Phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Nặm Lìn - nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng
Cách đây 95 năm, ngày 1/4/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng được thành lập, ghi mốc son vô cùng quan trọng trong trang sử vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Cao Bằng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với đường lối đúng đắn, sáng tạo, trực tiếp là Chi bộ Nặm Lìn, sau đó là Đảng bộ tỉnh, Cao Bằng đã trở thành một trong những nơi khởi đầu dòng thác cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc. Di tích lịch sử Nặm Lìn - Nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng trở thành địa điểm quan trọng trong hệ thống di tích lịch sử - văn hóa của tỉnh, trở thành 'địa chỉ đỏ' trên hành trình về nơi quê hương cội nguồn cách mạng.
Với vị trí trọng yếu nơi biên cương phía Đông Bắc của Tổ quốc và truyền thống yêu nước, đấu tranh bất khuất được hun đúc trong suốt chiều dài lịch sử, nhân dân các dân tộc Cao Bằng đã sớm giác ngộ cách mạng. Sau khi tiếp thu con đường cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc truyền bá, đồng chí Hoàng Đình Giong với tư cách là người phụ trách Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Long Châu (Trung Quốc) đã ra sức chỉ đạo xây dựng cơ sở Hội, chọn cử được nhiều thanh niên người Cao Bằng đã được giác ngộ cách mạng sang Long Châu học tập tại các lớp huấn luyện rồi lại đưa về Cao Bằng hoạt động. Cuối năm 1928, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên kết nạp thêm đồng chí Hoàng Văn Nọn (tức Hoàng Như, Hoàng Vĩnh Tuy, Văn Tân, Tú Hưu); năm 1929, kết nạp thêm Lê Đoàn Chu (tức Lê Mới, Nam Cao). Sau khi kết thúc khóa học, nhiều đồng chí đã được cử về Cao Bằng để tuyên truyền vận động, tổ chức các cơ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng Cao Bằng.
Tháng 12/1929, các đồng chí Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Nọn, Hoàng Văn Thụ được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng và tuyên bố thành lập Chi bộ Hải ngoại Long Châu (Trung Quốc) do đồng chí Hoàng Đình Giong làm Bí thư. Sau Hội nghị thành lập Đảng (ngày 3/2/1930), Chi bộ Hải ngoại Long Châu trở thành Chi bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Hoàng Đình Giong, đầu năm 1930, chi bộ Hải ngoại Long Châu cử đồng chí Hoàng Văn Nọn về Cao Bằng hoạt động để chuẩn bị tiến tới thành lập tổ chức Đảng ở Cao Bằng. Chỉ 2 tháng sau ngày Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 1/4/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng được thành lập tại Nặm Lìn, xã Hoàng Tung, châu Hòa An (nay là huyện Hòa An) gồm ba đồng chí: Hoàng Văn Nọn, Lê Đoàn Chu và Nông Văn Đô (tức Bích Giang, Cát Lợi) do đồng chí Hoàng Văn Nọn làm Bí thư. Ngay từ khi mới thành lập, chi bộ Nặm Lìn đã thực hiện chức năng nhiệm vụ của Tỉnh ủy lâm thời, lãnh đạo phong trào cách mạng trong toàn tỉnh. Đây là một trong những chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời sớm tại vùng miền núi biên giới phía Đông Bắc của Tổ quốc, đánh dấu sự phát triển vượt bậc của phong trào cách mạng Cao Bằng vững bước đi lên dưới ngọn cờ quang vinh của Đảng, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, cho tới khi giành được thắng lợi hoàn toàn.

Di tích lịch sử Nặm Lìn được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 13/2/1995.
Với ý nghĩa và tầm vóc của sự kiện lịch sử thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng, Di tích lịch sử Nặm Lìn được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 13/2/1995.
Nhận thức vai trò, ý nghĩa và giá trị của Khu di tích lịch sử Nặm Lìn đối với công tác giáo dục truyền thống cách mạng, trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm, đầu tư, bảo tồn và phát huy giá trị của Khu di tích, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn về giá trị lịch sử văn hóa, trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mình trong việc bảo tồn, gìn giữ di tích.
Trong công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống về Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng, Đảng bộ, chính quyền từ cấp tỉnh đến các địa phương, cơ quan, đơn vị đã chú trọng, tích cực chỉ đạo triển khai tổ chức đa dạng các hình thức tuyên truyền kỷ niệm trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên trang mạng xã hội; tranh cổ động; xây dựng các phim chuyên đề kỷ niệm Ngày thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh, phim tài liệu, phóng sự về Khu di tích; tuyên truyền thông qua các hoạt động về nguồn; xây dựng các bộ triển lãm chuyên đề trưng bày phục vụ các ngày lễ, sự kiện lớn trong và ngoài tỉnh; đẩy mạnh trao đổi chuyên môn nghiệp vụ với các cơ quan chuyên môn liên quan; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; đưa giáo dục di sản nói chung, di tích nói riêng vào trường học; gắn cộng đồng cùng tham gia trực tiếp vào quá trình quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích...
Hằng năm, các cơ quan, đoàn thể trên địa bàn tỉnh thường xuyên tổ chức hoạt động giáo dục truyền thống phù hợp, có hình thức và nội dung phong phú tại Khu di tích lịch sử Nặm Lìn. Nơi đây đã thực sự trở thành “địa chỉ đỏ” thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập. Các cơ quan, đơn vị, nhà trường, các tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp thanh niên cấp tỉnh, cấp huyện, Thành phố, Đoàn, Hội cơ sở thường xuyên tổ chức các hoạt động gắn với địa chỉ đỏ với nội dung và hình thức phong phú, thiết thực, ý nghĩa như: tham quan trải nghiệm, học tập, sinh hoạt chuyên đề, tổ chức lễ báo công, dâng hoa, kết nạp đảng viên, đoàn viên, đội viên, thiết kế các ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền, giới thiệu về Khu di tích lịch sử Nặm Lìn…

Khu di tích lịch sử Nặm Lìn là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống đối với thế hệ trẻ.
Việc phát huy giá trị của Khu di tích lịch sử Nặm Lìn trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cùng với hệ thống di tích lịch sử văn hóa và kho tàng văn hóa phi vật thể của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, Khu di tích lịch sử Nặm Lìn đã đón nhiều đoàn khách đến tham quan, nghiên cứu học tập, tổ chức các hoạt động trải nghiệm... Qua đó góp phần giáo dục, nâng cao nhận thức cách mạng, lịch sử cội nguồn, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần quảng bá và tác động tích cực vào sự phát triển du lịch và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để tiếp tục phát huy có hiệu quả hơn nữa giá trị của Khu di tích lịch sử Nặm Lìn với vị trí, vai trò của một địa điểm diễn ra sự kiện trọng đại của tỉnh Cao Bằng, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị của Khu di tích bằng nhiều hình thức, như: đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông; xuất bản các ấn phẩm như sách, tờ rơi, vileo clip, phim tư liệu… phục vụ cán bộ, đảng viên và du khách khi đến học tập, tham quan tại Khu di tích; tổ chức triển lãm ảnh lưu động phục vụ nhân dân các địa phương trong tỉnh.
Hai là, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là cho thế hệ trẻ. Tăng cường tổ chức các hoạt động dâng hoa, các sự kiện chính trị, hoạt động văn hóa; các buổi lễ kết nạp đảng viên, đoàn viên, hội viên, đội viên mới; lễ báo công, sinh hoạt chính trị, gặp mặt, tọa đàm…ngay tại Khu di tích.
Ba là, tiến hành nghiên cứu các di tích liên quan đến hoạt động cách mạng của các đồng chí trong Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên trên địa bàn tỉnh Cao Bằng và các tỉnh, thành phố khác để xây dựng các bài thuyết minh, thuyết trình giới thiệu về Khu di tích phong phú, sinh động hơn; tạo sự gắn kết giữa Khu di tích lịch sử Nặm Lìn với các di tích khác trong hệ thống di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh và khu vực.
Bốn là, cần quy hoạch phát triển du lịch gắn với hệ thống các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trong tỉnh để tạo ra mạng lưới du lịch liên hoàn, hấp dẫn thông qua việc khai thác những giá trị của Khu di tích lịch sử Nặm Lìn với các di tích lịch sử - văn hóa trong tỉnh và trong khu vực; thực hiện việc liên kết các khu di tích, điểm di sản trong phát triển du lịch, gắn Khu di tích Nặm Lìn vào các tuyến du lịch phù hợp nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch gắn với các di tích lịch sử.
Năm là, tiếp tục đầu tư nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ tạo điều kiện cho nhân dân thuận lợi khi đến thăm quan di tích, như: đường giao thông, điện, nước và các hạ tầng phụ trợ khác,… bảo đảm các nhu cầu thiết yếu phục vụ khách tham quan; tổ chức tốt các dịch vụ đồng bộ đi kèm với phát triển du lịch tại khu di tích như dịch vụ về lưu trú, về ẩm thực, vui chơi giải trí, quà lưu niệm, chụp ảnh lưu niệm… hướng tới xây dựng thành điểm du lịch chuyên nghiệp, thu hút du khách quay trở lại tham quan, du lịch. Tăng cường nhân lực quản lý, bảo vệ, phục vụ, bảo đảm vận hành hoạt động tại Khu di tích.
Sáu là, nghiên cứu ứng dụng công nghệ tại Khu di tích để phát triển “du lịch thông minh” nhằm đánh thức và khai thác mạnh tiềm năng di sản văn hóa phục vụ đa dạng cho các hoạt động tham quan, trải nghiệm di tích… trong đó có hướng đến phục vụ du khách tham quan trực tuyến, với nhiều sản phẩm dịch vụ mới như xây dựng và triển khai ứng dụng tham quan ảo, đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thuyết minh tự động thông minh tại di tích, các hiện vật hoặc di sản nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu tìm hiểu, học tập, nghiên cứu… của cán bộ, đảng viên, nhân dân và du khách.