Phát huy hiệu quả của kinh tế rừng

Các nhà khoa học đã nhận định trong kinh tế lâm nghiệp, gỗ chỉ chiếm 10% giá trị của rừng, 90% còn lại thuộc về các giá trị như: Sản xuất ra các chất hữu cơ, bảo vệ tài nguyên đất và nước, góp phần phòng chống lũ, lụt, hạn hán, điều hòa khí hậu, đảm bảo cân bằng môi trường sinh thái... Phát biểu trong phiên giải trình và trả lời chất vấn tại diễn đàn Quốc hội sáng ngày 10/11/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, thời gian gần đây, hiện tượng thiên tai, biến đổi khí hậu và thời tiết diễn ra ngày càng khốc liệt hơn, với tần suất dày hơn. Ngoài những thiệt hại về vật chất, chúng ta đau buồn khi bão lũ, các vụ sạt lở đất đã cướp đi sinh mạng của nhiều người dân vô tội. Do đó, chúng ta phải tiếp tục trồng cây gây rừng, làm cho Tết trồng cây trở thành một hoạt động thực chất hơn nữa theo lời dạy của Bác Hồ. Nhân đây, Thủ tướng Chính phủ đề xuất sáng kiến trồng 1 tỉ cây xanh trong 5 năm tới.

 Một cơ sở chế biến gỗ rừng trồng ở xã Cam Thành, huyện Cam Lộ - Ảnh: Đ.T

Một cơ sở chế biến gỗ rừng trồng ở xã Cam Thành, huyện Cam Lộ - Ảnh: Đ.T

Đối với tỉnh Quảng Trị, ngay từ những năm đầu lập lại tỉnh (tháng 7/1989), ngành Lâm nghiệp Quảng Trị đã tham mưu đạt hiệu quả cao về thực hiện các dự án trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc như các dự án: PAM, 773, 327, trồng mới 5 triệu ha rừng (dự án 661)... Nỗ lực này đã góp phần hình thành diện tích rừng lớn và chất lượng cao như hiện nay.

Căn cứ kết quả kiểm kê rừng năm 2017 được phê duyệt theo Quyết định số 07/ QĐ-UBND ngày 4/1/2017 của UBND tỉnh Quảng Trị, diện tích rừng và đất lâm nghiệp toàn tỉnh là 345.576 ha, trong đó: Rừng đặc dụng 68.894 ha; rừng phòng hộ 99.511 ha; rừng sản xuất 166.461 ha và rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 10.710 ha. Sau rà soát quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị thống nhất giữa các ngành hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp toàn tỉnh là 289.730 ha. Diện tích rừng trồng phục vụ nguyên liệu chế biến gỗ: 86.030,9 ha; trong số đó rừng có chứng chỉ FSC: 22.158 ha, chiếm 20% diện tích. Việc từng bước phát triển nâng cao chất lượng các loại rừng đã góp phần duy trì bền vững độ che phủ, cải thiện môi trường sinh thái, cung cấp nguyên liệu hằng năm trên 850.000 m3 cho ngành sản xuất, chế biến gỗ, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống cho người lao động trên địa bàn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 120 doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ, gỗ dăm. Trong đó có 2 nhà máy sản xuất ván gỗ MDF; 16 nhà máy sản xuất ván ghép thanh; 14 nhà máy sản xuất dăm gỗ; 10 nhà máy sản xuất viên nén và trên 70 nhà máy, cơ sở chế biến gỗ xẻ quy cách, chế biến gỗ rừng trồng và cưa xẻ gỗ. Các nhà máy, cơ sở chế biến gỗ, gỗ dăm hầu hết thuê đất trong khu công nghiệp, khu kinh tế tỉnh, các cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Một số nhà máy đầu tư chế biến sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm gỗ, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước như nhà máy ván gỗ MDF, ván ghép thanh, viên nén năng lượng góp phần gia tăng chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến. Nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy 1,4 triệu m3 /năm gỗ rừng trồng, vượt khả năng cung ứng trên địa bàn. UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến gỗ.

Với lợi thế về tiềm năng đất đai và nguồn nhân lực, ngành nông nghiệp đã phát triển trồng rừng trên diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp tăng so với đầu kỳ quy hoạch 23.621 ha; diện tích rừng trồng trên địa bàn tỉnh được cấp chứng chỉ FSC: 22.158 ha, trong đó: 3 công ty lâm nghiệp 20.282,2 ha và hộ gia đình 1.876,5 ha. Quảng Trị là tỉnh đi đầu trong cả nước thực hiện mô hình quản lý rừng bền vững gắn với việc cấp chứng chỉ rừng cho cả 2 đối tượng là doanh nghiệp và hộ gia đình. Việc cấp chứng chỉ rừng đã góp phần nâng cao giá trị kinh tế của rừng, ổn định đầu ra cho các sản phẩm từ rừng, góp phần giải quyết nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến hàng hóa xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn của thị trường quốc tế. Năng suất rừng tăng gấp 2 lần so với giai đoạn trước năm 2010, hiện nay năng suất đạt 90-100 m3 /ha/chu kỳ nhờ vào việc chú trọng đến nguồn gốc, chất lượng giống và áp dụng kỹ thuật canh tác tiến bộ. Với diện tích rừng trồng sản xuất hiện có và năng suất ngày càng nâng cao đã cung cấp nguồn nguyên liệu gỗ cho các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định.

Các nhà máy chế biến gỗ, gỗ dăm trên địa bàn sản xuất và cung cấp sản phẩm gỗ MDF, gỗ ván ghép thanh, viên nén năng lượng, mộc mỹ nghệ gia dụng cho thị trường trong nước và xuất khẩu; xuất khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và qua cảng Cửa Việt mỗi năm trên 800.000 m3 gỗ dăm, đưa Quảng Trị vào nhóm đứng đầu của cả nước về sản xuất gỗ MDF và tỉnh có nguồn gỗ nguyên liệu phong phú trong khu vực, cung cấp nguồn nguyên liệu gỗ keo lớn phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu. Đây là tiềm năng và lợi thế rất lớn cho ngành sản xuất, chế biến gỗ Quảng Trị phát triển, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động, doanh nghiệp và thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách địa phương, đồng thời góp phần chủ đạo trong thúc đẩy giá trị gia tăng ngành nông nghiệp, gia tăng chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến.

Duy trì tập quán tốt đẹp, hằng năm, cán bộ và Nhân dân trong tỉnh đã tích cực trồng cây mỗi dịp đầu xuân mới. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề do thiên tai, toàn tỉnh cũng đã nỗ lực trồng được 8.600 ha rừng trồng tập trung và 2,5 triệu cây phân tán, bảo vệ tốt rừng tự nhiên và rừng trồng, chuẩn bị đủ 20 triệu cây giống các loại đảm bảo chất lượng để tổ chức tốt trồng rừng tập trung. Ngày từ những ngày đầu xuân Tân Sửu, các ngành, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện tốt chương trình trồng mới 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu trồng cây xanh phân tán năm 2021 cao hơn ít nhất 1,2 lần so với năm 2020. Đồng thời tỉnh cũng đã xây dựng đề án, ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn và giao đất, khoán rừng cho người dân trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ, khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh cây bản địa. Khuyến khích các nhóm hộ trồng rừng, các chủ rừng tham gia xây dựng chứng chỉ rừng, quản lý rừng bền vững để nâng cao chất lượng rừng, góp phần bảo vệ môi trường sống, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức và có nhiều biện pháp cụ thể thiết thực bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái phép...

Trong định hướng về các ngành, lĩnh vực ưu tiên 5 năm tới, tỉnh chú trọng đầu tư, thúc đẩy các ngành công nghiệp dựa trên lợi thế so sánh của địa phương, như công nghiệp năng lượng; công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản (nhất là công nghiệp chế biến gỗ). Thực hiện đồng bộ các giải pháp về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, nhất là rừng tự nhiên, rừng đầu nguồn xung yếu, rừng phòng hộ biên giới, ven biển, bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng. Nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm gỗ rừng trồng, ưu tiên và chuyển mạnh sang trồng rừng gỗ lớn theo tiêu chuẩn quốc tế FSC, gắn doanh nghiệp chế biến với vùng nguyên liệu, sản xuất theo chuỗi giá trị. Hằng năm, trồng mới rừng tập trung đạt 6.500 - 7.000 ha; duy trì độ che phủ rừng ổn định 49,5%. Phấn đấu đưa Quảng Trị trở thành trung tâm sản xuất và cung cấp nguồn nguyên liệu gỗ lớn rừng trồng phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập bền vững cho người dân.

Đan Tâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=155673