Phát huy hiệu quả các chương trình hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thực hiện Nghị quyết số 120 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Tỉnh Sơn La đã triển khai lập dự án, tạo điều kiện hỗ trợ cho đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Cán bộ xã Nậm Lạnh huyện Sốp Cộp hướng dẫn người dân chăm sóc cây ăn quả

Cán bộ xã Nậm Lạnh huyện Sốp Cộp hướng dẫn người dân chăm sóc cây ăn quả

Mục tiêu của Chương trình là nhằm thu hẹp dần khoảng cá ch về mức sống, thu nhập vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi so với bình quân chung của cả nước; đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK); cơ bản không còn xã, thôn, bản ĐBKK. Theo đó, thời gian thực hiện Chương trình là 10 năm, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025; giai đoạn 2 từ năm 2026 đến năm 2030.

Về kinh phí thực hiện chương trình, Nghị quyết nêu rõ: Tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2021-2025, tối thiểu là 137.664 tỷ đồng. Trong đó: Ngân sách trung ương là 104.954 tỷ đồng; ngân sách địa phương: 10.016 tỷ đồng; vốn tín dụng chính sách: 19.727 tỷ đồng; vốn huy động hợp pháp khác: 2.967 tỷ đồng. Nguồn vốn của chương trình được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Tại tỉnh Sơn La thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. UBND tỉnh xác định việc đầu tư thực hiện Chương trình phải có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất.

Bảo đảm tính công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ, sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng, người dân; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số. Đa dạng hóa nguồn lực, trong đó ngân sách nhà nước là quan trọng và có ý nghĩa quyết định; huy động, khuyến khích sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình ở các cấp, các ngành; phòng, chống các biểu hiện tiêu cực trong quá trình thực hiện chương trình.

UBND tỉnh Sơn La đã giao cho Ban Dân tộc tỉnh chủ trì xây dựng các mẫu bảng biểu số liệu, mẫu báo cáo để xây dựng các Dự án, Tiểu dự án; kịp thời nghiên cứu các văn bản hướng dẫn của Trung ương để hướng dẫn các đơn vị thực hiện theo đúng quy định.

Ban Dân tộc tỉnh Sơn La đã tổ chức họp, thống nhất các nội dung số liệu với các ngành có liên quan để xây dựng từng dự án, tiểu dự án cụ thể để triển khai. Tổ chức thực hiện Chương trình phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc, các vùng miền gắn với củng cố quốc phòng, an ninh, chính trị, xã hội trên địa bàn.

Nguyễn Minh

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/phat-huy-hieu-qua-cac-chuong-trinh-ho-tro-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-84594.html