Phát huy hiệu quả đội ngũ cô đỡ thôn bản

Trong những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản bà mẹ và trẻ em ở vùng cao, đặc biệt khó khăn luôn được ngành y tế quan tâm, nhất là phát huy hiệu quả của đội ngũ cô đỡ thôn bản tại cơ sở, bảo đảm an toàn tính mạng của mẹ và trẻ sơ sinh.

Cô đỡ thôn bản Tòng Thị Tiệm (đầu tiên bên phải), bản Hát Lụ, xã Mường É, huyện Thuận Châu thăm sản phụ sinh con tại nhà.

Cô đỡ thôn bản Tòng Thị Tiệm (đầu tiên bên phải), bản Hát Lụ, xã Mường É, huyện Thuận Châu thăm sản phụ sinh con tại nhà.

Rủi ro khi sinh con tại nhà

Hằng năm, Khoa Sản và Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận nhiều trường hợp sản phụ bị tai biến sản khoa do sinh con tại nhà, như: Băng huyết, nhiễm trùng, vỡ tử cung, sản giật. Còn với trẻ sơ sinh tại nhà, thường mắc uốn ván rốn, xuất huyết não, suy tuần hoàn, suy hô hấp...

Đưa con đến điều trị tại Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, do bị uốn ván sơ sinh và suy hô hấp, chị Tráng Thị Xé, bản Buốc Quang, xã Lóng Sập, thị xã Mộc Châu, nói: 5 giờ sáng ngày 30/4, tôi chuyển dạ và tự sinh con tại nhà. Tôi tự cắt dây rốn cho con bằng kéo. Khi được 5 ngày tuổi, cháu có biểu hiện bỏ bú, khóc nhiều, gia đình đưa con đến bệnh viện. Sau 15 ngày được y, bác sĩ cấp cứu, điều trị tích cực, con tôi đã đỡ, đang phải theo dõi, điều trị thêm.

Từ năm 2024 đến nay, toàn tỉnh có 42 trường hợp mắc tai biến sản khoa, 7 trường hợp tử vong, chủ yếu là do sinh con tại nhà. Nguyên nhân của tình trạng sinh con tại nhà, do trình độ dân trí thấp, bị ảnh hưởng phong tục, tập quán lạc hậu; nhân dân sinh sống ở vùng giao thông đi lại khó khăn; việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh chưa được quan tâm; một số gia đình lo lắng về chi phí đến sinh đẻ tại các cơ sở y tế...

Cô đỡ thôn bản Giàng Me Thái (người đầu tiên bên trái), bản Pá Kạch, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp tuyên truyền chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em.

Cô đỡ thôn bản Giàng Me Thái (người đầu tiên bên trái), bản Pá Kạch, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp tuyên truyền chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em.

Trước thực trạng, từ năm 2010, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo xây dựng đội ngũ cô đỡ thôn bản ở cơ sở. Cô đỡ là người sinh sống tại các bản vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới, được cử đi đào tạo 6 tháng nghiệp vụ cơ bản về nữ hộ sinh. Với chức năng tuyên truyền, vận động các hộ gia đình đưa sản phụ đi sinh tại các cơ sở y tế; thực hiện các hoạt động hướng dẫn, quản lý thai nghén, chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai, bà mẹ, trẻ sơ sinh; thực hiện đỡ đẻ rơi đối với các trường hợp không thể đến, không kịp đến cơ sở y tế sinh đẻ...

Bảo đảm an toàn cho mẹ và bé

Chị Lò Thị Luấn, bản Mật Sàng, xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn có 22 năm làm nhiệm vụ y tế thôn bản. Chị Luấn cho biết không nhớ nổi mình đỡ đẻ rơi cho bao nhiêu trường hợp, giúp bao nhiêu gia đình đón “mẹ tròn, con vuông”. Mỗi lần đỡ đẻ, thấy hai mẹ con sản phụ bình an, gia đình vui mừng, tôi mới thở phào nhẹ nhõm, thấy hạnh phúc khi đang làm công việc ý nghĩa.

Cô đỡ thôn bản Lò Thị Luấn, bản Mật Sàng, xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn đo tuổi thai cho sản phụ.

Cô đỡ thôn bản Lò Thị Luấn, bản Mật Sàng, xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn đo tuổi thai cho sản phụ.

Được chị Luấn tư vấn, chăm sóc, hướng dẫn trong cả thai kỳ, chị Vì Thị Trang, bản Mật Sàng, xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn, nói: Tôi mang thai lần đầu, được chị Luấn hướng dẫn tỉ mỉ cách chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn khám thai định kỳ tại cơ sở y tế; giúp tôi hiểu việc tự sinh con tại nhà tiềm ẩn nhiều rủi ro, tôi sẽ đi đẻ tại cơ sở y tế.

Còn chị Tòng Thị Tiệm, cô đỡ thôn bản ở bản Hát Lụ, xã Mường É, huyện Thuận Châu, từ đầu năm đến nay đã đỡ đẻ rơi cho 3 sản phụ. Chị Tiệm nhớ lại: Ngày 4/3, sản phụ Lò Thị Phiên nhà ở cách xa trung tâm xã, trở dạ lúc nửa đêm không kịp đến trạm y tế xã. Khi được gia đình gọi đến hỗ trợ, sản phụ đã vỡ ối, đứa trẻ có nguy cơ bị ngạt. Sau 1 tiếng hỗ trợ, sản phụ đã sinh bé gái khỏe mạnh. Gần 8 năm qua, tôi đã tư vấn, tuyên truyền, chăm sóc cho hơn 100 lượt bà mẹ, trẻ sơ sinh; đỡ gần 20 ca đẻ rơi cho các gia đình đảm bảo mẹ tròn, con vuông.

Từ năm 2024 đến nay, các cô đã thực khám, tư vấn, tuyên truyền chăm sóc sức khỏe sinh sản cho hơn 2.000 lượt bà mẹ và trẻ sơ sinh; thực hiện đỡ đẻ rơi 220 trường hợp. Bác sĩ Đoàn Thanh Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Các cô đỡ thôn bản là người dân tộc thiểu số, được lựa chọn từ chính cộng đồng và có cùng văn hóa, phong tục, tập quán với người dân địa phương. Vì vậy, dễ dàng tiếp cận, thực hiện tuyên truyền, vận động, cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn tại chỗ cho người dân.

Quan tâm chính sách cho cô đỡ thôn bản

Từ năm 2024 đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức 10 lớp tập huấn, đào tạo về nghiệp vụ cho hơn 260 nhân viên y tế, cô đỡ thôn bản. Phát 87 túi đựng dụng cụ, 3.000 gói đỡ đẻ sạch cho CĐTB...

Điều trị uốn ván sơ sinh và suy hô hấp cho bệnh nhi tại Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Điều trị uốn ván sơ sinh và suy hô hấp cho bệnh nhi tại Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Năm 2019, Sơn La được Quỹ Thiện Tâm (thuộc tập đoàn Vingroup) triển khai Dự án “Hỗ trợ Cô đỡ thôn bản” đến năm 2026. Với 5 nhiệm vụ chuyên môn, Quỹ chi trả mức hỗ trợ 200.000 - 300.000 đồng/nhiệm vụ khi các cô đỡ thực hiện tại cơ sở. Triển khai khám thai; vận động thành công bà mẹ đến đẻ tại cơ sở y tế; đỡ đẻ thường an toàn tại nhà cho bà mẹ không đến đẻ tại cơ sở y tế; phát hiện nguy cơ, tai biến sản khoa, xử trí ban đầu và chuyển tuyến kịp thời; chăm sóc bà mẹ sau sinh, trẻ sơ sinh. Từ năm 2023 đến nay, Quỹ Thiện tâm chi trả 837 triệu đồng cho các cô đỡ thôn bản.

Thực hiện Dự án 7 về “Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, một số huyện hỗ trợ phụ cấp cho cô đỡ thôn bản. Theo đó, mức chi phụ cấp 0,5 mức lương cơ sở. Điều kiện để các cô đỡ được hưởng phụ cấp là có quyết định cô đỡ thôn bản thuộc vùng III; có bảng chấm công, báo cáo cô đỡ hàng tháng đúng quy định.

Bộ dụng cụ phục vụ nhiệm vụ của cô đỡ thôn bản.

Bộ dụng cụ phục vụ nhiệm vụ của cô đỡ thôn bản.

Ông Quàng Văn Châu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thuận Châu cho biết: Cô đỡ thôn bản được chi trả mức phụ cấp 1.170.000 đồng/người/tháng. Từ tháng 8/2024, huyện chi trả cho 32 cô đỡ thôn bản, tổng kinh phí hơn 150 triệu đồng. Hiện nay, Trung tâm đang làm thủ tục hỗ trợ kinh phí cho các CĐTB hoạt động quý I/2025.

Bằng tinh thần trách nhiệm, sự tận tâm, đội ngũ cô đỡ thôn bản góp phần quan trọng chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ dân tộc thiểu số, đồng hành cùng họ trong hành trình làm mẹ an toàn.

Huyền Trăng

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/suc-khoe/phat-huy-hieu-qua-doi-ngu-co-do-thon-ban-ZStC9IfHR.html