Phát huy hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA qua Kho bạc Nhà nước TP. Hồ Chí Minh
Đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn ODA thực sự là một công cụ hữu ích để thúc đẩy sự phát triển, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ đặt ra luôn đòi hỏi sự tăng cường quản lý, kiểm soát có hiệu quả của ngành chức năng Kho bạc Nhà nước trên địa bàn cả nước nói chung, TP.Hồ Chí Minh nói riêng.
Góp thêm nguồn lực quan trọng cho địa phương
Theo đánh giá của các chuyên gia, nhiều năm qua, các dự án ODA tại Việt Nam đã tập trung vào nhiều lĩnh vực quan trọng như giáo dục, y tế, nước sạch và vệ sinh môi trường, phát triển nông thôn, giảm nghèo và xây dựng cơ sở hạ tầng. Qua các dự án này, hàng triệu học sinh được tiếp cận giáo dục chất lượng, hàng triệu người dân được cải thiện điều kiện y tế và hưởng lợi từ hệ thống cấp nước sạch.
Tuy nhiên, khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình, chính sách hợp tác phát triển của các nhà tài trợ có sự điều chỉnh theo hướng giảm dần hoặc chấm dứt các khoản ODA viện trợ không hoàn lại, các khoản vay ODA với điều kiện ưu đãi được chuyển dần sang các khoản vay kém ưu đãi hơn.
Tình hình Kế hoạch vốn ODA và vay ưu đãi tại Kho bạc Nhà nước (KBNN) TP. Hồ Chí Minh cũng phản ánh đúng bối cảnh nêu trên. Về kế hoạch vốn ODA qua các năm gần đây liên tục có xu hướng giảm lần lượt qua các năm như: năm 2021 là 13,2 nghìn tỷ đồng, năm 2022 là 9 nghìn tỷ đồng, năm 2023 là 7,017 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt là kế hoạch vốn nguồn vốn địa phương vay lại Chính phủ giảm mạnh từ 9,409 nghìn tỷ đồng năm 2021 xuống 4,140 nghìn tỷ đồng năm 2023, tức giảm 5,269 nghìn tỷ đồng, tương ứng giảm 56% so với kế hoạch vốn năm 2021.
Theo thống kê tại KBNN TP. Hồ Chí Minh, từ năm 2021 đến tháng 5/2023 tổng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước nước ngoài giải ngân rút vốn vay đạt 7,834 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ xấp xỉ 26,8% so với tổng số kế hoạch vốn 29,219 nghìn tỷ đồng.
Theo đánh giá của KBNN TP. Hồ Chí Minh, nhiều năm qua việc đảm bảo sử dụng vốn ODA trên địa bàn đã phù hợp với điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi mà Chính phủ Việt Nam đã ký kết với các nhà tài trợ.
Việc rút vốn và thanh toán (sử dụng vốn ODA) đúng các quy định quản lý tài chính hiện hành đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước trong phạm vi kế hoạch vốn nước ngoài, vốn đối ứng hàng năm được duyệt hoặc điều chỉnh, bổ sung trong năm (nếu có) và kế hoạch trung hạn được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Về hồ sơ, thủ tục thanh toán (rút vốn) vốn ODA của các chủ dự án đều đã tuân thủ các quy định về quản lý tài chính của Chính phủ Việt Nam và phù hợp với các điều ước đã ký kết với các nhà tài trợ. Cùng với đó, năng lực quản lý tài chính về đầu tư công của các ban quản lý dự án ODA ngày càng được nâng cao, tiếp cận với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Thời gian thanh toán đảm bảo quy định của Chính phủ, Bộ Tài chính.
Giao dịch viên tại KBNN TP. Hồ Chí Minh luôn có sự ưu tiên xử lý sắp xếp thời gian phù hợp để giải quyết các công việc nhanh chóng, hiệu quả.
Hạn chế thấp nhất rủi ro, lãng phí
Theo ông Huỳnh Đức Chí - Trưởng phòng kiểm soát chi các nguồn vốn đầu tư Trung ương, KBNN TP. Hồ Chí Minh, thời gian qua trong quá trình kiểm soát hồ sơ các dự án ODA vẫn còn xuất hiện rủi ro, thiếu thông tin gây khó khăn cho quá trình kiểm soát chi của KBNN. Nguyên nhân chủ yếu là do hạn chế về hạ tầng công nghệ như: hồ sơ thanh toán gửi qua cổng dịch vụ công đối với các tài liệu đính kèm thì có dung lượng hạn chế, phải giảm chất lượng hiển thị để đảm bảo dung lượng đính kèm hồ sơ.
Cá biệt, một số bộ hồ sơ thiếu tài liệu đính kèm cần yêu cầu chủ đầu tư bổ sung như thiếu quyết định phê duyệt dự toán khối lượng phát sinh, thiếu phụ lục hợp đồng, hoặc thời điểm ký kết phụ lục hợp đồng trước thời điểm dự toán khối lượng phát sinh được duyệt.
Một số khoản thanh toán cho nhà cung cấp chưa phù hợp với điều kiện thanh toán theo hợp đồng đã ký kết dẫn đến việc KBNN phải từ chối thanh toán, yêu cầu chủ đầu tư lập lại hồ sơ đề nghị thanh toán gây chậm tiến độ giải ngân.
Từ thực tế trên, theo ông Chí, để kiểm soát chặt chẽ đảm bảo sử dụng nguồn vốn ODA thực sự có hiệu quả, bền vững, hạn chế thấp nhất những rủi ro, thất thoát, lãng phí cần có các giải pháp đồng bộ để cải thiện chất lượng kiểm soát chi nguồn vốn ODA.
Theo đó, cần chú trọng đào tạo nâng cao trình độ năng lực chuyên môn của kiểm soát viên để vừa khắc phục những yếu kém trong kiểm soát thanh toán, vừa đáp ứng yêu cầu kiểm soát chi theo mục tiêu chiến lược phát triển của KBNN.
Đối với các chủ đầu tư cần tăng cường công tác nghiên cứu chế độ quản lý tài chính đầu tư xây dựng cơ bản đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ODA. Nắm rõ các điều kiện chuyển tiếp để xử lý đúng tình huống, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn. Cùng với đó phải tích cực triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng sáng kiến áp dụng trong quá trình theo dõi, kiểm soát chi các dự án.
Cũng theo ông Chí, một trong những giải pháp căn cơ ràng buộc là phải tăng cường phối hợp giữa KBNN TP. Hồ Chí Minh với chủ đầu tư để quản lý chặt chẽ nguồn vốn, tránh tình trạng vượt kế hoạch vốn, hết hiệp định, sai điều khoản thanh toán, cần giảm thiểu sai sót để việc giao nhận và xử lý chứng từ trên môi trường điện tử được đảm bảo thông suốt.
Đặc biệt là phải thường xuyên tăng cường việc trao đổi giữa chủ đầu tư với KBNN TP. Hồ Chí Minh và cơ quan cấp trên của chủ đầu tư để kịp thời xử lý những vướng mắc trong công tác quản lý tài chính đầu tư xây dựng cơ bản đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ODA.
Nguồn vốn ODA đóng một vai trò không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam. Vốn ODA không chỉ đóng vai trò như một nguồn tài chính, mà còn là một cơ chế hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Qua ODA, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ về vốn, kỹ thuật và kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển. Nhờ đó, đất nước đã có cơ hội phát triển hạ tầng, phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ, cải thiện năng lực sản xuất và nâng cao chất lượng đời sống của người dân.