Phát huy hiệu quả phương pháp chữa bệnh bằng y học cổ truyền
Nhiều năm qua, cứ vào dịp rằm tháng giêng hàng năm, Hội Đông y tỉnh lại phát động phong trào trồng cây thuốc đầu xuân, đẩy mạnh tuyên truyền trong hội viên, nhân dân thực hiện 'Thầy tại chỗ, thuốc tại vườn', 'Nhà nhà trồng thuốc, người người trồng thuốc'.
Khám bệnh, bốc thuốc tại Phòng Chẩn trị - Hội Đông y tỉnh.
Để phát huy hiệu quả các vườn thuốc nam, Hội Đông y các xã, phường đã kết hợp với các trạm y tế, đội ngũ y tế thôn bản làm tốt công tác xã hội hóa YHCT, hướng dẫn cho nhân dân cách trồng và sử dụng thuốc nam chữa những chứng bệnh đơn giản thường gặp.
Do đó, phong trào trồng cây thuốc nam đã từng bước phát triển rộng khắp các địa phương trong tỉnh. Hiện nay, đã có một số địa phương trồng nhiều cây dược liệu, thay thế các cây trồng kém hiệu quả kinh tế như tại xã Thạch Bình (Nho Quan), xã Khánh Thủy (Yên Khánh), xã Chính Tâm (Kim Sơn), xã Yên Sơn (thành phố Tam Điệp)... Chỉ tính riêng năm 2018, toàn tỉnh đã trồng 26 ha cây dược liệu như: Sinh địa, Bạch chỉ, Trạch tả, Chi tử, Ngưu tất, nghệ vàng. Lợi nhuận thu về đạt từ 100-150 triệu đồng/ha.
Công tác nghiên cứu, bảo tồn, kế thừa, phát triển YHCT luôn được chú trọng. Công tác nuôi trồng dược liệu có bước phát triển mở rộng. Đến nay, toàn tỉnh trồng được trên 200 ha cây dược liệu các loại.
Hiện nay, đi về nhiều vùng quê trong tỉnh, phong trào trồng cây thuốc nam đã trở thành những vụ sản xuất cho năng suất, hiệu quả cao. Tiêu biểu như ở vùng đồi núi xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn vẫn còn cái tên làng Sinh Dược ngày xưa (làng thuốc sống).
Từ câu chuyện về những cây lá thuốc nam chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông và bào chế các loại thảo dược ở đây để chữa bệnh cho nhân dân của Thiền sư, Dược sư Nguyễn Minh Không, nhân dân địa phương đã và đang sở hữu nhiều loại cây thuốc quý, bài thuốc hay để chữa bệnh hoàn toàn bằng thuốc nam và châm cứu.
Đến nay vùng đồi núi làng Sinh Dược vẫn còn nguồn thảo dược tự nhiên và do bà con nhân dân trồng cấy vừa làm cảnh, vừa làm thuốc. Đặc biệt, trong khuôn viên chùa Bái Đính được quy hoạch trồng rất nhiều nhóm, loại cây thuốc nam quý như: sâm bố chính, sâm cau, bình vôi, hoài sơn, mặt quỷ, bòn bọt, ngành ngạnh, hà thủ ô, hy thiêm thảo, chè vằng, bạch hoa xà thiệt thảo, thiên niên kiện, khúc khắc, bạch chỉ, núc nác, kim tiền thảo, trắc bá diệp, ý dĩ… Tại xã Gia Sinh vẫn còn nhiều gia đình có nhiều đời làm thuốc và buôn bán thảo dược đi các nơi khác.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Hội Đông y các cấp đã vận động con em lương y đi học tại các trường YHCT. Tỉnh Hội tổ chức trao đổi kinh nghiệm điều trị và sử dụng thuốc nam với các đơn vị. Đồng thời vận động các lương y viết bài kinh nghiệm và phổ biến trong điều trị thực tiễn. Các bài thuốc được chọn lọc, đánh giá, tập hợp phổ biến cho hội viên để áp dụng trong khám, chữa bệnh. Việc kết hợp thuốc đông y và các phương pháp không dùng thuốc được áp dụng tại các Phòng chẩn trị trong toàn tỉnh.
Nổi bật là Phòng chẩn trị Hội Đông y tỉnh, Bệnh viện YHCT tỉnh, khoa Đông y-Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Khoa Đông y- Bệnh viện Quân y 5, Phòng chẩn trị Đông y thành phố Ninh Bình, Phòng Chẩn trị Đông y thành phố Tam Điệp…Các Hội Đông y huyện, thành phố thường xuyên động viên, khuyến khích các lương y cao tuổi có nhiều kinh nghiệm cống hiến những cây thuốc và các bài thuốc hay chữa bệnh hiệu quả…
Các cấp Hội YHCT từ tỉnh đến cơ sở hoạt động hiệu quả. Toàn tỉnh có gần 1.000 hội viên, hơn 100 phòng chuẩn trị y học cổ truyền của tập thể và tư nhân hoạt động khám, chữa bệnh bằng YHCT. Hàng năm, đã khám chữa bệnh cho hàng trăm nghìn lượt bệnh nhân bằng thuốc y học cổ truyền (trong đó có 60 đến 70% là thuốc nam kết hợp với châm cứu). Hoạt động khám, chữa bệnh bằng YHCT đã góp phần cùng với ngành y tế thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: Bùi Diệu