Phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi

Nhờ các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh có cơ hội được tiếp cận các chương trình vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh. Đây là chiếc “cần câu” giúp nhiều gia đình gặp khó khăn có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình chị Lưu Thị Thanh Hưởng ở thôn Cộng Hòa, xã Xuân Lôi, huyện Lập Thạch đã thoát nghèo. Ảnh: Trà Hương

Nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình chị Lưu Thị Thanh Hưởng ở thôn Cộng Hòa, xã Xuân Lôi, huyện Lập Thạch đã thoát nghèo. Ảnh: Trà Hương

Nhiều năm về trước, gia đình chị Lưu Thị Thanh Hưởng ở thôn Cộng Hòa, xã Xuân Lôi, huyện Lập Thạch là hộ nghèo của địa phương. Năm 2019, gia đình chị Hưởng được Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Lập Thạch cho vay 50 triệu đồng. Được sự hỗ trợ của Tổ trưởng Tổ TK&VV tư vấn, hướng dẫn, gia đình chị Hưởng đã mạnh dạn mua 2 con bò sinh sản.

Bằng sự cần cù, chăm chỉ, sau 3 năm chăn nuôi, từ 2 con bò ban đầu, gia đình chị đã phát triển lên 7-9 con. Từ số tiền lãi bán bò, chị Hưởng đầu tư xây dựng, cơi nới chuồng trại, nuôi thêm lợn nái. Nhờ vậy, gia đình chị có thu nhập ổn định và từng bước thoát nghèo.

Trong giai đoạn 2016-2021, NHCSXH tỉnh hỗ trợ vay vốn cho gần 38.800 hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo với tổng số tiền gần 2.100 tỷ đồng. Riêng trong năm 2021, đã có 1.588 hộ nghèo, cận nghèo và 1.381 hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an sinh xã hội. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi kịp thời, các hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.

Kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 của Sở LĐ-TB&XH cho thấy, cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh còn 0,44%, giảm 4,52% so với năm 2016. Nhìn vào những kết quả đã đạt được có thể thấy sự nỗ lực trong công tác giảm nghèo của các cấp, ngành, các tổ chức, đoàn thể…

Trong đó, có vai trò đóng góp quan trọng của cán bộ, nhân viên NHCSXH tại 136 điểm giao dịch và hơn 2.200 Tổ TK&VV tại các thôn, xóm, tổ dân phố trên toàn tỉnh trong tuyên truyền, vận động các hộ nghèo vay vốn ưu đãi; đồng thời, hướng dẫn người vay sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và hiệu quả.

Bên cạnh đó, hằng năm, NHCSXH tỉnh phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác điều tra, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo làm cơ sở thực hiện chính sách tín dụng đúng mục tiêu, đúng đối tượng, công khai, minh bạch.

Hiện nay, NHCSXH tỉnh đang triển khai nhiều chương trình vay vốn, gồm chương trình vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay nhà ở xã hội; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…

Trong thời điểm dịch Covid-19 kéo dài, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, cùng với đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch, NHCSXH tỉnh tiếp tục triển khai tuyên truyền bằng nhiều hình thức chuyển tải vốn tín dụng đối với hộ nghèo; đẩy mạnh Cuộc vận động "Ngày vì người nghèo”, huy động sự đóng góp của các tổ chức xã hội và cá nhân, bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội.

Cùng với nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, NHCSXH tỉnh cũng rất chú trọng công tác đào tạo, củng cố, phát triển kỹ năng chuyên môn cho ban quản lý Tổ TK&VV, cán bộ hội, đoàn thể nhận ủy thác tại các cấp; kiểm tra, kiểm soát nội bộ để đánh giá hoạt động, kịp thời cảnh báo rủi ro, chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, sai sót.

Chị Đinh Thị Thúy Huyền, cán bộ Phòng Kế hoạch-Nghiệp vụ tín dụng được phân công theo dõi phường Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên cho biết: “Thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ hoặc đột xuất, Tổ TK&VV thực hiện bình xét công khai phương án vay vốn của hộ vay trình UBND phường phê duyệt, sau đó NHCSXH thực hiện giải ngân.

Sau khi cho các hộ vay vốn, các hội, đoàn thể nhận ủy thác thực hiện kiểm tra, đánh giá việc sử dụng vốn vay của hộ vay, kiểm tra việc thực hiện gửi tiết kiệm. Từ đó, đưa ra phương hướng, kế hoạch hướng dẫn hộ vay sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đôn đốc hộ vay trả lãi, trả nợ đúng thời hạn.

Do có sự sát sao, thường xuyên thăm hỏi, động viên của các hội, đoàn thể, tổ trưởng Tổ TK&VV nên hầu hết các hộ vay đều thực hiện nghiêm túc quy định, trả nợ đúng thời hạn”.

Nguồn vốn cho vay ưu đãi của NHCSXH đã và đang là “cần câu” vững chắc của người nghèo, giúp họ cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo. Qua đó, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen, ổn định đời sống xã hội ở vùng nông thôn, miền núi.

Hương Giang

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/71878/phat-huy-hieu-qua-nguon-von-vay-uu-dai.html