Phát huy giá trị ngành hàng tiềm năng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp
ĐTO - Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua, huyện Cao Lãnh triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phát huy tiềm năng, lợi thế từng ngành hàng chủ lực. Trong đó, từng bước thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp dựa trên đổi mới tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học và công nghệ, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thực hiện chuỗi giá trị ngành hàng gắn với mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm...
Theo UBND huyện Cao Lãnh, đến cuối năm 2023, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của toàn huyện đạt 2.273ha, đạt 90,9% kế hoạch, liên kết sản xuất và tiêu thụ đạt 11,68% sản lượng cây ăn trái (vượt 1,68% kế hoạch); diện tích liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa đạt hơn 25.700ha (vượt 2,9% kế hoạch); toàn huyện hiện có 67 sản phẩm OCOP gồm 21 sản phẩm OCOP 4 sao và 46 sản phẩm OCOP 3 sao.
Triển khai thực hiện đề án của tỉnh về chuyển đổi số trong nông nghiệp, toàn huyện có 38,5% nông dân biết ứng dụng công nghệ internet vạn vật (IoT) vào quy trình sản xuất, khai thác thông tin cung - cầu thông qua mạng internet, mua bán trực tuyến (đạt 64,2% kế hoạch); có 100% sản phẩm OCOP có mặt trên các sàn thương mại điện tử; xây dựng 17,4% ấp đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 43,6% kế hoạch), 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 66,67% kế hoạch); 91,2% hộ dân được cung cấp nước đạt chuẩn (đạt 92,8% kế hoạch).
Huyện tiếp tục triển khai các giải pháp thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng chuỗi giá trị các ngành hàng chủ lực. Các địa phương đã tổ chức lại sản xuất, sản xuất theo hướng tích hợp đa giá trị gắn kết với thị trường tiêu thụ, thực hiện các quy trình sản xuất an toàn, xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các hợp tác xã để làm đầu mối liên kết với doanh nghiệp, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.
Với ngành hàng lúa gạo, huyện tập trung vào công tác tổ chức lại sản xuất để hình thành vùng lúa chất lượng cao và khâu giống được xác định là then chốt, cùng với hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, đảm bảo tưới tiêu thuận lợi, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, áp dụng cơ giới hóa tất cả các khâu từ làm đất, chăm sóc đến thu hoạch... gắn với phát triển nhãn hiệu Gạo Sạch Cao Lãnh. Hàng năm, diện tích sản xuất lúa 81.500ha, sản lượng 534.840 tấn, có khoảng 90% diện tích lúa chất lượng cao; khoảng 95% diện tích áp dụng các biện pháp giảm giá thành, qua đó đã giúp năng suất tăng từ 100 - 300kg/ha, giảm giá thành sản xuất 50 đồng/kg, lợi nhuận tăng thêm khoảng 22 triệu - 26 triệu đồng/ha.
Đối với ngành hàng xoài, huyện đã hình thành vùng chuyên canh tập trung với tổng diện tích 5.363ha, sản lượng thu hoạch trong mùa thuận khoảng 64.354 tấn. Việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất xoài (theo quy trình VietGAP, theo hướng hữu cơ, tưới bằng hệ thống tự động...) gắn với xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, giúp ổn định đầu ra sản phẩm.
Toàn huyện có 319,4ha sen, sản lượng 1.916 tấn gương/năm, lợi nhuận bình quân 56,13 triệu đồng/ha. Thời gian qua, huyện tập trung phát triển ngành hàng sen theo hướng hiệu quả, chất lượng, an toàn, giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bền vững.
Ngoài ra, với ngành hàng cá điêu hồng, huyện duy trì vùng nuôi ở các xã: Bình Thạnh, Mỹ Hiệp, Mỹ Long và Mỹ Xương với 2.005 lồng, bè, sản lượng hàng năm ước đạt 27.110 tấn. Ngành chức năng và các địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động các hộ dân sản xuất theo hướng an toàn, đảm bảo môi trường vùng nuôi (có 459 lồng/65 hộ cam kết sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm).
Thời gian qua, huyện thực hiện xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Ổi Lê Cao Lãnh”, “Sầu Riêng Cao Lãnh” nhằm nâng cao chuỗi giá trị; duy trì, phát huy hiệu quả chứng nhận nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm hàng hóa: Xoài Cao Lãnh, Xoài Cát Chu Cao Lãnh, Chanh Cao Lãnh, Cá Điêu Hồng Bình Thạnh, Tôm Nhị Mỹ và Gạo Sạch Cao Lãnh; hỗ trợ truy xuất nguồn gốc 3 sản phẩm: ổi, sầu riêng, ớt trên địa bàn xã Mỹ Hiệp, Bình Hàng Tây, Mỹ Long và Tân Nghĩa; xây dựng, cấp và quản lý mã số vùng trồng cho các loại cây trồng chính như: lúa, cây ăn trái tại vùng sản xuất tập trung, truy xuất nguồn gốc nông sản nhằm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Đến nay, huyện được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số 403 vùng trồng diện tích 31.293,42ha; đang đề nghị cấp mã số vùng trồng cho 205ha... góp phần liên kết, tiêu thụ các mặt hàng chủ lực nhằm tạo đầu ra ổn định cho nông sản, tăng thu nhập cho người dân...
Huyện Cao Lãnh phấn đấu đến năm 2025, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt từ 2.500ha trở lên, liên kết sản xuất và tiêu thụ đạt 18% sản lượng cây ăn trái; diện tích liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa hàng năm đạt từ 27.000ha trở lên. Đến năm 2025, có 15 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 4 sản phẩm OCOP đạt 4 sao và 3 sản phẩm OCOP đạt 5 sao. Triển khai thực hiện Đề án của tỉnh về chuyển đổi số trong nông nghiệp, huyện phấn đấu có trên 50% cơ sở dữ liệu về sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn được số hóa, 80% thủ tục hành chính thuộc ngành nông nghiệp quản lý đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; trên 60% nông dân biết ứng dụng công nghệ internet vạn vật (IoT) vào quy trình sản xuất, khai thác thông tin cung - cầu thông qua mạng internet, mua bán trực tuyến; 100% sản phẩm OCOP tham gia trên các sàn thương mại điện tử. Huyện chú trọng phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường...
Để đạt được những mục tiêu đề ra, huyện Cao Lãnh tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang kinh tế nông nghiệp, thực hiện liên kết trong sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu lớn đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của các doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện mô hình sản xuất kiểu mẫu gắn với mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời phát triển kinh doanh thương mại điện tử để tăng thêm giá trị kinh tế số gắn với thúc đẩy phát triển xã hội số và chính quyền số; triển khai thực hiện mô hình phát triển kinh tế nông thôn hiệu quả theo hướng tích hợp đa giá trị; tăng cường phối hợp với các viện, trường chuyển giao khoa học, công nghệ, quy trình sản xuất, chế biến, xây dựng các mô hình canh tác tiên tiến, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu...