Phát huy giá trị vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám

Cách mạng Tháng Tám là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc ta. Cách đây 79 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã nhất tề nổi dậy tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, lật đổ chế độ thực dân và phong kiến, giành lấy chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Ngày 19/8/1945, hàng vạn người dân Thủ đô Hà Nội dự mít tinh tại Quảng trường Nhà hát lớn thành phố chào mừng thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám. Ảnh: TƯ LIỆU TTXVN

Ngày 19/8/1945, hàng vạn người dân Thủ đô Hà Nội dự mít tinh tại Quảng trường Nhà hát lớn thành phố chào mừng thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám. Ảnh: TƯ LIỆU TTXVN

Cuộc cách mạng vĩ đại

Tháng 8/1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới” và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương; đề ra ba nguyên tắc bảo đảm tổng khởi nghĩa thắng lợi, đó là: Tập trung, thống nhất, kịp thời. Lúc 23 giờ ngày 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 hiệu triệu toàn dân tổng khởi nghĩa.

Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân Trào thông qua “10 chính sách lớn của Việt Minh”; thông qua “Lệnh tổng khởi nghĩa”; quy định quốc kỳ, quốc ca; thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương, tức Chính phủ Lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi nhân dân cả nước tổng khởi nghĩa, trong đó chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Từ ngày 14 - 18/8, cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và ở các thị xã: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam... Ngày 19/8, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội... Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, Cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân.

Tại Quảng Ngãi, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang cách mạng Quảng Ngãi đã đoàn kết đứng lên giành chính quyền trong toàn tỉnh khá sớm, góp phần vào thắng lợi chung của Cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, giành chính quyền trong cả nước.

Trưa ngày 14/8/1945, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp và nhận định: Thời cơ khởi nghĩa đã đến, phải cấp tốc huy động quần chúng nổi dậy vũ trang khởi nghĩa, đánh đổ toàn bộ chính quyền địch, giành chính quyền về tay nhân dân. Từ nhận định này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 8 và số 9 gửi đến các cấp bộ, các lực lượng vũ trang trong tỉnh.

Vào hồi 16 giờ ngày 14/8/1945, tiếng trống khởi nghĩa vang lên từ Thi Phổ Nhất, xã Đức Tân (Mộ Đức) - nơi đóng cơ quan của Tỉnh ủy, rồi nhanh chóng lan đến các nơi khác trong tỉnh. Mệnh lệnh được truyền đến đâu thì lập tức nhân dân ở đó vũ trang, gậy gộc cùng các tổ chức tự vệ cứu quốc và du kích cứu quốc dưới sự lãnh đạo của tổ chức đảng và Việt Minh vùng lên khởi nghĩa. Tỉnh ủy chỉ thị cho Đại đội Phan Đình Phùng tiến đánh đồn Di Lăng, Sơn Hà, Trà Bồng, Châu Ổ; Đại đội Hoàng Hoa Thám tiến đánh đồn Ba Tơ, Minh Long, Nghĩa Hành, Mộ Đức.

Từ chiều và đêm 14/8, hầu hết các làng, xã dọc Quốc lộ 1, các lực lượng khởi nghĩa và nhân dân đã vùng dậy giành chính quyền. Riêng ở TX.Quảng Ngãi, khởi nghĩa chưa kịp tiến hành bên trong nội thị, nhưng ở bên ngoài quần chúng nhân dân đã nổi dậy, các lực lượng cứu quốc ở ga xe lửa đã huy động quần chúng chiếm ga và các vùng lân cận. Trong ngày 15 và 16/8/1945, các lực lượng tự vệ và nhân dân đã nổi dậy đánh chiếm các điểm trọng yếu của tỉnh lỵ Quảng Ngãi như đồn lính khố xanh, khố đỏ, sở mật thám, dinh tỉnh trưởng.

Đêm 15/8, tại hầu hết các làng, xã, phủ, tổng, huyện, kể cả TX.Quảng Ngãi và đảo Lý Sơn, nhân dân đã nổi dậy giành quyền làm chủ. Ngày 15/8/1945, Tỉnh ủy ra chỉ thị thành lập chính quyền cách mạng ở các làng, tổng, phủ, huyện, tỉnh. Đến rạng sáng ngày 30/8/1945, hàng chục vạn quần chúng từ khắp các địa phương trong tỉnh kéo về tỉnh lỵ cùng quần chúng nhân dân ở TX.Quảng Ngãi tham dự mít tinh chào mừng Lễ ra mắt UBND Cách mạng lâm thời tỉnh Lê Trung Đình...

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” lịch sử, trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới về sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Từ đây, đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Viết tiếp trang sử hào hùng

Thành quả vĩ đại và những bài học lịch sử vô giá của Cách mạng Tháng Tám trở thành hành trang, thành động lực thôi thúc toàn dân và toàn quân ta, dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiến hành các cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ trong suốt 30 năm, đánh thắng các thế lực thực dân, đế quốc xâm lược; lập nên những chiến công hiển hách mà đỉnh cao là chiến thắng vĩ đại Ðiện Biên Phủ năm 1954 và đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Ngày nay, trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân Quảng Ngãi tiếp nối truyền thống kiên cường chống giặc ngoại xâm của cha ông đi trước và vững vàng viết tiếp trang sử mới của sự nghiệp phát triển đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và đạt nhiều kết quả tích cực.

Từ chỗ hạ tầng công nghiệp lạc hậu, đến nay, Quảng Ngãi đã có KKT Dung Quất, các KCN VSIP, Quảng Phú, Tịnh Phong... được đầu tư hạ tầng đồng bộ, thu hút các dự án có quy mô lớn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Điển hình là giai đoạn 2021 - 2023, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân tăng 7,05%/năm. Chỉ tính năm 2023, tổng sản phẩm GRDP đạt hơn 61,5 nghìn tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.336 USD/người. Tổng thu ngân sách đạt hơn 30 nghìn tỷ đồng. Hạ tầng kinh tế được đầu tư phát triển đồng bộ. Đến nay, toàn tỉnh có 96/148 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 6/53 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, các chính sách an sinh xã hội và công tác giảm nghèo được tỉnh quan tâm thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực...

Phát huy giá trị vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám, Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân Quảng Ngãi đã nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Trong ảnh: Cảng xuất sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ảnh: THANH TRUNG

Phát huy giá trị vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám, Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân Quảng Ngãi đã nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Trong ảnh: Cảng xuất sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ảnh: THANH TRUNG

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng. Niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền các cấp tiếp tục được giữ vững. "Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đang nỗ lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Phấn đấu đến năm 2025, Quảng Ngãi trở thành tỉnh phát triển khá của Vùng miền Trung; tạo tiền đề đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển khá, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân chung của cả nước”, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân nhấn mạnh.

H.ANH - B.SƠN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/chinh-tri/202408/chao-mung-ky-niem-79-nam-ngay-cach-mang-thang-tam-thanh-cong-1981945-1982024-phat-huy-gia-tri-vi-dai-cua-cach-mang-thang-tam-82e3ec1/