Phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng và phát triển địa phương nói riêng và đất nước nói chung, định hướng của tỉnh Bình Dương là lấy giá trị văn hóa, con người làm mục tiêu, động lực nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Bài 1: Lấy giá trị văn hóa, con người làm mục tiêu, động lực
Từ đặc trưng văn hóa
Tại hội nghị học tập chuyên đề “Phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc” vừa được Tỉnh ủy tổ chức, Giáo sư - Tiến sĩ Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng văn hóa xuất hiện trong tất cả các mặt của đời sống. Trong chính trị, văn hóa thể hiện ở nghệ thuật lãnh đạo. Văn hóa cũng thể hiện trong vấn đề ngoại giao... chứ không phải chỉ gói gọn trong công việc của phòng văn hóa, sở văn hóa. Giáo sư - Tiến sĩ Vũ Minh Giang đề nghị Bình Dương cần nhận thức lại đặc tính văn hóa của mình, từ đó phát huy những ưu điểm, những kết quả đạt được, đồng thời khắc phục hạn chế để phát triển bền vững.
Nghiên cứu về đặc thù văn hóa của Bình Dương, thạc sĩ Trần Duy Khương, trường Đại học Thủ Dầu Một, cho rằng văn hóa địa phương được xây dựng trên cơ sở đất và người nơi đây. Vùng đất Bình Dương mang đầy đủ những nét đặc trưng về địa chất, địa hình, sông ngòi, khí hậu, hệ sinh vật... của cả khu vực Đông Nam bộ. Theo đó, nguồn tài nguyên hình thành dựa trên điều kiện tự nhiên nơi đây cũng rất phong phú. Có rất nhiều tài nguyên tự nhiên đã được tận dụng vào việc kiến tạo các sản phẩm văn hóa (như tour du lịch, các kịch bản truyền thông, các sự kiện văn hóa...): Hồ Dầu Tiếng, sông Sài Gòn, sông Bé, suối Trúc, núi Châu Thới. Ngoài tài nguyên tự nhiên, thì nguồn tài nguyên sinh thái nhân tạo dựa trên điều kiện tự nhiên ở nơi đây cũng mang nhiều dấu ấn cho văn hóa Bình Dương, như vườn trái cây Lái Thiêu, làng tre Phú An, khu sinh thái Cù lao Rùa...
Người Bình Dương sẵn sàng mở rộng lòng để đùm bọc nhau. Trong ảnh: “Phiên chợ vui” dành tặng những phần quà ý nghĩa cho công nhân lao động và hộ gia đình khó khăn của phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một
Tính cách đặc trưng làm nên nét khác biệt của người Bình Dương là tính thiết thực và tính mở thoáng. Điều này thể hiện rõ ở việc người Bình Dương sẵn sàng mở rộng lòng ra để đùm bọc nhau, không phân biệt kẻ đến trước người đến sau, kẻ xứ Thanh người xứ Quảng. Và, trong chính sách phát triển của Bình Dương luôn tạo điều kiện tối đa cho lao động ngoại tỉnh, phát huy tối đa năng lực sản xuất của người lao động, thực hiện chính sách thu hút nhân tài, cải cách hành chính...
Thạc sĩ Trần Duy Khương khẳng định: Văn hóa mang sức mạnh mềm trong quá trình vận hành xã hội, có tác dụng lâu dài trong việc điều chỉnh các quan niệm, thái độ, hành vi, hành động ở thành viên của cộng đồng xã hội ấy. Từ đó, tiềm lực kinh tế mới được nâng đỡ và phát huy sức mạnh. Quá trình phát triển diễn ra trên vùng đất Bình Dương trong suốt một phần tư thế kỷ đã cho thấy rằng, việc xây dựng đặc trưng văn hóa cho vùng đất Bình Dương là một việc rất quan trọng trong thời gian hiện nay. Người Bình Dương cần xây dựng đặc trưng tính cách riêng, trong đó, tính thiết thực và tính mở thoáng là hai đặc trưng then chốt.
Với xu hướng phát triển ngày càng mạnh mẽ trên vùng đất Bình Dương, hai đặc trưng tính cách đó cần phải được xây dựng theo nguyên lý nhất định: Lý tưởng dẫn dắt tinh thần thiết thực; ý thức tôn trọng pháp luật chỉ đạo tinh thần thoáng mở. Theo đó, để tính mở thoáng có điều kiện phát huy tối đa hiệu quả, người Bình Dương cần xây dựng tác phong công nghiệp, chuyên nghiệp, chấp pháp nghiêm túc, song song với việc chính quyền tạo mọi điều kiện thuận lợi về các thủ tục hành chính, tăng cường các chính sách thu hút đầu tư, đãi ngộ tốt đối với nhân tài. Có như thế, việc phát triển kinh tế mới được bảo đảm trong một môi trường xã hội ổn định, an toàn.
Nền tảng cho sự phát triển bền vững
Đại hội XIII của Đảng được xác định là dấu mốc tạo bước chuyển rất quan trọng, làm tiền đề cho các nhiệm kỳ tiếp theo để thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, cùng với việc đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế tri thức, cần thực hiện đồng bộ nhiều nội dung, giải pháp lớn; trong đó vấn đề xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam thời kỳ mới được Đại hội XIII của Đảng xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, vấn đề văn hóa, con người giữ vai trò cơ bản, quan trọng, được thể hiện ở nhiều nội dung trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Cụ thể, văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; đồng thời, coi trọng xây dựng và phát huy niềm tự hào dân tộc, ý chí tự cường, sức sáng tạo, tinh thần cống hiến vì đất nước, khát vọng phát triển thịnh vượng, lòng nhân ái, sự đồng thuận xã hội, tạo sức mạnh tổng hợp thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững. Đây là nội dung được nhấn mạnh và nhắc đến nhiều lần, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng trong phát huy giá trị văn hóa gắn với sức mạnh con người Việt Nam thời kỳ mới, phù hợp với xu thế phát triển khách quan của thời đại, sát với thực tiễn đất nước.
Bà Trương Thị Bích Hạnh, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cho biết ngày 25-2-2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 48-KH/TU để tổ chức học tập về nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị theo tinh thần Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII cho cán bộ chủ chốt các cấp trong toàn Đảng bộ tỉnh một cách thường xuyên và định kỳ hàng năm. Kế hoạch này nhằm giúp cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc về nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng, về tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong tình hình mới. Trên tinh thần đó, Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị thông tin chuyên đề: “Phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Đây là chuyên đề lớn đầu tiên nhằm triển khai Kế hoạch số 48.
Theo đó, Bình Dương phải lấy giá trị văn hóa, con người làm mục tiêu, động lực và là nền tảng cho sự phát triển bền vững. Vì vậy, các cấp ủy Đảng, từng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp tiếp tục nghiên cứu sâu sắc nội dung chuyên đề, từ đó liên hệ với thực tiễn việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị và chức trách, nhiệm vụ của từng cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là trong thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trong đó, cần tiếp tục phát huy những ưu điểm, kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa phong phú, lành mạnh, an toàn, tiến bộ vì mục tiêu cao, nhất là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. (còn tiếp)
Ngày 25-2-2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 48-KH/TU để tổ chức học tập về nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị theo tinh thần Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII cho cán bộ chủ chốt các cấp trong toàn Đảng bộ tỉnh một cách thường xuyên và định kỳ hàng năm.
Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/phat-huy-gia-tri-van-hoa-con-nguoi-viet-nam-a275790.html