Phát huy giá trị văn hóa truyền thống qua tên gọi đơn vị hành chính
Chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, phường không chỉ nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, mà còn mở ra cơ hội quý báu để phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của mỗi vùng đất. Việc lựa chọn tên gọi cho các đơn vị hành chính mới, nếu được thực hiện một cách khoa học, thận trọng và tâm huyết, sẽ không chỉ bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc mà còn góp phần khơi dậy niềm tự hào, tinh thần đoàn kết và phát triển bền vững ở mỗi địa phương.

Chợ Bến Thành, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh CTV)
Gìn giữ hồn cốt địa danh qua từng tên gọi
Theo Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cả nước sẽ thực hiện sắp xếp, sáp nhập khoảng 60 - 70% số đơn vị hành chính cấp xã. Đây là nhiệm vụ quan trọng, mang tính toàn diện và lâu dài, đòi hỏi mỗi địa phương phải thực hiện nghiêm túc, khoa học, đồng thời có cách tiếp cận nhân văn, thấu hiểu đời sống văn hóa của nhân dân. Trong đó, việc đặt tên các phường, xã mới trở thành chủ đề được quan tâm, bởi tên gọi không đơn thuần là một danh xưng hành chính, mà còn là biểu tượng lịch sử, là kết tinh ký ức tập thể và tinh thần cộng đồng.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều tên gọi phường mới được đề xuất dựa trên những địa danh mang giá trị văn hóa - lịch sử sâu sắc như Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn, Bến Thành, Cầu Ông Lãnh, An Đông... Những cái tên gợi nhắc về hành trình mở cõi, tinh thần khai phá, hội nhập của vùng đất phương nam, đồng thời tạo sự gần gũi với người dân, giúp dễ dàng tiếp nhận những thay đổi về hành chính.
Tên gọi "phường Sài Gòn" không chỉ gợi lên trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của thành phố, mà còn mang giá trị biểu tượng về sự phát triển, năng động và hội nhập quốc tế. Tương tự, "phường Chợ Lớn" là di sản quý báu của cộng đồng người Hoa, một biểu trưng của sự giao thoa văn hóa, thịnh vượng thương mại.
Tuy nhiên, ở một số địa phương, cách đặt tên mang tính cơ học, số hóa theo kiểu A1, A2... hoặc thêm định danh theo phương hướng như A Đông, A Tây... lại chưa thật sự phản ánh chiều sâu văn hóa, gây tâm lý xa lạ, thiếu gắn kết trong cộng đồng. Dư luận cho rằng, những tên gọi như vậy không chỉ thiếu bản sắc mà còn dễ làm phai nhạt ký ức địa phương, thậm chí làm mất "hồn cốt" của vùng đất đã gắn bó qua bao thế hệ.
Một số địa phương lại chọn ghép hai địa danh quen thuộc để hình thành tên mới theo cấu trúc A-B. Cách làm này tuy thể hiện sự trân trọng ký ức tập thể nhưng lại có phần dài dòng, thiếu linh hoạt trong sử dụng hằng ngày và quản lý hành chính.
Tôn vinh giá trị văn hóa, truyền thống
Tên gọi của một địa danh là kết tinh của lịch sử, là ký ức văn hóa được truyền qua nhiều thế hệ. Một cái tên phù hợp sẽ khơi dậy lòng tự hào, bồi đắp tinh thần yêu quê hương và tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Việc bảo tồn những tên gọi mang dấu ấn lịch sử như Trấn Biên (Đồng Nai), Sa Đéc (Đồng Tháp), Văn Miếu (Hà Nội)... không chỉ thể hiện sự tôn trọng với quá khứ mà còn là thông điệp giáo dục lịch sử đầy sức nặng. Tên "Sài Gòn" không chỉ là biểu tượng của một đô thị hiện đại, mà còn là di sản tinh thần gắn với hành trình mở cõi về phương nam, nơi hội tụ và giao thoa nhiều nền văn hóa.
Việc đặt tên phù hợp còn mở ra không gian cho phát triển du lịch văn hóa - lịch sử. Những địa danh như Chợ Lớn, Bến Thành, Cầu Ông Lãnh không chỉ nổi bật về giá trị lịch sử mà còn là "mỏ vàng" du lịch nếu được đầu tư khai thác hiệu quả. Tên gọi rõ ràng, giàu bản sắc sẽ giúp tạo dấu ấn riêng cho mỗi tour du lịch, mỗi câu chuyện vùng đất. Sẽ rất khác biệt khi nói "đi thăm phường Bến Thành" thay vì "đi phường số 1".
Ngoài ra, một tên gọi có chiều sâu văn hóa cũng góp phần gắn kết cộng đồng, tăng tính nhận diện và xây dựng thương hiệu địa phương. Thực tế tại Bến Tre, các phường mới giữ lại những tên như Mỏ Cày, Ba Tri, Chợ Lách, Đồng Khởi... không chỉ tạo cảm giác thân quen mà còn là cách để gìn giữ di sản tinh thần, truyền thống yêu nước của vùng đất anh hùng.
Hiện, Quốc hội chưa chính thức phê duyệt các đơn vị hành chính mới, do đó đây là thời điểm quan trọng để các địa phương tiếp tục rà soát, lắng nghe ý kiến chuyên gia, nhân sĩ, trí thức, người dân trong việc lựa chọn tên gọi cho phù hợp.
Dù đặt tên gọi như thế nào nhưng vẫn cần bảo đảm ba yếu tố, đó là ưu tiên các tên gọi giàu giá trị lịch sử, văn hóa, tránh cách đặt tên cơ học, khô khan. Những địa danh gắn với di tích, nhân vật, sự kiện hoặc mang sắc thái địa phương sẽ góp phần giáo dục truyền thống, tôn vinh di sản. Các địa phương cần tổ chức lấy ý kiến cộng đồng một cách thực chất, dân chủ, công khai. Các hội nghị nhân dân, các hình thức lấy ý kiến trực tiếp và trực tuyến cần được triển khai đồng bộ, nhằm bảo đảm sự đồng thuận, hạn chế tranh cãi.
Và cuối cùng cần đẩy mạnh công tác truyền thông và giáo dục sau khi tên gọi được phê duyệt. Việc xây dựng các nội dung truyền thông đa dạng như video, bản đồ, triển lãm hoặc tour tham quan theo chủ đề có thể giúp người dân hiểu rõ hơn về ý nghĩa của mỗi tên gọi, từ đó tăng cường niềm tin và sự gắn kết.
Việc đặt tên phường, xã mới sau sáp nhập là một việc làm hệ trọng, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa tư duy hành chính và nhãn quan văn hóa. Một cái tên đúng không chỉ thuận tiện cho quản lý mà còn lưu giữ hồn cốt của vùng đất, trở thành cầu nối giữa truyền thống và hiện đại. Đó cũng là cách để khẳng định bản lĩnh văn hóa của mỗi địa phương trên hành trình phát triển vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".