Phát huy hiệu quả mô hình tuyên truyền pháp luật

Nhằm huy động sức mạnh toàn dân trong tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và nâng cao tinh thần cảnh giác phòng, chống các loại tội phạm, thời gian qua, lực lượng quân đội đã chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL). Theo đó, nhiều biện pháp, cách làm phù hợp với tình hình thực tế địa bàn đã được triển khai, tiêu biểu như mô hình 'Tiếng loa Biên phòng' hay 'Truyền thanh pháp luật'...

"Truyền thanh pháp luật" đưa thông tin đến người dân

Được thực hiện từ năm 2021, mô hình "Truyền thanh pháp luật" của Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Ninh được triển khai thường xuyên, đồng bộ, ổn định và lâu dài; giúp cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân khu vực đơn vị đóng quân nâng cao hiểu biết và chấp hành pháp luật, đặc biệt là cập nhật những vấn đề mới, những kiến thức cơ bản về pháp luật; định hướng thái độ, hành vi và biện pháp xử lý đúng pháp luật đối với các hiện tượng, vụ việc sai phạm.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng triển khai hiệu quả mô hình "Tiếng loa biên phòng". Nguồn: ITN

Lực lượng Bộ đội Biên phòng triển khai hiệu quả mô hình "Tiếng loa biên phòng". Nguồn: ITN

Thực hiện định kỳ vào 6h, 17h các ngày từ thứ 2 đến thứ 6; từ 6h30 đến 9h30 và 14h đến 16h30 thứ 7 và Chủ nhật; nhiều kiến thức pháp luật đã thông tin đầy đủ tới cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân (đặc biệt tuyến biên giới, biển đảo, khu vực vùng sâu, vùng xa trên địa bàn Quảng Ninh) trên hệ thống truyền thanh hàng ngày các cơ quan, đơn vị thuộc Hệ thống truyền thanh của Bộ CHQS tỉnh; 13 Ban CHQS cấp huyện; Trung đoàn 244 và Đại đội đảo Vĩnh Thực.

Nội dung truyền thanh chủ yếu, gồm: Chương trình Pháp luật và đời sống trên VOV1; Pháp luật và xã hội trên VOV2; giải đáp pháp luật trên VOV Giao thông (FM 91 MHz)... Bên cạnh đó, thông báo nội dung cơ bản của các luật mới; biên soạn câu chuyện pháp luật liên quan trực tiếp tới quá trình thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; thu âm và phát các bài viết trên báo chí chính thống; trang thông tin về PBGDPL của Bộ Tư pháp; cổng thông tin điện tử, thư viện điện tử tỉnh Quảng Ninh…

Mặt khác, biên soạn các câu chuyện pháp luật định hướng hành động, tư tưởng về việc xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật của lực lượng vũ trang tỉnh; chấp hành pháp luật nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ, dự bị động viên. Đồng thời, biểu dương gương người tốt, việc tốt trong chấp hành pháp luật của Nhà nước, kỷ luật quân đội, quy định địa phương.

Theo Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh, mô hình đã có tác động tích cực trong việc nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân khu vực đơn vị đóng quân, đặc biệt, nhận được phản hồi rất tích cực của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân về các lĩnh vực PBGDPL; như: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Nghĩa vụ quân sự; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia... Nội dung kịch bản phát thanh được biên soạn công phu, kỹ lưỡng, tác động trực tiếp vào đối tượng cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân có tuổi đời trẻ, ít quan tâm đến pháp luật...

Đưa "Tiếng loa Biên phòng" đến từng bến bãi, ngõ xóm

Đơn giản và tiết kiệm, mô hình "Tiếng loa biên phòng" của lực lượng bộ đội biên phòng đã phát huy tối đa hiệu quả đối với nơi có địa bàn rộng, đường đi lại khó khăn, hệ thống loa truyền thanh địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Một số cụm loa cố định được đặt ngay trên tuyến đường đi làm về của bà con, ngư dân, giúp truyền đạt kịp thời chủ trương chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Theo Cục Chính trị Bộ đội Biên Phòng, nét văn hóa chung của đồng bào các dân tộc là thích ngắn gọn, cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Vì vậy, lực lượng bộ đội biên phòng đã phát huy vai trò mô hình "Tiếng loa biên phòng" đến từng ngõ, xóm, hộ gia đình để tuyên truyền và chuyển tải thông tin phù hợp với dân trí của đồng bào các dân tộc ở từng tuyến biên giới. Có khi chỉ với 1 chiếc loa di động, chiếc USB có sẵn các nội dung tuyên truyền và xe mô tô 2 bánh, các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng có thể đi đến được tất cả những nơi có người dân sinh sống để truyền đạt những thông tin cơ bản nhất về pháp luật.

Để ngư dân tuân thủ pháp luật, chung tay cùng cả nước gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC), Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai hiệu quả mô hình này. Theo đó, để PBGDPL, các chiến sĩ biên phòng tại các đồn biên phòng đã sử dụng xe gắn máy cùng với chiếc loa kéo mini để di chuyển khắp các cảng cá, bến bãi, khu dân cư hay dùng xuồng máy đi đến khu dân cư ven các kênh rạch, ven rừng phòng hộ...

Sa Huỳnh từng là điểm nóng về tàu cá vi phạm IUU ở tỉnh Quảng Ngãi, nhưng nhờ Đồn Biên phòng Sa Huỳnh đẩy mạnh mô hình "Tiếng loa biên phòng", tuyên truyền đến từng khu dân cư, từng hộ dân các quy định của pháp luật. Với nội dung phát được lựa chọn kỹ càng, bảo đảm đầy đủ nhưng gần gũi, dễ hiểu nhất cho bà con ngư dân; nhờ đó tỷ lệ tàu cá vi phạm tại đây đã giảm rất nhiều.

Với Đồn Biên phòng Khánh Hội (Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau), mô hình "Tiếng loa Biên phòng" cũng mang lại hiệu quả thiết thực khi các cán bộ, chiến sĩ biên phòng đến tuyên truyền lưu động tại bến cảng hay khu vực chợ, khu dân cư xa trung tâm xã hoặc đến những nơi hệ thống loa phát thanh chưa tới được... Nhờ đó, đã nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân trong việc tuân thủ, chấp hành các quy chế, quy định hoạt động trong khu vực biên giới biển; huy động được sức mạnh toàn dân trong tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc.

Thanh Điểu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/phat-huy-hieu-qua-mo-hinh-tuyen-truyen-phap-luat-i380615/