Phát huy hiệu quả sáng kiến, cải tiến kỹ thuật

Việc phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật góp phần thiết thực nâng cao chất lượng huấn luyện, tăng năng suất lao động, kéo dài thời gian sử dụng của vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT)... Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị thuộc Quân khu 9 đã có nhiều giải pháp phát huy hiệu quả sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, không để sản phẩm nghiên cứu 'ngủ yên' trong kho.

Nhằm góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, năm 2021, Đại úy Trang Thành Đạt, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 20, Sư đoàn 330 (Quân khu 9) nghiên cứu sáng kiến “Thiết bị phá rào FMV-B1 mô phỏng”. Thiết bị này được Sư đoàn 330 đánh giá cao và đưa vào huấn luyện tại các đơn vị. Cuộc diễn tập hiệp đồng quân, binh chủng năm 2022 của Quân khu 9 là lần thứ tư sáng kiến được sử dụng để phá vật cản trong chiến đấu tiến công. Nhờ vậy, bộ đội có thêm niềm tin vào vũ khí, trang bị mới, thúc đẩy phong trào nghiên cứu sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ ở đơn vị. Đại úy Trang Thành Đạt cho biết: “Nghiên cứu sáng kiến phải có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với điều kiện huấn luyện, đối tượng tác chiến, địa hình và khả năng cơ động. Thực tiễn huấn luyện rất phong phú, trong khi cán bộ cấp trung đội, đại đội rất nhanh nhạy, đặc biệt là khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật cơ điện tử... Đó là điều kiện thuận lợi trong nghiên cứu sáng kiến, tuy nhiên, để quá trình sáng tạo không dàn trải, ngay khi hình thành ý tưởng, chúng tôi yêu cầu cán bộ báo cáo sơ bộ đề tài nghiên cứu, chỉ ra khả năng ứng dụng... rồi mới triển khai thực hiện”.

Sáng kiến “Thiết bị phá rào FMV-B1 mô phỏng” được ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn.

Sáng kiến “Thiết bị phá rào FMV-B1 mô phỏng” được ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn.

Tính thiết thực của sản phẩm nghiên cứu luôn được Trung tá QNCN Đặng Hoàng Lợi, thợ sửa chữa vũ khí bộ binh thuộc Trạm sửa chữa, Phòng Kỹ thuật, Bộ CHQS tỉnh Bạc Liêu (Quân khu 9) chú trọng. Năm 2020, sáng kiến “Giá hiệu chỉnh súng bộ binh” của Trung tá QNCN Đặng Hoàng Lợi ra đời, có thể giúp hiệu chỉnh chính xác đường ngắm của nhiều loại súng, như: K54, K59, Colt 45, tiểu liên AK, CKC, AR-15, K63, K44... Theo anh Lợi, thiết bị này tiết kiệm được thời gian, công sức vì không phải đưa các loại vũ khí lên tuyến trên để hiệu chỉnh. Qua khảo sát đánh giá của cấp trên thì sáng kiến này có nhiều ưu điểm, dễ sử dụng, tiết kiệm khoảng 50% lượng đạn so với kiểm tra thủ công và năng suất hiệu chỉnh tăng 200%. Ngoài ra, giá hiệu chỉnh súng còn giúp cán bộ, chiến sĩ nâng cao trình độ chuyên môn trong công tác bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa vũ khí trang bị. Thời gian tới, sáng kiến sẽ được triển khai đến nhiều đơn vị trực thuộc để bộ đội chủ động hiệu chỉnh súng trước khi kiểm tra bắn đạn thật. Ngoài sáng kiến này, Trung tá QNCN Đặng Hoàng Lợi còn có 3 sản phẩm đoạt Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội, 2 sản phẩm đoạt giải III cấp Bộ Quốc phòng...

Với vai trò là cơ quan chỉ đạo, Cục Kỹ thuật Quân khu 9 thường xuyên sâu sát thực tế, có nhiều giải pháp thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Trong đó, gắn hoạt động này với Cuộc vận động “Quản lý, khai thác VKTBKT tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông” và “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; đồng thời, quá trình tổ chức các hội thi, hội thao, các cấp đều chú trọng nghiên cứu phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Nhờ vậy, từ chỉ huy đơn vị, kỹ sư, trợ lý đến những người thợ ngày đêm gắn bó với máy móc, nhà xưởng đều nhiệt tình đăng ký tham gia nghiên cứu, sáng tạo với những sản phẩm đa dạng thuộc nhiều lĩnh vực. Phần lớn các sản phẩm đều được đánh giá thông qua ứng dụng thực tiễn, tập trung vào nâng cao chất lượng công tác bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa VKTBKT, nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật ở cơ quan, đơn vị. Đại tá Nguyễn Văn Hùng, Chủ nhiệm Kỹ thuật Quân khu 9 cho biết: “Điều kiện vật chất, kinh phí hoạt động nghiên cứu còn nhiều khó khăn nhưng các cơ quan, đơn vị luôn phát huy tốt khả năng, tích cực nghiên cứu nhiều sản phẩm chất lượng. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu”.

Trung tá Nguyễn Thanh Quân, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3, Sư đoàn 330 cho rằng, trong điều kiện cơ sở vật chất bảo đảm huấn luyện còn khó khăn, việc nghiên cứu tạo ra những sản phẩm mới, có giá trị ứng dụng cao trong huấn luyện càng có ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cao tính trực quan, sinh động, kích thích tinh thần tích cực, hứng thú học tập của bộ đội. Vì vậy, thực hiện trên-dưới cùng làm, đơn vị phát động thành phong trào rộng khắp trong Trung đoàn. Cùng với đó là khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tập thể, cá nhân tham gia, gồm cả đối tượng hạ sĩ quan, binh sĩ có trình độ chuyên môn.

Sáng kiến, cải tiến kỹ thuật thường xuất phát từ thực tế quá trình lao động, sản xuất, huấn luyện, chiến đấu nhằm mục đích nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, chất lượng huấn luyện. Vì thế, cần phải nghiên cứu, đánh giá một cách cẩn trọng về tính ứng dụng, hiệu quả trước khi đầu tư, cải tiến, tránh tình trạng chạy theo thành tích mà gây lãng phí các nguồn lực.

Bài và ảnh: HỮU TÀI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/phat-huy-hieu-qua-sang-kien-cai-tien-ky-thuat-717617