Phát huy hiệu quả phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội

Nhờ được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách, hàng chục nghìn lượt hộ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế, qua đó đời sống có nhiều khởi sắc, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Phòng giao dịch NHCSXH huyện Na Rì tổ chức giao dịch tại xã Cư Lễ.

Phòng giao dịch NHCSXH huyện Na Rì tổ chức giao dịch tại xã Cư Lễ.

Để có bộ máy quản lý, điều hành gọn nhẹ, tiết giảm chi phí nhưng vẫn đảm bảo việc đưa vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng chính sách được kịp thời, Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc cho vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thông qua phương thức ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội, gồm: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên theo hợp đồng ủy thác hoặc trực tiếp cho vay đến người vay; việc cho vay căn cứ vào kết quả bình xét của tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV).

Việc ủy thác một số nội dung công việc cho các tổ chức chính trị - xã hội được Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Kạn thực hiện trên cơ sở văn bản liên tịch được ký kết với tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện; hợp đồng ủy thác ký với tổ chức chính trị - xã hội cấp xã và hợp đồng ủy nhiệm ký với tổ trưởng tổ TK&VV.

Theo số liệu của Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Kạn, tính đến ngày 31/7/2022, tổng dư nợ ủy thác cho vay qua 04 tổ chức chính trị - xã hội của của NHCSXH là hơn 2.500 tỷ đồng với hơn 41.000 khách hàng đang vay vốn, chiếm tỷ trọng 97,8% trên tổng dư nợ tín dụng chính sách đang triển khai tại đơn vị.

Trong đó: Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh quản lý hơn 868 tỷ đồng với hơn 14.000 khách hàng đang vay vốn tại 514 tổ TK&VV, chiếm tỷ trọng 34,6% trên dư nợ ủy thác cho vay; Hội Nông dân tỉnh quản lý hơn 721 tỷ đồng với hơn 12.000 khách hàng đang vay vốn tại 449 tổ TK&VV, chiếm tỷ trọng 28,8% trên dư nợ ủy thác cho vay; Hội Cựu chiến binh tỉnh quản lý hơn 445 tỷ đồng với hơn 7.400 khách hàng đang vay vốn tại 292 tổ TK&VV, chiếm tỷ trọng 17,7% trên dư nợ ủy thác cho vay; Tỉnh đoàn quản lý gần 470 tỷ đồng với hơn 7.700 khách hàng đang vay vốn tại 312 tổ TK&VV, chiếm tỷ trọng 18,7% trên dư nợ ủy thác cho vay.

Thực tế triển khai cho thấy, phương thức cho vay này đã thể hiện tính ưu việt riêng có của NHCSXH, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị các cấp để chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội của Chính phủ, của tỉnh đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời, giúp họ biết sử dụng vốn vay, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội.

Phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị - xã hội gắn với thực hiện bình xét cho vay tại các tổ TK&VV dưới sự chứng kiến tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp xã và trưởng thôn, ngân hàng giải ngân trực tiếp cho người vay tại các "Điểm giao dịch xã" được triển khai có hiệu quả trong những năm vừa qua đã góp phần đảm bảo vốn tín dụng chính sách đến đúng các đối tượng thụ hưởng, thuận tiện, công khai và kịp thời.

Thông qua phương thức cho vay này, tổ chức chính trị - xã hội có điều kiện lồng ghép hiệu quả chương trình tín dụng với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả vốn tín dụng chính sách, hoạt động của tổ chức Hội, đoàn thể được mở rộng, phong phú. Đồng thời, uy tín của các Hội, đoàn thể được nâng lên, từ đó góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị tại cơ sở.

Để phương thức quản lý tín dụng chính sách ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng cao hơn, góp phần vào sự phát triển bền vững của NHCSXH, từ thực tiễn cho thấy, cần đào tạo đội ngũ cán bộ làm ủy thác, ban quản lý tổ TK&VV có kiến thức cơ bản về quản lý tín dụng; kiểm tra giám sát; phát hiện, phòng ngừa rủi ro; tư vấn, hướng dẫn sử dụng vốn hiệu quả cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách. Thường xuyên phối hợp kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ TK&VV, củng cố kiện toàn tổ yếu kém theo kế hoạch; tổ chức đối chiếu nợ, tuyên truyền hộ vay trả nợ, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, quá hạn, lãi tồn đọng, lập hồ sơ nợ bị rủi ro… Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển cơ sở vật chất, công nghệ thông tin. Đầu tư trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của các tổ giao dịch và các "Điểm giao dịch xã" nhằm nâng cao hiệu quả, tăng năng suất lao động, đảm bảo an toàn về con người và tài sản./.

Hoàng Vũ

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/kinh-te/202210/tai-chinh-ngan-hang-phat-huy-hieu-qua-phuong-thuc-quan-ly-von-tin-dung-chinh-sach-xa-hoi-9183ca0/