Phát huy hiệu quả công trình nước sạch nông thôn ở Sơn Dương
Từ nguồn vốn của các chương trình, dự án, những năm qua, huyện Sơn Dương đã được đầu tư, xây dựng nhiều công trình cấp nước sạch, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng nghìn hộ dân ở nông thôn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa.
Trước đây, gia đình ông Trần Phúc Ninh, thôn Nhà Xe, xã Đông Lợi sống trong khu vực đất đá không khoan được giếng, phải đi xin nước sinh hoạt khắp nơi, rất vất vả. Từ khi có công trình nước sạch sử dụng, gia đình không phải đi xa để gánh nước nữa. Hiện với mức giá 3.000 đồng/m³, mỗi tháng gia đình ông trả 30.000 đồng/10 m³ nước sạch để sử dụng.
Người dân thôn Lục Liêu, xã Tân Thanh (Sơn Dương) sử dụng nước sinh hoạt
từ công trình nước sạch tập trung.
Công trình cấp nước sinh hoạt ở xã Đông Lợi được đầu tư xây dựng từ năm 2013, với tổng vốn trên 10 tỷ đồng do Trung tâm nước sạch và vệ môi trường nông thôn tỉnh đầu tư, đảm bảo cung cấp nước cho 450 hộ dân trong xã. Đặc biệt, năm 2017, từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới, công trình cấp nước sinh hoạt ở xã tiếp tục được đầu tư thêm hơn 7 tỷ đồng để nâng cấp hệ thống thiết bị, xây dựng bổ sung hố thu nước và các chi tiết phụ trợ kèm theo, cụm xử lý các điểm đấu nối...
Công trình hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng năm 2019, nâng số hộ sử dụng lên 1.167 hộ, đáp ứng nguồn nước sạch cho người dân ở 13/14 thôn. Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban quản lý công trình nước sạch xã Đông Lợi cho biết, để sử dụng và phát huy hiệu quả công trình này, xã đã thành lập ban quản lý công trình, thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống trang thiết bị kỹ thuật của công trình cấp nước. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, giữ gìn, bảo vệ các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung.
Đầu năm 2020, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Tân Thanh được đầu tư xây dựng 1 công trình nước sạch tập trung, với tổng vốn 2 tỷ đồng. Công trình đảm bảo cung cấp nước cho 175/177 hộ dân ở thôn Lục Liêu. Ông Phùng Ngọc Vinh, Chủ tịch UBND xã Tân Thanh cho biết, khi chưa có công trình cấp nước sinh hoạt, người dân trong thôn Lục Liêu chủ yếu sử dụng nước khe lạch trên núi, hoặc nước giếng khoan không qua hệ thống máy lọc, nên không đảm bảo vệ sinh. Do vậy, khi có chủ trương xây dựng công trình cấp nước sạch, nhiều hộ dân trong xã đã tham gia đóng góp ngày công lao động để đào, đắp các tuyến ống dẫn nước. Có nước sinh hoạt, đời sống của người dân trong xã đã được nâng lên nhiều. Hiện xã đang thành lập ban quản lý và bảo vệ công trình nước sinh hoạt, chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ bể chứa và đường ống dẫn nước.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Dương, toàn huyện hiện có 44 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn, trong đó 23 công trình đang hoạt động, 20 công trình không hoạt động. Giai đoạn năm 2015 - 2020, huyện được đầu tư xây dựng 7 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, với tổng vốn hơn 42 tỷ đồng, 3.467 hộ được sử dụng. Nhờ vậy, đến nay, tỷ lệ số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh trong toàn huyện đạt 91,5%, tỷ lệ hộ nghèo sử dụng nước sạch đạt 9,2%.
Để các công trình cấp nước sạch nông thôn phục vụ nhu cầu người dân hiệu quả, UBND huyện Sơn Dương đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng đối với các công trình kém chất lượng, cần được sửa chữa, cải tạo, nâng cấp để đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét đầu tư cải tạo nâng cấp. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý khai thác nguồn nước; kiểm soát chất lượng nước do các doanh nghiệp quản lý, khai thác công trình nước sạch nông thôn. Huyện đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, bảo vệ nguồn nước, công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung; nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc sử dụng nước, nộp tiền nước đầy đủ và tham gia quản lý, bảo vệ công trình theo đúng quy định.