Phát huy giá trị di tích cách mạng – tự hào và tri ân
Di tích lịch sử cách mạng có vai trò quan trọng trong giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc đối với mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ. Trong nhiều năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền đã tích cực chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác bảo tồn các di tích lịch sử cách mạng và địa điểm ghi dấu những sự kiện lịch sử cách mạng; tích cực chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động 'về nguồn' cho các tầng lớp nhân dân.
Tượng đài lão dân quân Hoằng Trường anh hùng được quan tâm đầu tư trùng tu, xây dựng khang trang, bề thế.
Những “dấu son” trên con đường cách mạng
Về Hoằng Hóa vào những ngày đầu tháng 9, khắp các đường làng, ngõ xóm, cờ đỏ sao vàng phấp phới reo ca trong gió, hòa chung vào niềm vui, phấn khởi xen lẫn niềm tự hào của người dân nơi đây khi ngày Tết Độc lập đang đến rất gần. Những địa danh lưu dấu ấn cách mạng trên địa bàn huyện như: Di tích lịch sử cồn Ba Cây (xã Hoằng Thắng), cồn Mã Nhón (xã Hoằng Đạo), Tượng đài lão dân quân Hoằng Trường, Đài chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam (1964)... được đông đảo quần chúng nhân dân tìm về thắp nén tâm nhang, bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với đóng góp to lớn của các thế hệ cha ông để có được nền độc lập, cuộc sống hòa bình, ấm no hôm nay. Đặc biệt, tại các di tích lịch sử cồn Ba Cây, cồn Mã Nhón này đã từng diễn ra nhiều sự kiện lịch sử đánh dấu thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Hoằng Hóa (24–7–1945). Đây là cuộc khởi nghĩa đầu tiên, sớm nhất giành thắng lợi, ít đổ máu và hạn chế thiệt hại nhất; là thắng lợi mở đầu cho các cao trào khởi nghĩa giành chính quyền và đưa phong trào cách mạng toàn tỉnh phát triển đến đỉnh cao, góp phần cùng cả nước làm nên thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Trong không khí chớm lạnh đầu thu, chúng tôi ghé thăm làng Viên Nội (xã Thiệu Viên, huyện Thiệu Hóa) – nơi từng vinh dự, tự hào được Tỉnh ủy Thanh Hóa lựa chọn đặt trụ sở làm việc suốt thời kỳ từ 1967 – 1973. Tại đây, nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của tỉnh đã diễn ra. Dẫu thời gian đủ sức ăn mòn ký ức nhưng ngay trên chính mảnh đất Viên Nội này, lớp lớp thế hệ cháu con hôm nay vẫn còn khắc ghi mãi trong lòng sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Đúng 9 giờ sáng ngày 9–9–1969, tại hội trường lớn của Tỉnh ủy lúc bấy giờ (làng Viên Nội, xã Thiệu Viên), Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ tỉnh, Ủy ban Hành chính tỉnh tổ chức trọng thể Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Hàng ngàn đại biểu nhân dân, đại diện cho các dân tộc, tôn giáo, các ngành, các địa phương từ khắp nơi trong tỉnh về dự lễ truy điệu trong niềm đau thương vô hạn. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã thay mặt Đảng bộ, quân, dân trong tỉnh đọc điếu văn, nguyện ra sức thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người...
Chiến tranh chấm dứt, hòa bình lập lại ở nước ta sau khi Hiệp định Paris được ký kết vào ngày 27–1–1973, cơ quan Tỉnh ủy đã trở về trung tâm thị xã Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa) tiếp tục lãnh đạo các địa phương tăng cường khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, đẩy mạnh sản xuất, từng bước ổn định đời sống nhân dân, xây dựng hậu phương vững mạnh, đồng thời tích cực chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Trụ sở làm việc của cơ quan Tỉnh ủy ở làng Viên Nội trở thành “địa chỉ đỏ”, nhân chứng lịch sử sinh động, thuyết phục về những năm tháng hoạt động đầy khó khăn, vất vả nhưng cũng đầy tâm huyết, trách nhiệm và tình cảm gắn bó, đoàn kết một lòng của cấp ủy đảng và quần chúng nhân dân. Trong suốt thời gian cơ quan Tỉnh ủy làm việc tại đây, nhân dân địa phương đã dành sự quan tâm đặc biệt về cả vật chất lẫn tinh thần; ra sức đề cao cảnh giác, phòng gian bảo mật, trực chiến canh phòng nghiêm ngặt, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho cơ quan đầu não của tỉnh, góp phần thắng lợi vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung.
Chung sức bảo tồn, phát huy giá trị di tích
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh Thanh Hóa có 143 di tích và địa điểm lịch sử cách mạng, trong đó: 104 di tích lịch sử cách mạng đã được xếp hạng (34 di tích cấp quốc gia, 70 di tích cấp tỉnh); 39 địa điểm lịch sử cách mạng chưa được xếp hạng. Di tích và địa điểm lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh ta rất đa dạng về loại hình, bao gồm: Nhà dân, đình, chùa, đền, nghè, cầu, phà, bến, bãi, sân bay, chợ, hầm hào, công sự, trận địa, cơ quan, xí nghiệp, rừng, hang động...
Nhằm phát huy giá trị truyền thống yêu nước, cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ và tri ân công lao, sự đóng góp của các thế hệ đi trước cho sự nghiệp giải phóng, giành độc lập dân tộc của đất nước, công tác bảo tổn, phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng luôn được xem là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết của tỉnh Thanh Hóa. Ngày 27-5-2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVIII) đã ban hành Quyết định số 290–QĐ/TU về Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2016 – 2020. Trong phần nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nêu rõ: Tập trung khai thác thế mạnh của các nhóm tài nguyên du lịch. Cụ thể, đối với nhóm di tích lịch sử cách mạng – nơi thành lập các chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa: Cụm di tích Hàm Hạ (Đông Sơn), nhà thờ họ vương (Thiệu Hóa), nhà thờ cụ Lê Văn Sỹ (Thọ Xuân); Chiến khu Ngọc Trạo (Thạch Thành); Cụm di tích cách mạng Xuân Minh (Thọ Xuân); Đò Lèn (Hà Trung); bến phà Ghép (Quảng Xương); Đồi C4, cầu Hàm Rồng, trận địa pháo và Sở chỉ huy, Nhà máy Điện Hàm Rồng (TP Thanh Hóa)...
Trong nhiều năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp tổ chức các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng như: Tập trung kiểm kê, lập hồ sơ khoa học đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xếp hạng di tích; cắm mốc di tích; tổ chức bảo quản, tu bổ một số di tích trọng điểm đã bị xuống cấp; tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá, giáo dục truyền thống di tích lịch sử; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng... Đến tháng 6–2019, toàn tỉnh đã có 43 di tích và địa điểm lịch sử cách mạng (đạt 30%) đã được cắm mốc hoặc đã được xây dựng tường rào bảo vệ di tích, điển hình có: Đình Hàm Hạ, nhà ông Lê Oanh Kiều, nhà ông Phạm Văn Huống, nhà thờ họ Vương, cồn Mã Nhón, cồn Ba Cây, cây đa làng Si, đình Ngọc Vực, chùa Xuân Áng, di tích Yên Trường, Lò cao kháng chiến Hải Vân... Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 77 di tích và địa điểm lịch sử cách mạng được bảo quản, tu bổ, phục hồi với tổng kinh phí khoảng 300 tỷ đồng. Các nguồn vốn huy động từ xã hội hóa đầu tư cho công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực, một số công trình thu hút được nguồn vốn lớn do các hội viên, đoàn viên của các tổ chức chính trị, xã hội đóng góp, tiêu biểu: Khu tưởng niệm đồng chí Lê Hữu Lập, Tượng đài lão dân quân Hoằng Trường...
Di tích lịch sử cách mạng là minh chứng về niềm tin, lý tưởng, ý chí, nghị lực và ghi dấu chiến công của các chiến sĩ cách mạng trung kiên, nguyện hiến dâng cuộc đời mình cho lý tưởng cao đẹp của Đảng và sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Bởi vậy, di tích lịch sử cách mạng được xem như “địa chỉ đỏ”, có sức lay động, nhân lên niềm tự hào đối với mỗi người; noi gương những người đi trước, hăng hái lao động, học tập, dựng xây đất nước, quê hương ngày càng giàu mạnh, phát triển.