Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH), Ngân hàng CSXH tỉnh Gia Lai đã tranh thủ nguồn vốn trung ương kết hợp nguồn vốn địa phương để mở rộng quy mô cho vay.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo của địa phương.

Sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo việc phổ biến, quán triệt và xây dựng kế hoạch hành động nhằm cụ thể hóa việc tổ chức triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Hàng năm, UBND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố dành nguồn vốn ngân sách ủy thác qua Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn mở rộng cho vay. Ngân hàng CSXH tỉnh cũng đã tranh thủ nguồn vốn trung ương, nguồn vốn địa phương, khai thác nguồn vốn từ thị trường với những giải pháp sáng tạo, phù hợp để từng bước mở rộng đối tượng, nâng mức cho vay, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Đến nay, Ngân hàng CSXH tỉnh đã triển khai các chương trình tín dụng chính sách đến 100% xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Hàng năm, mức tăng trưởng tín dụng của đơn vị đạt từ 10% trở lên.

Đến ngày 30-6-2024, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 7.287 tỷ đồng (tăng 4.495 tỷ đồng so với năm 2014) với 156.574 hộ vay còn dư nợ. Tổng doanh số cho vay từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW đến nay đạt 16.853 tỷ đồng với 532.257 lượt hộ vay. Trong đó, cho vay đối với hộ đồng bào DTTS đạt hơn 8.000 tỷ đồng (chiếm 47,5% tổng doanh số cho vay) với 254.322 hộ vay vốn.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách, bà con dân tộc thiểu số phát huy tinh thần tự chủ vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Ảnh: S.C

Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách, bà con dân tộc thiểu số phát huy tinh thần tự chủ vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Ảnh: S.C

Nhờ đòn bẩy tín dụng, nhiều đối tượng yếu thế đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo, từng bước ổn định đời sống. Chị Đinh Thị Pden (làng Tnung-Măng, xã Ya Ma, huyện Kông Chro) cho biết: “Gia đình tôi được địa phương tạo điều kiện để vay vốn tín dụng chính sách. Có vốn trong tay, gia đình mua bò về nuôi, kết hợp trồng bắp, mì. Sau nhiều năm chịu khó làm ăn, giờ đây, gia đình đã có 6 con bò, 6 con dê, vài sào đất rẫy, dành dụm được tiền xây dựng ngôi nhà sàn. Đến nay, gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo, đời sống ổn định hơn trước rất nhiều”.

Tính đến hết tháng 6-2024, tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH tỉnh đạt 470 tỷ đồng, chiếm 6,4% tổng nguồn vốn, tăng 440 tỷ đồng so với năm 2014. Nguồn vốn tích hợp các chương trình tín dụng CSXH trong quyết định đầu tư công giai đoạn 2021-2025 đạt 185 tỷ đồng.

Cũng từng là hộ nghèo, gia đình ông Nữi (làng Kồ, xã Trang, huyện Đak Đoa) được vay vốn tín dụng chính sách để đầu tư chăm sóc vườn cà phê kết hợp chăn nuôi heo, gà. Những lúc nông nhàn, ông chịu khó đi làm thuê để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Đến nay, gia đình ông đã thoát nghèo và vươn lên trở thành hộ có thu nhập khá trong làng.

“Hiện gia đình tôi có thu nhập ổn định từ vườn cà phê và chăn nuôi. Ngoài ra, tôi còn nhận thầu xây dựng nhà ở cho bà con trong làng”-ông Nữi chia sẻ.

Từ kết quả hoạt động của Ngân hàng CSXH tỉnh cho thấy, nguồn vốn tín dụng chính sách đã tạo động lực thúc đẩy tinh thần vượt lên chính mình của các đối tượng thụ hưởng.

Không chỉ trở thành giải pháp, công cụ tài chính hỗ trợ đắc lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, các chương trình tín dụng do Ngân hàng CSXH tỉnh triển khai đã đi sâu vào đời sống, gắn với nhu cầu căn bản thiết yếu của người dân như: cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay để có điều kiện đi học; cho vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, tăng thu nhập; cho vay xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đạt chuẩn quốc gia; hỗ trợ xây dựng nhà cho hộ nghèo và người DTTS...

Các chương trình tín dụng chính sách được Ngân hàng CSXH tỉnh triển khai kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng, có hiệu quả, góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Giai đoạn 2014-2015, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 23,73% còn 11,36%; giai đoạn 2016-2021 giảm từ 19,71% xuống còn 16,55%; giai đoạn 2021-2023 giảm từ 12,09% xuống còn 8,11%.

Từ khi có Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư, hoạt động tín dụng chính sách đã phát huy hiệu quả góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Ảnh: S.C

Từ khi có Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư, hoạt động tín dụng chính sách đã phát huy hiệu quả góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Ảnh: S.C

Ông Lê Văn Chí-Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh-cho biết: “Từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt đã kết nối sức mạnh, nguồn lực, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ đối với hoạt động tín dụng chính sách về mọi mặt.

Ủy ban nhân dân tỉnh và 17 huyện, thị xã, thành phố quan tâm chuyển nguồn vốn ngân sách bổ sung nguồn lực cho Ngân hàng CSXH. Hoạt động tín dụng chính sách được tạo điều kiện thuận lợi từ cơ sở, tổ chức công khai, minh bạch, thường xuyên kiểm tra, giám sát đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Ngân hàng CSXH”.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/phat-huy-hieu-qua-nguon-von-tin-dung-chinh-sach-post285294.html