Phát huy hiệu quả mô hình 'Đoạn đường sắt ông cháu cùng chăm'

Tuy khác biệt về lứa tuổi, suy nghĩ, công việc… nhưng các cựu chiến binh, đoàn viên, thanh niên, học sinh trên địa bàn thành phố Đông Hà đã và đang chung tay thực hiện có hiệu quả mô hình 'Đoạn đường sắt ông cháu cùng chăm'. Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với ông TRẦN VĂN VINH, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Đông Hà để tìm hiểu rõ hơn về mô hình này.

- Thưa ông! Xin ông cho biết về sự ra đời của mô hình “Đoạn đường sắt ông cháu cùng chăm”?

- Mô hình “Đoạn đường sắt ông cháu cùng chăm” được triển khai tại thành phố Đông Hà từ năm 2002. Trải qua 17 năm, mô hình này đã khẳng định tính hiệu quả. Mô hình “Đoạn đường sát ông cháu cùng chăm” ra đời xuất phát từ nỗi trăn trở của các cựu chiến binh khi thấy tuyến đường sắt đi qua thành phố chưa thực sự sạch, đẹp, nguy cơ mất an toàn giao thông cao, đặc biệt là ở nơi giao nhau giữa đường sắt và đường ngang dân sinh. Đây cũng chính là khu vực dễ xảy ra các vụ tai nạn vì nhiều người dân, trong đó có các em học sinh thường xuyên qua lại. Trước tình hình ấy, Hội Cựu chiến binh thành phố Đông Hà cùng các đơn vị, cá nhân liên quan đưa ra ý tưởng xây dựng mô hình “Đoạn đường sắt ông cháu cùng chăm”.

Năm 2002, mô hình được Chi hội Cựu chiến binh khu phố Tây Trì, Phường 1 phối hợp với Trường Tiểu học Sông Hiếu triển khai thí điểm. Chỉ sau một thời gian ngắn triển khai, được sự tuyên truyền, vận động sâu rộng, không riêng “ông và cháu” mà nhiều người dân sống trên địa bàn khu phố Tây Trì cũng đã chung tay, góp sức giúp tuyến đường sắt sạch, đẹp, an toàn. Từ tín hiệu đáng mừng ấy, mô hình “Đoạn đường sắt ông cháu cùng chăm” đã được Cục Đường sắt Việt Nam tuyên dương, khen thưởng và quyết định nhân rộng ra nhiều địa phương trên toàn quốc.

- Phải chăng từ tín hiệu vui ấy mà lãnh đạo Hội Cựu chiến binh thành phố Đông Hà quyết định nhân rộng mô hình này, thưa ông?

- Đoạn đường sắt đi qua địa bàn thành phố Đông Hà có chiều dài 7 km. Theo quan sát của các cựu chiến binh, một số điểm trên đoạn đường này có lúc, có nơi còn bị cây cỏ xâm lấn hoặc trở thành nơi đổ rác thải. Trong khi đó, ngoài Hội Cựu chiến binh thành phố và ngành đường sắt, chưa đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội nào nhận trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ đoạn đường. Vì thế, từ lâu lãnh đạo Hội Cựu chiến binh thành phố đã nghĩ đến việc nhân rộng mô hình “Đoạn đường sắt ông cháu cùng chăm”. Điều chúng tôi mong muốn là phát huy vai trò của cựu chiến binh, đoàn viên, thanh niên, học sinh trong xây dựng, làm đẹp thành phố. Để nhân rộng mô hình, Hội Cựu chiến binh thành phố đã cùng với Thành đoàn Đông Hà và Phòng GD&ĐT thành phố họp bàn xây dựng quy chế phối hợp giữa các bên và cam kết triển khai, thực hiện. Quyết tâm chung của chúng tôi là làm cho tuyến đường sắt qua thành phố thực sự sạch, đẹp, đảm bảo an toàn cho mỗi chuyến tàu và người tham gia giao thông.

- Xin ông chia sẻ về những khó khăn, thử thách khi triển khai, nhân rộng mô hình này?

- Khó khăn đầu tiên và lớn nhất nằm ở nhận thức của một bộ phận người dân sống trên địa bàn có đường sắt đi ngang qua. Một số bà con nghĩ việc làm tuyến đường sắt sạch, đẹp, quang đãng, đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu và người tham gia giao thông là nhiệm vụ của ngành đường sắt. Vì thế, họ không xem đây là việc mình cần và nên làm. Một thực tế khác là tuyến đường sắt đi qua địa bàn thành phố kéo dài. Nhiều điểm cây cối chằng chịt, địa hình hẹp, lại nằm xa trục đường bộ… nên việc lao động, vệ sinh gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, hầu hết cựu chiến binh đều đã tuổi cao, sức khỏe có phần hạn chế; thiếu phương tiện, trang thiết bị; bận rộn với công việc, gia đình… Điều đáng trân quý là những khó khăn ấy không ngăn được sự quyết tâm, lòng nhiệt huyết của cán bộ, hội viên Hội Cựu chiến binh thành phố. Cùng với đoàn viên, thanh niên Thành đoàn Đông Hà và cán bộ, giáo viên, học sinh các trường, chúng tôi đã, đang và sẽ khắc phục mọi khó khăn, thử thách để phối hợp triển khai, thực hiện thành công mô hình “Đoạn đường sắt ông cháu cùng chăm”.

 Các cựu chiến binh thành phố Đông Hà và học sinh cùng vệ sinh tuyến đường sắt. Ảnh: QH

Các cựu chiến binh thành phố Đông Hà và học sinh cùng vệ sinh tuyến đường sắt. Ảnh: QH

- Một điều đáng chú ý là mô hình “Đoạn đường sắt ông cháu cùng chăm” thu hút sự tham gia của nhiều thế hệ với lứa tuổi, suy nghĩ, công việc… khác nhau. Theo ông, đó là cơ hội hay thách thức?

- Theo tôi, cơ hội hay thách thức là do chính chúng ta quyết định. Với mô hình “Đoạn đường sắt ông cháu cùng chăm”, những người tham gia khác nhau về lứa tuổi, suy nghĩ, công việc vì thế, chuyện dung hòa giữa các thế hệ không hề đơn giản. Tuy nhiên, chúng tôi đã và đang nỗ lực biến thách thức thành cơ hội. Với mô hình này, Hội Cựu chiến binh, Thành đoàn Đông Hà và các trường trên địa bàn có cơ hội tập hợp lực lượng, giúp mỗi thành viên phát huy vai trò, trách nhiệm, làm nên những điều có ích cho thành phố mà mình đang sống, trước tiên là chung tay bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự và an toàn giao thông. Từ sự nhận thức sâu sắc, mỗi công dân thành phố sẽ nêu cao ý thức, chung tay xây dựng quê hương ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh.

- Thời gian tới, Hội Cựu chiến binh thành phố Đông Hà sẽ làm gì để nâng cao hiệu quả của mô hình “Đoạn đường sắt ông cháu cùng chăm”, thưa ông?

- Căn cứ chương trình phối hợp, trong thời gian tới, Hội Cựu chiến binh thành phố sẽ cùng với Thành đoàn Đông Hà, Phòng GD&ĐT thành phố chỉ đạo các cơ sở hội, đoàn, nhà trường của phường nằm trên địa bàn có tuyến đường sắt đi qua nghiêm túc thực hiện các nội dung đã cam kết và đưa ra nhiều cách làm, giải pháp hay, phù hợp trong triển khai mô hình “Đoạn đường sắt ông cháu cùng chăm”. Trong quá trình triển khai thực hiện, ban chỉ đạo liên ngành cấp thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ để theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, tạo mọi điều kiện giúp cơ sở tổ chức thực hiện tốt mô hình. Được sự quan tâm tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và sự đồng thuận, phối hợp của các cơ quan, đơn vị, các ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, chúng tôi tin rằng mô hình sẽ thực hiện thành công.

- Xin cảm ơn ông!

Tây Long (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=143891