảo tàng tỉnh sẽ phối hợp với Ban Quý tế Đình Dĩ An tổ chức những lớp truyền dạy nghi thức cúng đình, nghi thức thực hành nghi lễ cho thế hệ trẻ nhằm trao truyền, lưu giữ những giá trị truyền thống, góp phần gìn giữ, quảng bá loại hình di sản này trong đời sống nhân dân.
Công tác tuyên truyền giới thiệu Di sản Văn hóa này cũng được tăng cường trên các phương tiện thông tin đại chúng để quảng bá những giá trị tiêu biểu của di sản đến với du khách trong và ngoài nước./.