Phát huy giá trị Văn Miếu Sơn Tây trong văn hóa xứ Đoài

Thị xã Sơn Tây sẽ hoàn thành khôi phục dữ liệu cơ sở Văn Miếu; tiếp tục khai thác, phát huy giá trị di tích này trong nền văn hóa xứ Đoài.

Ngày 24/7, tại thị xã Sơn Tây (TP Hà Nội) đã diễn ra hội thảo về các nhà khoa bảng Sơn Tây và di tích Văn Miếu Sơn Tây.

Vùng đất Sơn Tây - xứ Đoài xưa nổi tiếng là nơi “địa linh nhân kiệt”, có truyền thống khoa bảng và hiếu học. Nơi đây đã sản sinh ra nhiều danh sĩ hiền tài, nhiều người đỗ đạt cao trong các kỳ thi thời phong kiến.

 Toàn cảnh Văn miếu Sơn Tây. Ảnh: TL

Toàn cảnh Văn miếu Sơn Tây. Ảnh: TL

Theo PGS.TS Bùi Xuân Đính (Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội), trong hơn 850 năm của nền giáo dục và khoa cử nho giáo, tỉnh Sơn Tây có 68 người đỗ đại khoa.

Các danh nhân người Sơn Tây đảm nhận các chức vị khác nhau trong bộ máy hành chính các cấp, trong đó có 4 người làm tể tướng và phó tể tướng, 12 người làm thượng thư. Một số người nổi tiếng với các hoạt động ngoại giao, văn hóa - giáo dục như Giang Văn Minh, Trần Văn Huy, Trần Cận, Phùng Khắc Khoan, Lê Anh Tuấn, Phan Huy Ích…

Về Văn Miếu Sơn Tây, đây là công trình nằm trong hệ thống 28 văn miếu cấp tỉnh của cả nước như Văn Miếu Mao Điền (Hải Dương), Văn Miếu Xích Đằng (Hưng Yên), Văn Miếu Trấn Biên (Đồng Nai)…

Đối với truyền thống khoa bảng của Sơn Tây, công trình Văn Miếu được cho là biểu tượng cho lòng hiếu học, cũng như thành tích rực rỡ mà các nhà khoa bảng của vùng đất xứ Đoài đạt được.

Theo sử sách, Văn Miếu Sơn Tây được xây dựng vào năm 1891. Công trình tọa lạc trên khu đồi thấp hình chữ nhật, có tường bao quanh bằng đá ong với kiến trúc độc đáo gồm hồ sen hình bán nguyệt, có 4 trụ cột hình vuông, phía trên có đắp hình cánh phượng của tiền môn, có 9 bậc đá cẩm thạch.

Diện mạo kiến trúc được lưu lại trong một tấm ảnh chụp đầu thế kỷ XX gồm cổng tam quan, lầu chuông, lầu trống xếp đặt theo quy tắc tả chung, hữu cổ, được dựng hình bát giác 2 tầng mái, tầng dưới 8 tầng mái, trên 4 mái.

Năm 2007, Văn Miếu Sơn Tây được tỉnh Hà Tây xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa. Trong những năm 2008 - 2018, Nhà nước đã đầu tư, tôn tạo lại các hạng mục trong khu di tích này. Tuy nhiên, Văn Miếu Sơn Tây hiện nay có nhiều hạng mục đã xuống cấp, ngoài 9 tấm bia và 2 chiếc khánh, nhiều di vật khác đã bị hư hỏng, thất lạc.

 Văn Miếu Sơn Tây hồi đầu thế kỷ XX. Ảnh do người Pháp chụp

Văn Miếu Sơn Tây hồi đầu thế kỷ XX. Ảnh do người Pháp chụp

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử đã cho ý kiến về bảo tồn, phát huy giá trị Văn Miếu Sơn Tây trong xu hướng phát triển công nghiệp văn hóa; khai thác, phát huy giá trị Văn Miếu Sơn Tây với vị thế là một điểm đến của du lịch học đường; phục dựng lại văn bia tại Văn Miếu Sơn Tây…

Theo ông Lê Đại Thăng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây, trong thời gian tới, thị xã sẽ hoàn thành khôi phục dữ liệu cơ sở Văn Miếu; tiếp tục khai thác, phát huy giá trị di tích này trong nền văn hóa xứ Đoài.

Trong đó, tổ chức các hoạt động khoa học, văn hóa, các sự kiện ý nghĩa, ứng dụng công nghệ 3D, Mapping, thực cảnh kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình... tại di tích; gắn kết di tích Văn Miếu với các di tích lớn khác trên địa bàn để xây dựng các tour, tuyến du lịch.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phat-huy-gia-tri-van-mieu-son-tay-trong-van-hoa-xu-doai-post304733.html