Phát huy hiệu quả thiết chế thể thao cơ sở: Cần giải pháp đồng bộ

Những năm gần đây, các thiết bị tập luyện thể dục - thể thao được lắp đặt tại những địa điểm công cộng như công viên, vườn hoa, nhà văn hóa… đã trở nên quen thuộc với người dân Thủ đô. Song, để phát huy hiệu quả thiết chế thể dục - thể thao cơ sở này, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng nâng cao hơn nữa ý thức quản lý, sử dụng của người dân.

Người dân sử dụng các thiết bị tập luyện thể dục - thể thao tại xã Mai Lâm (huyện Đông Anh). Ảnh: Nguyễn Quang

Còn khó khăn trong quản lý, vận hành

Theo Trưởng phòng Quản lý thể thao (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Đinh Văn Luyến, thực hiện Quyết định số 369/QĐ-UBND ngày 16-1-2014 của UBND thành phố Hà Nội, phê duyệt Quy hoạch phát triển thể dục thể thao thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, từ năm 2014, Sở đã thí điểm lắp đặt các trang thiết bị tập luyện thể dục - thể thao ngoài trời tại 7 quận: Long Biên, Ba Đình, Hà Đông, Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng.

Trên cơ sở đó, việc lắp đặt dụng cụ tập luyện thể dục - thể thao ngoài trời đã được nhân rộng ở nhiều địa phương trên địa bàn thành phố theo phương thức xã hội hóa như ở các quận, huyện: Tây Hồ, Đống Đa, Quốc Oai, Thanh Oai, Gia Lâm… Nhờ vậy, đến nay, toàn thành phố đã có gần 2.000 điểm tập luyện thể dục - thể thao ngoài trời. Mỗi điểm đều được lắp đặt từ 8 đến 24 dụng cụ tập luyện phù hợp với diện tích và dễ sử dụng cho mọi lứa tuổi.

Điển hình trong việc này có thể kể đến quận Tây Hồ. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Phạm Xuân Tài, 4 năm qua, quận đã đầu tư, lắp đặt thiết bị tập thể dục - thể thao ngoài trời tại hàng chục điểm ở khu vực vườn hoa ven Hồ Tây và nhà văn hóa các phường, thu hút đông đảo người dân tập luyện.

Ông Nguyễn Chiến Quang (phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ) chia sẻ: “Từ ngày có những điểm tập thể dục - thể thao ngoài trời ở ven Hồ Tây, tôi và người dân sinh sống xung quanh rất tích cực tập luyện để nâng cao sức khỏe”.

Mặc dù mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, nhưng thực tế quản lý, vận hành các điểm tập luyện thể dục - thể thao ngoài trời này đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Ông Nguyễn Hải Nam (tổ dân phố số 21, phường Kim Liên, quận Đống Đa) phản ánh: "Đã nhiều ngày nay, thiết bị chạy ở khu vực gần nhà tôi bị long mất ốc, không tập được. Mỗi lần có thiết bị hỏng hóc, phải mất rất nhiều thời gian để báo lên UBND phường và nhà cung cấp đến sửa chữa, bảo hành”.

Những hỏng hóc kể trên cũng xuất hiện ở một số điểm tập luyện khác trên địa bàn Hà Nội. Trao đổi về vấn đề này, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quốc Oai Nguyễn Vũ Hán nêu thực trạng, do các thiết bị tập luyện thể dục - thể thao được lắp đặt ngoài trời, chịu tác động của nắng, mưa nên rất dễ bị hỏng hóc, bong tróc. Trong khi đó, việc trông coi, bảo vệ các thiết bị hiện chỉ trông chờ vào trách nhiệm của tổ trưởng tổ dân phố và ý thức của người dân.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổ trưởng tổ dân phố 18, phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) tuyên truyền việc giữ gìn, bảo vệ các thiết bị tập luyện thể dục - thể thao đến người dân trên địa bàn. Ảnh: Minh Tuyết

Nâng cao ý thức quản lý, sử dụng

Thực tế cho thấy, để phát huy tối đa lợi ích của các thiết chế thể thao cơ sở cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và đặc biệt là người dân phải nâng cao ý thức quản lý, sử dụng dụng cụ tập luyện.

Là địa phương đang tổ chức vận hành, quản lý tốt các thiết chế thể dục - thể thao ở cơ sở, chia sẻ kinh nghiệm, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Phạm Xuân Tài cho biết, sau khi lắp đặt thiết bị tập thể dục - thể thao ngoài trời tại các điểm, quận bàn giao cho bộ phận phụ trách văn hóa - thể thao phường quản lý. Bộ phận này phối hợp với Đoàn Thanh niên phường, các tổ dân phố phụ trách công tác bảo hành, bảo trì khi dụng cụ hỏng hóc.

Trao đổi thêm về cách làm hiệu quả này, ông Nguyễn Chiến Quang (Phó Tổ trưởng tổ dân phố số 3, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ) nói: “Mỗi tuần tôi đi kiểm tra các thiết bị tập luyện một lần để tra dầu mỡ, siết lại đinh ốc. Nếu phát hiện hỏng hóc sẽ báo ngay với UBND phường để đơn vị cung cấp thiết bị đến sửa chữa”.

Cũng về vấn đề này, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quốc Oai Nguyễn Vũ Hán cho rằng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ dụng cụ tập luyện của người dân. “Tùy vào điều kiện ở mỗi địa phương có thể xã hội hóa nguồn kinh phí bảo trì, duy tu. Người dân góp công sức sẽ có ý thức tốt hơn”, ông Nguyễn Vũ Hán đề xuất.

Còn theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thạch Thất Nguyễn Trường Giang, huyện đang lập đề án quy hoạch, dành quỹ đất xây dựng điểm lắp đặt thiết bị tập thể dục - thể thao ngoài trời cho mỗi thôn khoảng 10 dụng cụ tập luyện. “Huyện sẽ ký hợp đồng với đơn vị cung cấp thiết bị, yêu cầu bảo hành, bảo trì theo quy định...”, ông Nguyễn Trường Giang cho biết.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh thông tin, Sở đang tham mưu với UBND thành phố ban hành văn bản về các giải pháp quản lý điểm tập luyện thể dục - thể thao ngoài trời để phát huy hiệu quả, sử dụng thiết bị được lâu dài, bảo đảm mỹ quan đô thị. Trong đó, sẽ tạo hành lang pháp lý cho các địa phương chủ động vận dụng các nguồn kinh phí đầu tư xây dựng thiết chế thể dục - thể thao. Sở cũng sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc duy tu, bảo dưỡng các thiết chế thể thao ngoài trời; tích cực phối hợp với các địa phương nhân rộng mô hình lắp đặt thiết chế thể dục - thể thao ngoài trời, góp phần thu hút người dân tham gia tập luyện nâng cao sức khỏe và làm phong phú đời sống tinh thần trong cộng đồng dân cư.

Ngân Hà

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/994083/phat-huy-hieu-qua-thiet-che-the-thao-co-so-can-giai-phap-dong-bo