Phát huy hiệu quả ứng dụng phần mềm ASM tại khu du lịch
Là địa bàn du lịch lớn nhất của tỉnh Sơn La, thời gian qua Công an huyện Mộc Châu đã triển khai tích cực, ứng dụng phần mềm ASM vào đời sống. Dù mới triển khai chưa lâu nhưng phần mềm ASM đã mang hiệu quả rõ rệt, rút ngắn thủ tục, thời gian thông báo lưu trú cho người dân, góp phần quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự (ANTT).
Tính bảo mật cao
Phần mềm ASM là mô hình thứ 9 trong số 43 mô hình thuộc 5 nhóm tiện ích mà người dân, doanh nghiệp được hưởng khi thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo Trung tá Đào Thị Hải Yến, Đội trưởng Đội Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an huyện Mộc Châu: Phần mềm ASM do Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng Dữ liệu dân cư và Căn cước công dân thực hiện quản trị, vận hành. Thông tin dữ liệu cá nhân, lưu trú được bảo mật theo đúng quy định. Phần mềm đã được Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an triển khai từ ngày 27/2/2023, kết nối với hệ thống phần mềm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm phát triển ứng dụng của thẻ CCCD có gắn chíp điện tử. Các thông tin lưu trú của người dân được cập nhật một cách thường xuyên và đảm bảo tính bảo mật. Phần mềm ASM tích hợp nhiều tiện ích, như: quản lý phòng, nhân viên, khách lưu trú; quản lý các dịch vụ kinh doanh… giúp các cơ sở kinh doanh lưu trú quản lý chặt chẽ, hiệu quả các dịch vụ của mình.
Cơ sở lưu trú, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập, sử dụng phần mềm, kết hợp cùng thiết bị quét mã QR trên căn cước công dân để kê khai thông tin tự động mà không cần xuất trình các loại giấy tờ khi đăng ký lưu trú.Việc triển khai sử dụng phần mềm này nhằm đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ cho du khách; giảm thời gian, chi phí đi lại của các cơ sở lưu trú; đẩy mạnh việc cải cách, giải quyết thủ tục hành chính công qua Internet. Việc cập nhật thông tin lưu trú cũng góp phần giúp cơ quan Công an quản lý hộ khẩu, phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn huyện Mộc Châu nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung.
Nằm ở trung tâm thị trấn Mộc Châu, lưu lượng khách đến với Homestay Gấu Smile hàng tuần lên đến hàng trăm người… có những tuần cao điểm con số này thậm chí gấp đôi, gấp 3. So với việc phải trực tiếp đến cơ quan công an để làm thủ tục thì giờ đây chỉ cần thực hiện vài thao tác đơn giản qua phần mềm ASM, việc khai báo lưu trú đã được hoàn tất.
Anh Nguyễn Tiến Thắng, chủ Homestay Gấu Smile chia sẻ: Qua quá trình sử dụng phần mềm thì bản thân thấy phần mềm này khá tiện ích, khi khách hàng đến chỉ cần quét mã QR thì đã nhập đầy đủ thông tin của khách hàng, việc thông báo cho khách trên hệ thống rất chính xác. Việc thông báo tiết kiệm thời gian và độ chính xác cũng cao, trên phần mềm ASM hướng dẫn đăng nhập cũng dễ dàng… Từ khi có phần mềm ASM ra đời thì công sức và thời gian của homestay gần như là giảm đáng kể.
Qua thực tiễn cho thấy việc thực hiện thông báo lưu trú qua phần mềm ASM tại huyện Mộc Châu nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung đã và đang phát huy được hiệu quả thực tiễn, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Chia sẻ với PV, Anh Nguyễn Tấn Dũng, quản lý Mama homestay, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu cho biết: Ban đầu anh và Homestay chưa biết đến phần mềm tiện ích này, tuy nhiên qua hướng dẫn của lực lượng Công an thì anh thấy rằng phần mềm ASM đã giúp rút ngắn thời gian của quản lý cũng như nhân viên làm nhiệm vụ Check in cho khách hàng đến lưu trú tại Homestay, thông tin khách hàng cũng được khai báo đầy đủ, rõ ràng hơn so với các thủ tục trước kia, đặc biệt là thời điể khi chưa có dịch vụ công trực tuyến và phần mềm ASM.
Đưa phần mềm ASM đi vào đời sống
Với tổng số 239 cơ sở kinh doanh lưu trú trên địa bàn toàn huyện, việc ứng dụng khai báo lưu trú qua phần mềm ASM là một bước đột phá mới trong công tác cải cách hành chính. Góp phần quan trọng trong giảm công sức đi lại, thời gian, nhân lực, kinh tế, đảm bảo an ninh, an toàn cho công dân. Không những vậy còn phục vụ cho việc nắm tình hình, quản lý nhân hộ khẩu…, góp phần đảm bảo tình hình ANTT trên địa bàn trọng điểm như Mộc Châu. Tuy nhiên, đối với một huyện miền núi như Mộc Châu nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung việc triển khai phần mềm sau một thời gian cũng vấp phải những khó khăn nhất định…
Theo Trung tá Đào Thị Hải Yến, Đội trưởng, Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an huyện Mộc Châu: Đa phần ở đây cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú do người dân sử dụng nhà ở sẵn có để kinh doanh… họ là người già sau khi nghỉ hưu muốn kiến thêm thu nhập nên tận dụng đất, nhà ở sẵn có nên việc cập nhật công nghệ là còn hạn chế, chậm hơn so với các cơ sở kinh doanh có các bạn trẻ. “Tuy nhiên trước những khó khăn trước mắt như vậy thì lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an huyện Mộc Châu sẽ tích cực tuyên truyền, đẩy mạnh công tác hướng dẫn đối với từng cơ sở kinh doanh lưu trú, cơ sở y tế trên địa bàn để từng bước đưa phần mềm ASM đi vào đời sống” – Trung tá Đào Thị Hải Yến khẳng định.
Khắc phục những khó khăn ban đầu, với những lợi ích mà phần mềm ASM mang lại, nhiều cơ sở kinh doanh lưu trú trên địa bàn huyện Mộc Châu nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung đã chủ động cài đặt phần mềm, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng thực hiện việc thông báo lưu trú qua phần mềm ASM… sẽ tiếp tục phối hợp các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú tổ chức tập huấn, bố trí hạ tầng, lắp đặt hệ thống máy móc, thiết bị để triển khai thực hiện tại cơ sở, thường xuyên hướng dẫn người dân thực hiện thông báo lưu trú trên môi trường điện tử, qua đó góp phần đẩy nhanh việc thực hiện các mô hình thuộc 5 nhóm tiện ích mà người dân, doanh nghiệp được hưởng khi thực hiện Đề án 06 của Chính phủ.