Phát huy hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Những năm gần đây, nhiều chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã phát huy hiệu quả, giúp tỉnh Lào Cai từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Trong đó, Chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững đã và đang đem lại nhiều lợi ích cho người dân nơi đây.
Là tỉnh miền núi, biên giới, với dân số trên 781,1 nghìn người, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm trên 66,2% (dân tộc Mông 26%, Tày 15%, Dao 14%, Giáy 4,3%, Nùng 4,3%...), công tác giảm nghèo được địa phương này xác định là nhiệm vụ quan trọng.
Thống kê cho thấy, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư 7.300 tỷ đồng xây dựng hạ tầng, hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, sinh kế, đào tạo chuyển đổi nghề, phát triển y tế, văn hóa, giáo dục... Đối với công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo, giai đoạn 2019 - 2023 tỉnh đã hoàn thành 4.552 nhà (xây mới 3.448 nhà; cải tạo, sửa chữa 1.104 nhà), đây là chương trình có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần đoàn kết, “tương thân tương ái” của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Để đạt được những kết quả đó, tỉnh Lào Cai đã huy động toàn hệ thống chính trị vào cuộc, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong công cuộc giảm nghèo.
Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động
Ông Lý Khánh Lâm, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai chia sẻ, hơn 6 héc ta cây chanh leo được đưa vào trồng tại thôn Phìn Ngan, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát hiện đang cho thu hoạch vụ đầu tiên với giá bán tại vườn là 30 - 40 nghìn/kg quả tươi. Riêng xã Trịnh Tường là xã vùng III của huyện Bát Xát, đời sống, thu nhập của người dân lâu nay vẫn chủ yếu phụ thuộc vào cây lúa, cây ngô nên còn rất nhiều khó khăn. Khi xã được thụ hưởng nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 (trong đó có nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ sản xuất), Phòng Nông nghiệp huyện đã nghiên cứu, tìm hiểu các giống cây con có giá trị kinh tế để đưa vào nuôi trồng nhằm từng bước cải thiện thu nhập cho bà con nông dân. Trong đó, cây chanh leo là một trong những cây trồng được lựa chọn để hỗ trợ bà con nông dân đưa vào trồng thử nghiệm. Bà con được hỗ trợ giống, phân bón và dây làm giàn; được cam kết bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Đến thời điểm này, tuy đang thu hoạch vụ đầu tiên nhưng quả chanh leo được giá, thu hoạch đến đâu, thương lái vào tận vườn mua đến đó nên bà con rất phấn khởi”, ông Lâm cho biết thêm.
Hiệu quả bước đầu là vậy, nhưng những ngày đầu tuyên truyền về chủ trương, chính sách cũng như vận động bà con tham gia dự án gặp rất nhiều khó khăn. Anh Lò Láo Tả, Bí thư Chi bộ thôn Phìn Ngan cho biết, bà con trong thôn lâu nay quen với cây ngô, cây lúa nên khi thấy chủ trương chuyển sang trồng cây chanh leo thì ban đầu không đồng thuận. Để bà con tin tưởng và tham gia, Bí thư Chi bộ thôn phải tiên phong nhận trồng 100 gốc. Rồi vừa kiên trì vận động, vừa triển khai trồng trên diện tích đất của gia đình mình, dần dần bà con cũng chấp nhận và tham gia vào dự án. Hiện nay, thôn Phìn Ngan có 15 hộ tham gia trồng cây chanh leo và nhiều hộ trong thôn cũng đang đăng ký đưa cây chanh leo vào trồng trên diện tích đất sản xuất của gia đình”, anh Tả chia sẻ.
Thôn Nậm Cọ, xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn có thế mạnh trồng cây quế. Diện tích trồng quế trong thôn ngày càng được mở rộng, góp phần “đổi đời” cho bà con nhân dân nơi đây. Trước đây, đường vào thôn rất khó khăn, khiến việc đi lại, giao thương hạn chế, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người dân. Nhưng khi tuyến đường giao thông vào thôn với chiều dài 1,5km được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng, đã mở ra cơ hội mới cho bà con trồng quế.
Ông Nguyễn Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã Khánh Yên Thượng chia sẻ, "những ngày đầu vận động bà con hiến đất mở đường, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều vị trí tuyến đường đi qua là rừng sản xuất của nhân dân nên nhiều người không đồng ý. Tuy nhiên, chúng tôi vừa tuyên truyền về chủ trương, vừa phân tích về lợi ích chung, rồi bà con cũng hiểu và chung tay cùng cấp ủy, chính quyền xã để làm giao thông".
Hiệu quả từ những chương trình hợp lòng dân
Trước đây, nguồn nước sinh hoạt cho cả gia đình ông Thào A Hờ ở thôn Phìn Chải 1, xã A Lù chủ yếu dẫn từ khe núi về. Vì thế, nguồn nước không ổn định, nhiều thời điểm bị mất nước, ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt của gia đình. Năm 2023, gia đình ông Hờ được hỗ trợ một bồn chứa nước inox và các thiết bị phụ trợ; qua đó, giúp gia đình yên tâm hơn rất nhiều vì có nước bảo đảm vệ sinh dùng hằng ngày. Từ ngày có bồn chứa nước bằng inox, người dân yên tâm hơn nhiều. Nước lúc nào cũng có sẵn trong bồn. Trước đây, nếu mưa lũ, người dân sẽ phải tìm nguồn nước mới nhưng mấy hôm rồi mưa lũ, gia đình vẫn có nước dùng, ông Hờ tâm sự.
Ông Lồ A Sính, Bí thư Đảng ủy xã A Lù cho biết, trước đây, bà con chủ yếu sử dụng bể xi măng, chum, vại… tích trữ nước sinh hoạt. Tuy nhiên, các dụng cụ chứa nước này không có nắp đậy, ít được vệ sinh nên thường xuất hiện nhiều loại ấu trùng tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Thời gian qua, có hàng trăm hộ dân được hỗ trợ bồn chứa nước theo Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia 1719. Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, huyện Bát Xát sẽ cấp 1.504 chiếc bồn chứa nước cho các hộ dân từ Chương trình. Tuy nhiên, đến thời điểm này, huyện đã cấp được 1.926 chiếc, vượt kế hoạch 422 chiếc. Riêng năm 2024, huyện đã triển khai cấp 2 đợt, với tổng số 1063 chiếc.
Có thể khẳng định, sau thời gian triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhất là Chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh Lào Cai đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực. Năm 2023, có 119 hộ được đầu tư nhà ở; 26 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho 3.560 hộ, giải ngân 19.386 triệu đồng; thực hiện hỗ trợ cho 163 hộ mua sắm máy móc, nông cụ phục vụ sản xuất; hỗ trợ 4.883 bồn chứa nước và 4.825m ống dẫn nước cho 4.883 hộ. Tỉnh thực hiện cho vay đất ở 2.410 triệu đồng với 49 khách hàng; cho vay nhà ở 9.807 triệu đồng với 247 khách hàng; chuyển đổi nghề 33.276 triệu đồng với 408 khách hàng. Việc triển khai có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần ổn định đời sống cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, tạo tiền đề vững chắc để người dân vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, vươn lên xóa đói, giảm nghèo.